Đại biểu quốc hội: Y học tiến bộ, trình độ bác sĩ nâng cao không tỷ lệ thuận với y đức

13/06/2022 - 10:09

PNO - ĐBQH Trần Quang Minh (Quảng Bình) trăn trở trước vấn đề y đức xuống cấp, nhiều cán bộ y tế chạy theo lợi ích mà rời xa tôn chỉ, mục đích.

 

ĐBQH bức xúc trước vấn đề y đức xuống cấp,

ĐBQH Trần Quang Minh bức xúc trước vấn đề y đức xuống cấp, ảnh hưởng tới sức khỏe, tinh thần của bệnh nhân và làm mất uy tín của ngành

Cần đưa tiêu chuẩn đạo đức vào dự thảo luật

Sáng 13/6, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi). ĐBQH Trần Quang Minh (Quảng Bình) chia sẻ, vấn đề y đức quan trọng nên cần phải đưa vào dự thảo luật và dành 1 chương riêng để quy định chi tiết.

“Y học tiến bộ nhiều, trình độ y bác sĩ được nâng lên nhưng không hẳn là “tỷ lệ thuận” với y đức, kể cả bệnh viện tuyến trên, bệnh viện có đội ngũ bác sĩ tay nghề cao”, ĐBQH bức xúc.

ĐBQH khẳng định, bên cạnh 1 bộ phận cán bộ y tế tận tâm với nghề, xông pha trong tuyến đầu chống dịch… nhiều y bác sĩ ngày càng rời xa tôn chỉ, mục đích như như lời Bác Hồ dạy “lương y như từ mẫu”, không xem nghề chăm sóc sức khỏe là cao quý mà lại còn gây tâm lý ức chế, bức xúc cho người nhà, gia đình bệnh nhân, ảnh hưởng sức khỏe - tinh thần bệnh nhân, mất uy tín trong ngành y tế…

“Cuối cùng cũng là vì y đức xuống cấp, đề cao cá nhân, lợi ích trước mắt, bản tính tiêu cực gây nên. Vì vậy, dự thảo luật có nêu quyền được nâng cao kiến thức trình độ chuyên môn thì cũng cần bổ sung quyền học tập trau dồi y đức”, ĐB đề xuất cần đưa 12 tiêu chuẩn đạo đức của Bộ Y tế đang quy định để đưa vào dự thảo này.

Liên quan tới vấn đề thành lập hội đồng y khoa khi có tai biến, ĐBQH đồng ý với quy định trong dự thảo song cần quy định rõ hơn thành phần của hội đồng, ngoài luật gia, người bệnh hoặc đại diện người bệnh được mời chuyên gia y tế phù hợp để tham gia, đảm bảo khách quan.

Tiến trình xã hội hóa đang ở nút “tạm dừng”

ĐBQH Nguyễn Thị Thúy phân tích nhiều điểm nghẽn, hành lang pháp lý chưa hoàn thiện khiến tiến trình xã hội hóa ngành y tế đang ở nút tạm dừng

ĐBQH Nguyễn Thị Thúy phân tích nhiều điểm nghẽn, hành lang pháp lý chưa hoàn thiện khiến tiến trình xã hội hóa ngành y tế đang ở nút "tạm dừng"

ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) đặt vấn đề liên quan tới câu chuyện xã hội hóa, liên doanh liên kết đang “nóng” trong thời gian vừa qua. ĐBQH chỉ ra, liên doanh liên kết giữa các đơn vị công lập với đơn vị doanh nghiệp là chủ trương đúng đắn để bù đắp những thiếu hụt trong lĩnh vực y tế. Chính sách này trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nâng cao trình độ khám chữa bệnh, giúp bệnh nhân tiếp cận kỹ thuật cao, không chỉ bệnh viện tuyến trên mà còn có các bệnh viện tuyến dưới.

Bên cạnh kết quả tích cực, quá trình triển khai nảy sinh nhiều vấn đề, lạm dụng chỉ định xét nghiệm, kỹ thuật cao quá mức cần thiết gây tốn kém, lãng phí. Xã hội hóa, liên doanh liên kết mới chủ yếu tập trung ở bệnh viện tuyến trên, ở nơi khó khăn lại khó xã hội hóa, dẫn tới thiệt thòi…

Việc thổi giá không chỉ xuất hiện trong các dự án đấu thầu, mua bán trang thiết bị y tế mà còn trong các đề án xã hội hóa liên doanh, liên kết đặt máy móc thiết bị tại bệnh viện công lập. Điển hình là vụ án tại bệnh viện Bạch Mai, mỗi hợp đồng cho phép đặt rô bốt với mức giá cao gấp 5 lần giá trị thực, từ hơn 7 tỷ đồng lên 39 tỷ đã làm lợi cho một nhóm người và khiến hơn 600 bệnh nhân bị thiệt hại.

“Nguyên nhân quá nhiều nhưng trong đó là do hành lang pháp lý chưa hoàn thiện thiếu chặt chẽ, nhiều lỗ hổng dẫn tới vừa khó khăn cho bệnh viện khi triển khai, vừa dễ rủi ro cho cả bệnh viện và đơn vị tư nhân tham gia, và nhất là dễ bị lợi dụng để cấu kết nhóm lợi ích gây thiệt hại cho bệnh nhân và nhà nước”, ĐB Nguyễn Thị Thủy phân tích.

Để khắc phục vấn đề này, cần phải sửa đổi, bổ sung văn bản pháp luật, trong đó có Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi). Tuy nhiên, theo nữ ĐB, dự luật hiện nay chỉ duy nhất có Điều 90 về vấn đề xã hội hóa, hoạt động liên doanh liên kết. Quy định tại điều này cũng chỉ mang tính chủ trương, chưa đáp ứng nhu cầu đặt ra.

ĐBQH nhấn mạnh, những khó khăn do pháp luật chưa quy định cụ thể, rõ ràng vốn đã kéo dài trong nhiều năm thì nay càng trở nên trầm trọng hơn, điển hình là việc xảy ra nhiều vụ án trong lĩnh vực y tế. "Tiến trình xã hội hóa của y tế gần như đang đặt ở nút “tạm dừng”. Các hoạt động mua sắm trang thiết bị để nâng cao khám chữa bệnh trong toàn ngành gần như đang “đóng băng”, không dám triển khai. Các bệnh viện, nhà quản lý trông chờ sửa đổi, bổ sung cụ thể trong các văn bản pháp luật, trong đó có dự luật này”, bà nhấn mạnh.

Từ thực trạng trên, ĐBQH Nguyễn Thị Thủy kiến nghị cần bỏ quy định cụ thể nguyên tắc, yêu cầu đặc thù của xã hội hóa trong lĩnh vực y tế, bổ sung các cơ chế kiểm soát chống biến tướng, lợi ích nhóm. Bổ sung và khuyến khích triển khai xã hội hóa tại các khu vực khó khăn.

M.Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI