|
ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga phản đối đề xuất chuyển các bệnh viện tuyến Trung ương về cho Hà Nội quản lý |
Cần làm rõ nội dung của đề xuất
Dự thảo Luật thủ đô (sửa đổi) đang được lấy ý kiến hiện đang thu hút nhiều ý kiến quan tâm liên quan tới nội dung việc quản lý các cơ sở y tế trên địa bàn. Theo đó, khoản 1, điều 27 của dự thảo đề xuất “Chuyển giao các bệnh viện thuộc bộ, cơ quan nhà nước ở Trung ương về thành phố Hà Nội quản lý, trừ các bệnh viện thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; bệnh viện hạng đặc biệt; bệnh viện của các trường đại học y”.
Trao đổi với Báo Phụ nữ TPHCM, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Anh Trí cho rằng, trước hết, ban soạn thảo cần soạn thảo lại, có cách diễn đạt trong sáng hơn để có thể hiểu được chính xác vấn đề. Theo ông, có thể dự thảo luật này không can thiệp tới các bệnh viện đầu ngành do Bộ Y tế quản lý mà chỉ đề cập tới các bệnh viện thuộc các bộ khác, như Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…
Tương tự, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cũng băn khoăn về nội dung này. Bà cho rằng, trong trường hợp đề xuất chuyển giao các bệnh viện trực thuộc các bộ, ngành khác (không phải Bộ Y tế quản lý) về cho UBND TP Hà Nội thì điều này cũng phù hợp.
Lý do bà đưa ra là hiện nay các bệnh viện đều đã tự chủ tài chính, nhiều bệnh viện tự chủ tốt, ví như Bệnh viện Bưu điện. Trong khi đó, các bộ quản lý của các bệnh viện này thuộc lĩnh vực chuyên môn khác, không phải y tế nên thực chất chỉ đóng vai trò trung gian. Các bộ này cũng có nhiều vấn đề cần giải quyết nên nếu quản lý thêm các bệnh viện cũng không thực sự hiệu quả.
Tuy nhiên, nếu dự thảo Luật thủ đô (sửa đổi) hướng tới đưa tất cả các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế - tạm gọi là các bệnh viện đầu ngành về cho UBND TP Hà Nội quản lý, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng đây là điều “vô lý”, có thể gây ra nhiều hệ lụy phức tạp.
Nếu chuyển giao, các bệnh viện tuyến trung ương rơi và thế "một cổ hai tròng"
Phân tích sâu hơn về việc nếu chuyển các bệnh viện đầu ngành về cho TP Hà Nội quản lý, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga chỉ ra, cần đối chiếu lại với các quy định trong Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi). Trong luật quy định rõ nhiệm vụ, chức năng, đơn vị quản lý các bệnh viện tuyến trung ương. Nếu đưa các bệnh viện trung ương về Hà Nội quản lý, đồng nghĩa các cơ sở y tế này sẽ trở thành bệnh viện cấp địa phương.
Ngoài nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân cả nước, các bệnh viện tuyến trung ương như Bạch Mai, Việt Đức, Nhi Trung ương, Phụ sản Trung ương, K… còn có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực cho ngành y, hỗ trợ cho các bệnh viện tuyến dưới. Do đó, khi trở thành bệnh viện cấp địa phương thì việc hỗ trợ, đào tạo nhân lực, chỉ đạo tuyến và hỗ trợ các địa phương khác sẽ bị đứt gãy.
Giao quyền quản lý các bệnh viện tuyến Trung ương cho Hà Nội còn gây ra tình trạng các luật chồng chéo nhau. Các bệnh viện Trung ương cũng rơi vào tình trạng “một cổ hai tròng”: một bên là Bộ Y tế phụ trách quản lý chuyên môn, khám chữa bệnh, một bên là Hà Nội quản lý về cơ sở vật chất, đầu tư, nhân lực…
Bên cạnh đó, bà cũng chỉ ra hàng loạt bất cập như vấn đề chi trả bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội; nguy cơ bộ máy quản lý của Hà Nội phình to; tác động tới vấn đề chuyển giao công nghệ, hội nhập quốc tế…
“Một số ý kiến cho rằng, nếu Quốc hội thông qua dự thảo Luật thủ đô (sửa đổi), có thể có thêm nhiều chính sách ưu đãi nhất định cho đội ngũ bác sĩ. Đưa các bệnh viện tuyến đầu về để các y bác sĩ có thêm đãi ngộ. Tôi cho rằng, cách nghĩ này rất… quẩn! Bởi chúng ta không thiếu gì cách để có chính sách ưu đãi phù hợp cho đội ngũ y bác sĩ nói chung và ở các bệnh viện đầu ngành nói riêng. Không phải chuyển về Thủ đô quản lý để phức tạp tình hình. Tôi cũng tin rằng, các y bác sĩ của các bệnh viện này cũng không cần ưu đãi theo cách làm như vậy” - nữ ĐBQH tỉnh Hải Dương thẳng thắn trao đổi.
100% các bệnh viện tuyến Trung ương thống nhất ở lại Bộ Y tế Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đề nghị đưa nội dung chuyển giao bệnh viện tuyến Trung ương về cho Hà Nội quản lý ra khỏi dự thảo Luật thủ đô (sửa đổi). Theo đó, đây là các cơ sở y tế đầu ngành của cả nước ở nhiều lĩnh vực khác nhau, có vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân Việt Nam và Hà Nội. Theo Nghị quyết 19-NQ/TW thì các bệnh viện này đủ tiêu chí giữ lại trực thuộc Bộ. Cuối tháng 7/2023, Bộ đã họp với lãnh đạo 17 bệnh viện tuyến Trung ương trên địa bàn Hà Nội và đều thống nhất 100% ở lại Bộ Y tế. Thứ trưởng nêu thêm, các bệnh viện Trung ương đều là cơ sở đào tạo thực hành cho các cơ sở đào tạo tại Hà Nội và các tỉnh lân cận. Trong đó, có nhiều cơ sở đào tạo có uy tín, chất lượng như Đại học Y Hà Nội. Các bệnh viện thuộc Bộ sẽ mang tầm quốc gia, có vị thế lớn trong hợp tác nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế đặc biệt là chuyển giao công nghệ, kỹ thuật từ các nước tiên tiến. Sau tiếp nhận sẽ chuyển giao cho tuyến dưới thuận lợi hơn. Ngoài ra, các bệnh viện thuộc Bộ là cánh tay nối dài của Bộ Y tế trong hoạt động khám chữa bệnh và phòng chống dịch bệnh. Vai trò này thể hiện rõ trong phòng chống dịch COVID-19 vừa qua. Khi có dịch bệnh trên toàn quốc, Bộ sẽ dễ dàng điều động các bệnh viện hỗ trợ địa phương chống dịch. Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cũng thẳng thắn nêu thực tế, các cơ sở y tế của Hà Nội chưa thực sự phát triển như của Trung ương hay các bệnh viện của TPHCM. Trong khi đó, Bộ Y tế sẵn sàng hỗ trợ và Hà Nội cần phải nỗ lực hơn nữa. |
Huyền Anh