Đại biểu Quốc hội xót xa khi hãng phim truyện Việt Nam đổ nát, nghệ sĩ chật vật khó khăn

21/06/2023 - 12:58

PNO - ĐBQH Đỗ Chí Nghĩa bày tỏ sự xót xa khi hãng phim truyện Việt Nam với cơ sở vật chất hơn 4.000 mét vuông giữa lòng thủ đô đang đổ nát.

 

ĐBQH Đỗ Chí Nghĩa xót xa khi tận mục Hãng phim truyện Việt Nam đổ nát, xuống cấp sau khi cổ phần hóa

ĐBQH Đỗ Chí Nghĩa xót xa khi "tận mục" Hãng phim truyện Việt Nam đổ nát, xuống cấp sau khi cổ phần hóa


Phát biểu tại phiên thảo luận Luật Đất đai (sửa đổi) sáng 21/6, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên) cho biết, dự thảo Luật quy định, Nhà nước khuyến khích việc sử dụng đất vào mục đích phát triển văn hóa, y tế, giáo dục đào tạo, thể dục thể thao, khoa học, công nghệ và môi trường. Đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên đã được xếp hạng hoặc được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định bảo vệ thì phải được quản lý nghiêm ngặt.

ĐB đặt vấn đề, cần thực hiện giải pháp nào để ưu tiên với đất đang được sử dụng cho mục đích văn hóa, giáo dục, tránh chuyển đổi sang mục đích lợi nhuận. 

Ông chia sẻ, ngay trước thềm phiên họp này, ông tận mắt chứng kiến cơ sở của Hãng phim truyện Việt Nam (Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội) trên thửa đất hơn 4.000m2 đất giữa lòng Thủ đô đang đổ nát. “Khi tư duy khác nhau về đất sẽ dẫn tới bất động”, ông nói.

Từ năm 2018, theo ĐB Đỗ Chí Nghĩa, các nghệ sĩ không có lương, bảo hiểm. Nhiều người về hưu có mức lương khiêm tốn. “Họ không nói gì về ưu đãi với họ nhưng họ xót xa cho 1 hãng phim được chính Chủ tịch Hồ Chí Minh ký thành lập và năm nay là kỷ niệm 70 năm thành lập”, ĐB chia sẻ.

Ông cho rằng, Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm, chỉ đạo về vấn đề này để vì lợi ích chung. Tuy nhiên, với những vụ việc như tại Hãng phim truyện Việt Nam thì cần phải có cách giải quyết thể hiện sự dám nghĩ, dám làm. 

Hãng phim truyện Việt Nam đổ nát, xuống cấp (ảnh: Internet)

Hãng phim truyện Việt Nam đổ nát, xuống cấp 

Trước đó, nhiều nghệ sĩ đã “kêu cứu” khi Hãng phim truyện Việt Nam gặp hàng loạt vấn đề sau khi tiến hành cổ phần hóa. Cụ thể, năm 2010, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết địch chuyển đổi Hãng phim truyện Việt Nam thành Công ty TNHH MTV Phim truyện Việt Nam. Năm 2014, Bộ này ký quyết định thành lập cổ phần hóa Ban chỉ đạo cổ phần hóa công ty. Năm 2015, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phê duyệt phương án cổ phần hóa và chuyển hãng phim thành công ty cổ phần. 

Năm 2016, Tổng công ty vận tải thủy (Vivaso) được công bố là đơn vị duy nhất đăng ký mua hãng phim và chấp thuận trở thành cổ đông chiến lược. Khi đó, giá trị đất đai không được tính vào định giá hãng phim, thương hiệu của hãng phim 60 tuổi được tính bằng 0. 

Năm 2017, hãng phim chính thức bước vào cổ phần hóa. Các nghệ sĩ liên tục kêu cứu vì không có phim để đóng, hàng trăm cuốn phim gốc bị hỏng hóc do bảo quản không đúng. Trong khi đó, cơ sở vật chất của hãng phim xuống cấp trầm trọng.

Hồi tháng 3/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành xem xét, kiểm tra thông tin về việc trụ sở Hãng phim truyện Việt Nam đang bị hoang tàn, đổ nát, tìm các giải pháp phù hợp với tình hình mới, có phương án xử lý tồn tại.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI