Đại biểu Quốc hội xót xa trước vấn nạn trẻ bị bạo hành

15/06/2022 - 06:21

PNO - Chiều 14/6, thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) trong khuôn khổ kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV, các đại biểu đặc biệt quan tâm vấn đề bảo vệ trẻ em. Nhiều đại biểu bày tỏ sự xót xa trước tình trạng bạo hành trong gia đình khiến trẻ nguy kịch hoặc tử vong.

Người thân gây ra 75% vụ bạo hành trẻ

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy (tỉnh Bắc Kạn) đánh giá, thời gian qua, bạo hành trẻ em tăng cả về số vụ và mức độ nghiêm trọng. Năm 2021, theo thống kê của Bộ Công an, trong tổng số gần 2.000 vụ xâm hại trẻ em, hầu hết thủ phạm là người thân trong gia đình. Con số này cũng trùng khớp với thống kê của Tổng đài quốc gia Bảo vệ trẻ em. Trong tổng số cuộc gọi báo tin bạo hành trẻ em, số vụ do những người thân trong gia đình gây ra chiếm tới 75%. 

ĐBQH Nguyễn Trần Phượng Trân - Chủ tịch Hội LHPN TPHCM - kiến nghị tư vấn phòng chống bạo lực gia đình cho chính người có hành vi bạo lực gia đình để đảm bảo nguyên tắc lấy phòng ngừa là chính
ĐBQH Nguyễn Trần Phượng Trân - Chủ tịch Hội LHPN TPHCM - kiến nghị tư vấn phòng chống bạo lực gia đình cho chính người có hành vi bạo lực gia đình để đảm bảo nguyên tắc "lấy phòng ngừa là chính"

Bà bức xúc: “Nhiều vụ các em bị cha dượng, mẹ kế, chồng hờ, vợ hờ của cha mẹ bạo hành. Đáng lên án là trong những vụ này, có sự dung túng, tiếp tay của những người ruột thịt của nạn nhân”. Bà bày tỏ sự xót xa: “Thời gian qua, xảy ra nhiều vụ đặc biệt nghiêm trọng. Trẻ bị bạo hành trong một thời gian dài và chỉ bị phát hiện khi các em được đưa đến viện trong tình trạng đã tử vong hoặc tính mạng nguy kịch”.

Đại biểu Nguyễn Thị Hà (tỉnh Bắc Ninh) ĐBQH Nguyễn Thị Hà đề xuất, dự thảo luật phải xem trẻ là đối tượng đặc thù để bảo vệ cả về thể xác, tinh thần
ĐBQH Nguyễn Thị Hà (tỉnh Bắc Ninh) đề xuất, dự thảo luật phải xem trẻ là đối tượng đặc thù để bảo vệ cả về thể xác, tinh thần

Theo bà, một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới tình trạng trên là do pháp luật còn thiếu hoàn thiện, chưa thật sự phù hợp, nhất là còn thiếu những quy định để chủ động phòng ngừa bạo hành trẻ em ở những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt. Ngoài ra, phòng và chống bạo hành trẻ em trong môi trường gia đình vừa thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ), vừa thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Trẻ em. Do đó, bà đề nghị tính toán mức độ điều chỉnh để phù hợp với nhiệm vụ của từng luật, nhằm có thêm công cụ bảo vệ hiệu quả trẻ em trong môi trường gia đình mà vẫn tránh sự chồng lấn, mâu thuẫn giữa hai luật này.

Nhấn mạnh “một tiếng kêu cứu của trẻ em, dù bất cứ nơi đâu cũng đều thuộc trách nhiệm của tất cả chúng ta”, đại biểu Nguyễn Thị Thủy cho rằng, quy định trách nhiệm, các biện pháp bảo vệ trẻ em trong dự thảo Luật Phòng, chống BLGĐ (sửa đổi) cần phải ở mức độ cao hơn và sớm hơn. Cụ thể, bà nêu ra ba giải pháp: Rà soát để khắc phục những “khoảng trống” về bảo vệ trẻ em trong dự thảo Luật Phòng, chống BLGĐ và trong Luật Trẻ em; bổ sung các biện pháp đặc thù để chủ động phòng ngừa bạo hành trẻ em trong môi trường gia đình ở những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt; áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc đối với trường hợp bạo hành trẻ em cả trong thời gian chờ chủ tịch UBND cấp xã lập hồ sơ để đề nghị cơ quan tư pháp có thẩm quyền áp dụng biện pháp tạm thời, cách ly trẻ khỏi gia đình.

Phải xem trẻ em là đối tượng đặc thù

Tranh luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (tỉnh Tiền Giang) cho rằng, dự thảo luật quy định phạm vi áp dụng là người đã ly hôn, người chung sống với nhau như vợ chồng, người từng có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng, nhưng như vậy là chưa đủ, chưa bao quát hết các tình huống thực tế về BLGĐ. Thực tế, có nhiều vụ việc đau lòng do chính cha ruột, bố dượng, mẹ kế, người yêu của những người đã ly hôn gây ra cho con riêng của vợ, của chồng hoặc con của người yêu. Do đó, cần phải bổ sung đối tượng áp dụng. Ngoài ra, cần phải có sự đột phá trong các giải pháp để bảo vệ, hỗ trợ trẻ em như một đối tượng đặc thù.

ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) xót xa khi hàng loạt vụ trẻ bị bạo hành chỉ được phát hiện khi các em đã nguy kịch, thậm chí tử vong
ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) xót xa khi hàng loạt vụ trẻ bị bạo hành chỉ được phát hiện khi các em đã nguy kịch, thậm chí tử vong

Đại biểu Nguyễn Thị Hà (tỉnh Bắc Ninh) nhận định, dự thảo Luật Phòng, chống BLGĐ (sửa đổi) tập trung vào các giải pháp hỗ trợ người bị bạo lực là người lớn với các giải pháp truyền thống là hòa giải, chấm dứt bạo lực mà chưa cân nhắc đến đối tượng đặc thù là trẻ em. Trẻ có thể bị BLGĐ hoặc bị ảnh hưởng khi chứng kiến các hành vi BLGĐ. Do đó, luật cần có các quy định cho đối tượng đặc thù là trẻ em, trong đó cần thể hiện tính nhạy cảm về giới, độ tuổi, sự phát triển của trẻ em, lợi ích tốt nhất của trẻ. Ngoài việc hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu về y tế, tâm lý, pháp lý, cần quan tâm tới các biện pháp hỗ trợ liên quan đến việc học tập, bảo đảm việc học tập không bị gián đoạn trong thời gian trẻ đang điều trị các tổn thương về thể chất và tâm lý.

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình cần phải có sự đột phá trong các giải pháp để bảo vệ, hỗ trợ trẻ em như một đối tượng đặc thù (ảnh mang tính minh họa)
Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình cần phải có sự đột phá trong các giải pháp để bảo vệ, hỗ trợ trẻ em như một đối tượng đặc thù (ảnh mang tính minh họa)

Đại biểu Nguyễn Trần Phượng Trân (TPHCM) cũng nêu vấn đề điều kiện, thẩm quyền áp dụng các biện pháp cấm tiếp xúc. Theo đó, trẻ em dưới bảy tuổi là đối tượng còn rất nhỏ nên không thể đề nghị hoặc hỏi ý kiến. Do vậy, cần quy định về biện pháp cấm tiếp xúc sao cho phù hợp với các quy định của Luật Trẻ em năm 2016 về tạm thời cách ly trẻ em khỏi cha mẹ, người chăm sóc trẻ em, áp dụng biện pháp chăm sóc thay thế và không mâu thuẫn với các nguyên tắc bảo đảm quyền trẻ em. Cần có quy định riêng, rõ ràng về đối tượng gây bạo lực hoặc có khả năng gây bạo lực với trẻ em trong gia đình. 

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI