Đại dịch COVID-19 "chê" các nước nghèo ở lục địa đen?

25/09/2020 - 06:09

PNO - Trong khi hầu hết mọi quốc gia trên thế giới đang căng mình chống chọi với coronavirus, và số người chết vẫn không ngừng tăng lên mỗi ngày, thì có một khu vực rộng lớn trên quả địa cầu vẫn đang bình chân như vại.

Tại Tanzania, một trong những quốc gia nghèo nhất châu Phi, chính phủ vẫn đặt coronavirus ra ngoài chương trình nghị sự của mình. Không xét nghiệm, không giãn cách xã hội, không tuyên bố nguy cơ bùng phát dịch kể cả khi hàng trăm người chết mỗi tháng với những căn bệnh “có triệu chứng liên quan đến hô hấp chưa giải thích được” theo tuyên bố của cơ quan y tế nước này. Thậm chí, người ta còn khuyến khích dân chúng tập trung cầu nguyện tại nhà thờ và dùng các loại lá, rể cây để "xua đuổi virus".

Trong khi cả thế giới đang căng mình chống chọi với đại dịch COVID-19 thì người dân ở Dar es Salaam, thành phố lớn nhất Tanzania, vẫn bình chân như vại và không hề áp dụng biện pháp phòng chống dịch nào - Ảnh: Ericky Boniphace/AFP
Người dân ở Dar es Salaam, thành phố lớn nhất Tanzania, vẫn không hề áp dụng biện pháp phòng chống COVID-19 nào ở nơi đông người - Ảnh: Ericky Boniphace/AFP

Tháng trước, tại Zambia đã có 28 người chết tại nhà chỉ trong một ngày với các triệu chứng nghi nhiễm COVID-19 trong khi danh sách chờ được xét nghiệm của họ vẫn nằm đâu đó trên bàn làm việc của những người có trách nhiệm.

Ở Nam Sudan, chính quyền dùng vũ lực để đẩy hàng ngàn người vào bên trong các trại tị nạn được trưng dụng để cách ly những bệnh nhân nhiễm hoặc bị nghi nhiễm COVID-19 nhưng lại không hề tổ chức bất cứ hoạt động xét nghiệm hay các biện pháp phòng ngừa nào.

Thiếu năng lực xét nghiệm, không minh bạch trong công bố dữ liệu, cố ý bưng bít thông tin là những gì đã và đang xảy ra ở khắp châu Phi, nơi có những quốc gia với nền kinh tế kém phát triển nhất thế giới nhưng lại đang đứng ngoài cuộc đối với đại dịch đã cướp đi mạng sống của hơn 975.000 người trên toàn cầu. Chính điều này đã khiến hơn một triệu người dân thuộc khu vực hạ Sahara châu Phi đang trở nên “tàng hình” trước sự quan tâm của cộng đồng quốc tế vốn đang mất ăn mất ngủ vì đại dịch.

Tình trạng hạn chế thông tin cùng với số ca tử vong tăng đột biến bởi những “bệnh liên quan đến hô hấp” đang đe dọa toàn bộ người dân ở khu vực châu Phi. Và dù không công bố một cách chính thức, nhưng số ca nhiễm ở khu vực này đã tăng gấp đôi so với chỉ cách đây 1 tháng, với hơn 1 triệu ca nhiễm và 20.000 người tử vong khiến Tổ chức Y tế thế giới (WHO) “đứng ngồi không yên”.

Số ca tử vong bởi một loại virus lạ tăng cao ở các nước châu Phi khiến WHO lo lắng - Ảnh: The Australian
Số ca tử vong bởi một loại virus "lạ" tăng cao ở các nước châu Phi khiến WHO và các tổ chức quốc tế lo lắng - Ảnh: The Australian

Ngân hàng Thế giới cũng không thể im lặng được khi buộc phải đưa ra cảnh báo rằng, thái độ “bình chân như vại” của lãnh đạo một số quốc gia châu Phi sẽ dẫn đến hậu quả khủng khiếp đến mức “không dám nghĩ tới”, như: không thể tái mở cửa nền kinh tế ở khu vực châu Phi cho đến hết năm và có thể cả năm sau, hay đáng lo ngại hơn cả là hàng chục triệu người sẽ chết đói, nhất là khi những liều vắc-xin ngừa COVID-19 còn lâu mới đến được tay người dân ở khu vực này.

“Chúng tôi đang chiến đấu với dịch bệnh này theo cách mò mẫm trong bóng tối”, bà Stacey Mearns, cố vấn kỹ thuật cao cấp thuộc Ủy ban Cứu hộ Quốc tế (IRC) phát biểu. “Cho đến nay, thế giới vẫn hầu như không biết gì nhiều về tình hình và mức độ lây nhiễm coronavirus ở lục địa này”.

Việc tiếp cận các dữ liệu chính xác về COVID-19 ở châu Phi cũng được xem là một "nhiệm vụ bất khả thi". Khu vực hạ Sahara châu Phi có 46 nước với dân số hơn một tỷ người nhưng chỉ mới có 6,3 triệu ca xét nghiệm coronavirus; trong khi chỉ riêng tại thành phố New York (Mỹ) với dân số khoảng 20 triệu người thì đã tiến hành xét nghiệm cho hơn 8 triệu ca.

Tỷ lệ người dân được xét nghiệm coronavirus ở các nước châu Phi là rất thấp - Ảnh: Brian Inganga/AP
Tỷ lệ người dân được xét nghiệm coronavirus ở các nước châu Phi là rất thấp - Ảnh: Brian Inganga/AP

Liên minh châu Phi, một tổ chức liên chính phủ bao gồm 55 quốc gia châu Phi, vừa mới công bố số liệu thống kê, các quốc gia khu vực này đã tiến hành khoảng 5.000 xét nghiệm/1 triệu dân. Trong khi các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất thực hiện 500.000 xét nghiệm/1 triệu dân. Hầu hết số liệu xét nghiệm được thống kê từ 4 quốc gia châu Phi, bao gồm: Nam Phi, Kenya, Ghana và Ethiopia, đồng nghĩa với việc không thể tiếp cận dữ liệu cần thiết từ hơn 40 quốc gia còn lại.

“Những gì được biết chỉ là phần nổi nhỏ của một tảng băng chìm đối với tình trạng lây nhiễm coronavirus ở châu Phi”, Farouk Umaru, giám đốc chương trình sức khỏe cộng đồng toàn cầu thuộc tổ chức phi chính phủ U.S. Pharmacopeia cho biết. “Giải pháp khẩn thiết nhất lúc này là tăng cường xét nghiệm nhanh trên diện rộng thì mới có thể ngăn chặn được sự lây lan của virus ở các nước châu Phi”.

Thế nhưng, vấn đề đáng ngại hơn ở khu vực này lại là, chính phủ nhiều nước không hề chấp nhận sự thật rằng, COVID-19 đã “viếng thăm” đất nước họ.

Cộng hòa Guinea Xích Đạo đã trục xuất các chuyên gia của WHO khi bị hối thúc phải công bố tình trạng lây nhiễm coronavirus cho dân chúng. Khi cố tổng thống 55 tuổi Pierre Nkurunziza của Cộng hòa Burundi đột ngột tử vong hồi tháng Sáu vừa rồi, chính phủ đã thông báo rằng ông chết vì bị đột quỵ bởi bệnh tim, trong khi các chuyên gia y tế và chính trị gia quốc tế đều tin rằng, ông Pierre là ca đầu tiên trên thế giới là lãnh đạo quốc gia chết vì COVID-19.

Nhiều người dân ở các nước châu Phi vẫn áp dụng các phương pháp truyền thống mà họ tin là có thể chữa trị được coronavirus. Trong ảnh là một người đàn ông đang xông hơi bằng khói từ lá cây tại nhà một thầy lang trong vùng - Ảnh: Ericky Boniphace/AFP/Getty Images
Nhiều người dân ở các nước châu Phi vẫn áp dụng phương pháp truyền thống mà họ tin là có thể chữa trị được coronavirus. Trong ảnh là một người đàn ông đang xông hơi bằng khói từ lá cây tại nhà một thầy lang trong vùng - Ảnh: Ericky Boniphace/AFP/Getty Images

Chính quyền Tanzania thì ra lệnh đóng cửa một tòa soạn báo sau khi một tấm ảnh đăng tải tổng thống John Magufuli đang hiện diện tại một khu chợ hải sản đông đúc hồi tháng Tư, vi phạm các quy định giãn cách xã hội do chính ông ban hành. Một đài truyền hình địa phương cũng bị tước giấy phép hoạt động hồi tháng Bảy chỉ vì đưa các thông tin về coronavirus. Thậm chí cách đây một tháng, chính phủ còn ra một lệnh cấm thảo luận về dịch bệnh trên mạng, dẫn đến hàng trăm người dân đã bị phạt tiền lẫn ngồi tù vì vi phạm.

Một loạt các quốc gia khác như Zambia, Somalia, Burkina Faso, Nigeria, và Cộng hòa Congo cũng thực thi những biện pháp hà khắc nhằm hạn chế tối đa thông tin về coronavirus được truyền đi cho người dân, cũng như không hề quan tâm đến công tác xét nghiệm, khám chữa bệnh, và tăng cường năng lực cho hệ thống y tế. Tình trạng này chẳng khác gì cách mà họ đã ứng phó với các đại dịch tương tự trong quá khứ, như: HIV/AIDS, bệnh sởi, và sốt xuất huyết Ebola.

Năng lực hạn chế trong xét nghiệm thì đã rõ. Thế nhưng, điều đáng sợ nhất lại chính là những quan niệm sai lầm về COVID-19 đã ngăn chặn việc xét nghiệm của người dân. Thậm chí tại Somali, theo báo cáo của Care International, một tổ chức phi chính phủ quốc tế, thì kể từ hồi đầu tháng Ba khi coronavirus bắt đầu tấn công đất nước này, số lượng người dân đến trạm y tế để khám bệnh đã giảm xuống còn 1/3 so với trước đây. Nguyên nhân là, bất cứ ai có triệu chứng ho sốt, dù chỉ là cảm cúm thông thường, thì cũng sẽ ngay lập tức bị “cách ly” và trục xuất bằng vũ lực ra khỏi đời sống của cộng đồng.

Học sinh tại một trường cấp 2 tại Tanzania đang rửa tay theo hướng dẫn vệ sinh phòng tránh coronavirus của nhà trường - Ảnh: ERICKY BONIPHACE/AGENCE FRANCE-PRESSE/GETTY IMAGES
Hình ảnh hiếm hoi về việc học sinh tại một trường cấp 2 của Tanzania đang rửa tay theo hướng dẫn vệ sinh phòng tránh coronavirus của nhà trường - Ảnh: Ericky Boniphace/AFP/Getty Images

Shabir Madhi, giáo sư dịch tễ học tại Đại học Witwatersrand (Nam Phi) cho biết, số liệu xét nghiệm ở tất cả các nước châu Phi là không đầy đủ, và vì vậy, là vô nghĩa.

“Những dữ liệu thiếu sót này hoàn toàn không phản ánh đúng thực tế mức độ nghiêm trọng của sự lây lan coronavirus ở khu vực này”, ông Shabir cảnh báo.

Nguyễn Thuận (theo WSJ)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI