Năm 2012, Chính phủ ra Quyết định 432, phê duyệt chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020 với những mục tiêu cụ thể, trong đó có giảm thiểu các tác động tiêu cực của hoạt động kinh tế đến môi trường. Nhưng chúng ta dường như đã đi lệch khỏi con đường đó.
Mục tiêu phát triển bền vững dường như bị bỏ quên. Điều đó được thể hiện rõ nét trong kết luận của Thanh tra Chính phủ đối với các dự án đầu tư trên bán đảo Sơn Trà (TP.Đà Nẵng) hay trong hàng loạt dự án tại Vườn Quốc gia Tam Đảo được Báo Phụ Nữ TP.HCM nhắc đến trong thời gian vừa qua.
Tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) đã nêu quan điểm của mình về việc phát triển bền vững. Ông cho rằng, không nên dùng GDP để đánh giá năng lực lãnh đạo bởi nó sẽ khiến chúng ta chạy theo con số, theo tiền mà quên nhiệm vụ chính của địa phương là gì.
|
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa |
Phát triển bền vững phải đi liền với bảo tồn thiên nhiên
Phóng viên: Trong nhiều năm trở lại đây, chúng ta luôn kêu gọi phải hướng tới phát triển bền vững và theo ông, phát triển bền vững không thể chạy theo con số tăng trưởng GDP, không chạy theo tiền. Ông có thể giải thích rõ hơn về những nguyên tắc căn bản để phát triển bền vững?
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa: Trong phần phát biểu mới đây tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV, tôi có đề xuất ba trụ cột của phát triển bền vững. Phải trở lại cái gốc là mình phát triển kinh tế để làm gì? Đó là, để phục vụ cho con người Việt Nam, cũng có nghĩa là phục vụ cho đất nước Việt Nam, để đất nước ngày càng giàu mạnh, Việt Nam trở thành một nơi đáng sống. Muốn được như vậy, chúng ta phải nâng cao văn hóa, bảo vệ môi trường và bảo tồn di sản.
Văn hóa ở đây phải được hiểu theo nghĩa rộng, đó là quan niệm, nhận thức, hành vi và các giá trị xã hội khác. Để nâng cao văn hóa, thứ nhất là luôn biết tiếp thu, tiếp cận văn hóa hiện đại của thế giới, trong đó có cả lối sống chấp hành pháp luật, tôn trọng trật tự xã hội, tôn trọng lợi ích chung và thực hiện lợi ích của mình trong lợi ích chung...
Thứ hai là đừng quên văn hóa dân tộc, vì có rất nhiều điều hay, thậm chí muốn bảo vệ được đất nước, bảo vệ được chủ quyền thì chúng ta không được mất cái gốc văn hóa của con người Việt Nam, trong đó cốt lõi là lòng yêu nước. Phát triển bền vững là phải đào tạo ra các thế hệ người Việt Nam có văn hóa cao để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Về bảo vệ môi trường, chúng ta ở nhà cửa sang trọng, ăn ngon mặc đẹp nhưng bỏ quên những thứ như không khí chúng ta thở, nước chúng ta uống, mặt biển thì rác thải, rừng thì bị tàn phá... Tôi muốn nói thêm, rừng không chỉ lọc không khí, rừng có nhiều tác dụng và còn giúp phát triển du lịch bền vững.
Bảo tồn di sản là yếu tố bổ túc cho yếu tố văn hóa đã nêu. Thực ra, bảo tồn di sản cũng là một cách để phát triển du lịch, vì di sản Việt Nam rất lâu đời và độc đáo. Chúng ta thiệt thòi vì còn rất ít di sản do bị chiến tranh phá hủy, nhưng do ít nên chúng ta càng phải bảo tồn. Bảo tồn di sản chính là một nét văn hóa của chính con người văn minh, càng văn minh người ta càng trân quý những di sản.
* Trong thực tế, chúng ta đã làm được điều đó hay chưa? Với yếu tố bảo vệ môi trường, cho đến nay, đã có rất nhiều dự án xẻ núi, san rừng, lấp biển để làm du lịch sinh thái, du lịch tâm linh. Loại hình du lịch này hiện tại có đi đúng theo con đường phát triển bền vững mà chúng ta đề ra, thưa ông?
- Trước hết, phải hiểu rõ thế nào là du lịch sinh thái. Không phải cứ lên những vùng rừng sâu, núi cao, vịnh đẹp, xây biệt thự, khách sạn, cáp treo, mời khách du lịch lên thì gọi là du lịch sinh thái.
Du lịch sinh thái là không được làm tổn thương sinh thái, chỉ xây những tiện nghi tối thiểu, nói chung là không tác động làm hư hại sinh thái, môi trường. Khách du lịch đến đó để hưởng thụ cái nguyên sơ của sinh thái, cái sạch của môi trường, cái đẹp của thiên nhiên chứ không phải hưởng những tiện nghi hiện đại, thoải mái ăn nhậu, mở máy lạnh, gây tiếng ồn, xả rác.
Cũng phải hiểu rõ du lịch tâm linh của thế giới là thế nào. Đó là đi đến những nơi linh thiêng, thường là công trình, di tích xưa cũ tồn tại hàng trăm năm, do con người xây lên và bảo tồn, bởi nó thiêng liêng trong tình cảm, ý thức của con người.
Du lịch tâm linh là hành hương đến những nơi thiêng liêng ấy, chứ không phải đi cầu khẩn và cung hiến tiền của ở những công trình mới xây hoành tráng, hiện đại, thậm chí lấn át những cơ sở tâm linh xưa cũ đang được nhân dân bảo tồn và trân quý.
Nếu chúng ta nhận thức và phát triển hai loại hình đó không đúng, sẽ dẫn đến đánh tráo khái niệm.
Ở đây, Nhà nước đóng vai trò trọng tài trong kinh tế thị trường, nếu không tỉnh táo, kịp thời đặt ra những quy định và thực hiện giám sát chặt chẽ, sẽ phát sinh việc đánh tráo khái niệm bởi nhiều doanh nhân chỉ biết đặt lợi ích của họ lên trên hết. Khi đó, họ làm du lịch sinh thái thì sẽ hủy hoại môi trường sinh thái, làm du lịch tâm linh thì sẽ phá hỏng những di tích, di sản thiêng liêng lâu đời.
* Gần đây, trong một cuộc tọa đàm về việc đột phá kinh tế từ du lịch, một chuyên gia đã phát biểu rằng, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, mà mũi nhọn thì phải đâm, chọc, là phải đánh đổi. Ông nghĩ sao về quan điểm này?
- Thứ nhất, khi nói đánh đổi thì phải có lời, nhưng cái lời này là cho ai? Ở đây, có vấn đề nhận thức. Đối với một doanh nhân bất động sản, việc xây khách sạn, resort, biệt thự trong rừng nguyên sinh, trên núi cao, giữa biển khơi là có lợi quá, thu hút được rất nhiều khách hàng, bởi ai mà chẳng yêu thiên nhiên, môi trường sạch đẹp.
Nhưng rừng, núi, biển là tài nguyên chung của cộng đồng dân cư, tài sản của dân tộc. Việc chiếm hữu và khai thác nó phải được thực hiện cân bằng với lợi ích khác của xã hội.
Thứ hai, về lâu dài, người ta cần những cánh rừng nguyên sinh, cần thiên nhiên không bị phá hủy và phát triển bền vững chính là phải giữ gìn những cái đó. Bây giờ, người ta đi du lịch không phải đến khách sạn năm sao chọc trời mà là đi tìm những bãi biển sạch, đẹp, nguyên sơ, thậm chí hoang vắng.
Theo nhận thức của tôi, Phú Quốc không phải của riêng tỉnh Kiên Giang, Hạ Long không phải của riêng tỉnh Quảng Ninh, Bà Nà không phải của riêng TP.Đà Nẵng và cố đô Huế không phải của riêng tỉnh Thừa Thiên - Huế để các địa phương tìm mọi cách khai thác tối đa, tạo nguồn thu cho tỉnh mình.
Nếu anh đặt lợi ích doanh nghiệp, lợi ích địa phương lên hàng đầu để tăng lợi nhuận, tăng GDP thì tính bền vững sẽ bị phá vỡ.
Nói kinh tế du lịch bền vững thì không có nghĩa là chạy theo đồng tiền ngắn hạn mà phải tạo ra nguồn thu lâu dài. Cho nên trên thế giới, người ta mới nỗ lực, thậm chí tốn kém để bảo tồn di sản có từ mấy trăm năm, mấy ngàn năm nay.
Hằng ngày, người ta vẫn thu tiền, rồi chi tiền ra bảo tồn để nó tồn tại và họ tiếp tục thu tiền hàng trăm năm sau, như lâu đài Versailles ở Pháp, lâu đài Sans Souci ở Đức, Rome hoặc Venice ở Ý, Tử Cấm Thành ở Trung Quốc. Đó mới là du lịch bền vững.
Đừng bảo tồn di sản, bảo vệ môi trường bằng công nghệ chăn nuôi
* Ngoài quan điểm nói trên, một số ý kiến cho rằng, giao rừng cho doanh nghiệp là một cách bảo vệ rừng; số cây họ chặt đi để làm du lịch sẽ được trồng lại ngay sau đó nên không có gì đáng lo ngại?
- Xã hội càng văn minh, hiện đại, người ta càng cố gắng bảo vệ môi trường sinh thái, bởi có những cái không thay thế, phục hồi được. Làm sao có thể khôi phục được hệ sinh thái của Bắc Cực hay rừng Amazon như cách đây một thế kỷ, hay chỉ cách 50 năm thôi?
Ở Việt Nam, môi trường sinh thái Đà Lạt có còn được như ngày xưa không? Dĩ nhiên là không! Quan niệm phá đi xây lại y chang công nghiệp chăn nuôi, tôi thịt con này thì sẽ nuôi con khác thế vào. Nhưng việc bảo vệ môi trường, bảo tồn di sản không phải, không giống công nghệ chăn nuôi.
Tại nhà thờ Turin ở Ý, người ta bảo tồn trong hòm kính một vật gọi là khăn liệm của chúa Jesus. Chiếc khăn này được bảo vệ rất kỹ; nếu không, nó sẽ mục nát. Nếu nó mục nát thì thay khăn mới được không? Hoàn toàn không. Trong xã hội hiện đại, người ta không nghĩ như vậy. Trong công nghiệp 2.0, còn có thể nghĩ như vậy, nhưng lên đến 3.0, người ta đã không nghĩ như vậy, 4.0 thì càng không.
Nhiều nhà đầu tư nói “phá đi rồi sẽ khôi phục” là đánh lừa Nhà nước, đánh lừa xã hội, cụ thể như việc xây đập thủy điện. Biết bao công trình thủy điện đã được cấp phép đầu tư, cho phép phá rừng và luật bắt buộc, giấy phép cũng quy định là phải trồng rừng trả lại.
Nhà nước thử rà soát lại xem, tổng cộng có bao nhiêu rừng bị phá, bao nhiêu rừng đã được trồng lại? Ở nhiều nước, nếu anh không làm được như cam kết thì phạt tiền nặng hoặc phạt tù.
* Nói như vậy thì ở nước ngoài họ đang bảo tồn, bảo vệ tốt hơn chúng ta rất nhiều. Họ có cần phá bỏ hay đánh đổi điều gì không thưa ông?
- Ở nhiều nước, pháp luật buộc người ta chỉ khai thác rừng trồng, rất hạn chế hoặc không động chạm vào những khu rừng nguyên sinh, những môi trường có hệ sinh thái nguyên thủy hay đa dạng sinh học.
Phillipines đã đóng cửa khu du lịch Boracay có doanh thu hàng tỷ USD để khắc phục ô nhiễm. Thái Lan đóng cửa vịnh Maya - một thiên đường du lịch - và 24 bãi biển khác để cải thiện sinh thái và khôi phục lại môi trường. Thành phố Venice của Ý có 50.000 dân, đón 30 triệu du khách/năm nhờ cảnh quan đẹp và giàu có về di sản, cũng phải hạn chế du khách để bảo vệ môi trường.
Họ làm được một việc là phát triển gắn với duy tu, bảo tồn, bảo vệ môi trường và sinh thái. Khi thu được 10 đồng từ việc phát triển du lịch thì anh nên trích ra 3-4 đồng để phục hồi môi trường, và nếu cần thì biết tạm từ bỏ cả 10 đồng đó để bảo tồn di sản, khôi phục môi trường.
Việt Nam hiện nay chỉ hướng về một vế là tăng doanh thu. Chúng ta phải học các quốc gia khác, đó là có những lúc phải đóng cửa để khôi phục, không thể chỉ biết khai thác vô tội vạ.
* Vậy chúng ta phải làm thế nào để vừa có thể tận dụng tài nguyên, vừa có thể phát triển kinh tế mà vẫn đi đúng mục tiêu phát triển bền vững?
- Hiện nay, thậm chí có những nơi rất nhạy cảm về an ninh quốc phòng, nhà đầu tư lại thích làm khu du lịch. Chuyện này không lạ ở mọi quốc gia vì doanh nhân là như vậy, chưa kể có một bộ phận doanh nhân bất chấp, sẵn sàng tàn phá di sản, môi trường, cảnh quan để gia tăng lợi nhuận, làm giàu cho mình.
Nhưng Nhà nước, với vai trò trọng tài, phải có định hướng và biện pháp hài hòa giữa lợi ích của doanh nhân với lợi ích của cộng đồng dân cư và lợi ích lâu dài của đất nước.
Ngay khách du lịch, có những người muốn vào rừng, lên núi để hưởng thụ những tiện ích trong những nhà hàng, khách sạn sang trọng, nhưng cũng có những người muốn vào rừng, lên núi chỉ để tham quan, ngắm cảnh thiên nhiên, hít thở không khí trong sạch mà thôi.
Tôi biết có những khu du lịch ở những nơi nguyên sơ nhưng rất đắt tiền. Người ta chỉ xây dựng tiện nghi cao cấp nhưng không hoành tráng, không phá vỡ cảnh quan, không xâm hại di sản. Đó là du lịch cao cấp, nhưng là du lịch bền vững. Tất nhiên, chúng ta vẫn phải vận dụng một cách khéo léo, bảo tồn không có nghĩa là không có tiện nghi nhất định, nhưng phải xây dựng một cách phù hợp.
* Ngoài những vấn đề ông đã nói, chúng ta còn những bất cập gì cần phải sửa chữa, thay đổi trên con đường phát triển bền vững, thưa ông?
- Trong vấn đề môi trường, còn có một lệch lạc khác là sự chạy chọt để có những “vùng đất vàng”, những tài nguyên độc đáo. Trong nền kinh tế thị trường, các chuyên gia, học giả đã chỉ ra tệ nạn “đặc quyền, đặc lợi”, tìm cách vận động, lo lót để được cơ hội độc nhất, độc quyền, hay tích tụ đất để xí phần. Trong kinh tế thị trường, pháp luật chống độc quyền, chống đặc quyền, đặc lợi phải được áp dụng nghiêm ngặt.
* Vừa qua, Báo Phụ Nữ TP.HCM đã lên tiếng phản đối 18 dự án chiếm 1.700,3ha diện tích của Vườn Quốc gia Tam Đảo, đồng thời đặt câu hỏi vì sao diện tích vườn quốc gia này bị mất hơn 2.000ha so với lúc thành lập rừng (hiện vẫn chưa được trả lời). Theo ông, việc lấy rừng đặc dụng làm du lịch có đi ngược với những gì chúng ta đang kêu gọi, hô hào về định hướng phát triển bền vững hay không?
- Theo tôi, Chính phủ đã định hướng là không cho phép phát triển kinh tế bằng việc hy sinh môi trường. Điều này Thủ tướng đã nói rồi. Vậy, nơi nào đánh đổi là làm sai chỉ đạo của Thủ tướng, Thủ tướng phải tuýt còi. Cho nên, việc cắt xén những vùng rừng được bảo tồn và tấn công, hủy hoại thiên nhiên, sinh thái, đa dạng sinh học hay di tích, di sản để phục vụ tăng trưởng GDP và ngân sách là chệch hướng.
Ví dụ như ở Sơn Trà, người ta nói rằng đây là lá phổi và là nơi trữ nước ngọt của Đà Nẵng, chưa kể còn có ý nghĩa về an ninh quốc phòng. Thế nên, việc diện tích khu bảo tồn từ 4.400ha đến nay giảm mất 1/3 là sai với tư tưởng chỉ đạo của Thủ tướng. Tài nguyên, môi trường, di sản là tài sản chung của dân tộc, của đất nước, không của riêng ai hay của địa phương nào. Bảo vệ tài nguyên, môi trường, bảo tồn di sản chính là cho các thế hệ sau và đó chính là phát triển bền vững.
Nhóm phóng viên (thực hiện)