Đại dịch chia đôi thế giới

20/05/2021 - 06:10

PNO - Trên thế giới, một số thành phố không có ca tử vong, nhưng những thành phố khác lại chứng kiến hàng ngàn người chết mỗi ngày. Sự phân chia nghiệt ngã của đại dịch COVID-19 tiếp tục mở rộng khi vắc-xin cứ đổ về các quốc gia giàu có.

Vắc-xin vạch ra ranh giới thắng - thua trong đại dịch

Nhiều thành phố đang có số ca lây nhiễm COVID-19 cực kỳ thấp khi vắc-xin được tiêm cho nhiều người dân. Tel Aviv (Israel), một trong những thành phố được tiêm chủng nhiều nhất trên thế giới, chỉ ghi nhận hai ca nhiễm mới hôm 12/5. Los Angeles (Mỹ) bắt đầu tiêm phòng cho thanh thiếu niên từ 12 tuổi trở lên. Ngược lại, các đợt dịch bùng phát đang tàn phá Nam Á và Nam Mỹ, nơi không có đủ vắc-xin để ngăn chặn làn sóng lây nhiễm

Nhiều người ăn uống cùng nhau ngoài trời tại một nhà hàng trên đường phố New York, khi cuộc sống bắt đầu quay lại bình thường - Ảnh: Getty Images
Nhiều người ăn uống cùng nhau ngoài trời tại một nhà hàng trên đường phố New York, khi cuộc sống bắt đầu quay lại bình thường - Ảnh: Getty Images

Phần lớn nguồn cung cấp vắc-xin trên thế giới tiếp tục được sử dụng, hoặc tích trữ bởi các quốc gia phát triển đã ổn định tình hình dịch bệnh. Với gần một nửa số cư dân được tiêm chủng, thành phố New York và London đang chuẩn bị chào đón khách du lịch vào mùa hè này.

Dù vắc-xin không phải là công cụ duy nhất để kiểm soát sự lây lan (một số khu vực, đặc biệt là tại châu Á và châu Đại Dương, đã giữ số ca lây nhiễm ở mức thấp dù không có nhiều vắc-xin) nhưng hiện tại, không có yếu tố nào xác định được con đường thoát khỏi đại dịch của một quốc gia rõ ràng hơn số vắc-xin mà quốc gia đó mua được.

Phân tích các chiến dịch tiêm chủng và quỹ đạo ca bệnh trên 22 thành phố toàn cầu của Thời báo New York cho thấy, tuy các ca bệnh là một thước đo không hoàn hảo vì tỷ lệ xét nghiệm của từng nơi rất khác nhau và nhiều ca nhiễm bị bỏ sót, đại dịch đang chia thế giới thành hai nửa: có và không có vắc-xin.

Hai quốc gia đóng vai trò trung tâm của các đợt bùng phát dịch bệnh trên khắp khu vực Nam Á và Nam Mỹ chính là Ấn Độ và Brazil. Tại Ấn Độ, các ca lây nhiễm đã tăng vọt cùng với một biến thể có khả năng lây lan cao hơn của virus, trở thành một trong những đợt bùng phát nguy hiểm nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu. Việc xét nghiệm rất khó và các con số thống kê chỉ gợi ý một phần của vấn đề.

Ấn Độ bắt đầu tiêm phòng muộn hơn nhiều quốc gia lớn ở phương Tây và chỉ 10% trong số 1,4 tỷ người của nước này được tiêm ít nhất một liều. Tốc độ tiêm chủng chậm lại đáng kể trong những tuần gần đây. Ngay cả khi nước này tạm dừng xuất khẩu vắc-xin để tiêm chủng cho dân chúng và nhận tài trợ từ các quốc gia khác, số liều vẫn là quá ít để có thể ngăn chặn dịch bệnh. Tương tự, một đợt bùng phát không thể kiểm soát ở Brazil đã góp phần thúc đẩy làn sóng lây nhiễm mới khắp châu Mỹ Latinh, nơi vốn là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi COVID-19 trên thế giới vào năm 2020. 

“Bình thường mới” gắn liền với nỗi lo

Không chỉ tạo ra sự phân chia về số ca lây nhiễm dựa trên khả năng tiêm chủng của từng quốc gia, bản thân các nước đạt được kết quả tốt trong chống dịch cũng đang có sự chia rẽ trong xã hội, một nửa muốn nhanh chóng quay lại cuộc sống bình thường trước đây, và một nửa hoài nghi về việc liệu có quá sớm để chuyển sang giai đoạn “bình thường mới”.

Sau khi các loại vắc-xin được sử dụng khẩn cấp ở Mỹ đem lại hiệu quả vượt trội về giảm thiểu số ca lây nhiễm, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) đưa ra tuyên bố rằng, những người đã tiêm vắc-xin có thể an toàn bỏ khẩu trang, ngừng giãn cách ở không gian ngoài trời và trong nhà. Quyết định này được một bộ phận dân cư ủng hộ. Nhưng ngược lại, nhiều chuyên gia cho rằng quyết định này của CDC là quá sớm, giữa lúc quốc gia vẫn chứng kiến mỗi 2,5 phút có một trường hợp tử vong vì COVID-19. Nhiều người dân Mỹ dường như vẫn hoài nghi về chỉ dẫn của CDC.

Tại Anh, hơn 36 triệu người đã nhận được ít nhất một liều vắc-xin COVID-19. Bắt đầu từ ngày 17/5, chính phủ cho phép các gia đình tụ họp trong nhà, và nhóm tối đa 30 người có thể gặp gỡ bên ngoài. Dịch vụ ăn uống trong nhà cùng với các địa điểm giải trí như rạp chiếu phim và bảo tàng cũng có thể hoạt động trở lại. Dù vậy, Stefania Taormina, chủ một nhà hàng kiểu Ý tại London, chia sẻ: “Số lượng đặt bàn bên trong không nhiều, tôi nghĩ mọi người hiện đã thay đổi quan điểm về việc ăn cùng bàn trong không gian kín do lo ngại về dịch bệnh”. 

Linh La 
(theo NY Times, Washington Post, Financial Times, CNN)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI