Đại biểu Quốc hội tranh luận về giá trần vé máy bay

24/05/2023 - 06:12

PNO - Chiều 23/5, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Giá (sửa đổi). Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, ông Lê Quang Mạnh - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội - cho biết, còn nhiều ý kiến khác nhau liên quan tới việc quy định về giá trần dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa.

Ủng hộ áp giá trần vì lo tiền vé tăng cao

Theo ông Lê Quang Mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc quy định giá trần là cần thiết bởi hiện nay, xã hội ngày càng phát triển, hàng không tác động lớn tới đời sống người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh. Do đó, hàng không nội địa đáp ứng các tiêu chí luật định là loại hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.

Còn nhiều ý kiến khác nhau về quy định mức trần giá vé máy bay - Ảnh minh họa: M.H.
Còn nhiều ý kiến khác nhau về quy định mức trần giá vé máy bay - Ảnh minh họa: M.H.

 “Cùng với đề xuất bỏ giá sàn, nếu không quy định giá trần tức là Nhà nước bỏ đi công cụ điều tiết và để doanh nghiệp cung cấp dịch vụ toàn quyền quyết định giá dịch vụ. Các hãng hàng không hoàn toàn có thể đưa ra giá dịch vụ - trong đó có giá vé máy bay - ở mức cao, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, đến sản xuất, kinh doanh, tác động đến xã hội” - ông Lê Quang Mạnh phân tích. 

Ông cũng cho rằng, cần làm rõ vướng mắc hiện nay là do pháp luật hay do khâu tổ chức thực hiện. Theo quy định hiện hành, Chính phủ được giao quyền điều chỉnh khung giá. Nếu nhận thấy giá trần chưa phù hợp thì các đối tượng chịu tác động có quyền đề nghị Chính phủ điều chỉnh kịp thời. Thời gian qua, nhiều hãng hàng không thua lỗ là do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính là do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 chứ không do khung giá.

Chia sẻ bên lề kỳ họp Quốc hội, đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm (tỉnh Bắc Giang) cho rằng, Nhà nước vẫn cần can thiệp vào hoạt động vận chuyển hàng không nội địa. Theo ông, Luật Giá là công cụ để Nhà nước điều tiết giá cả tuân theo quy luật, nguyên tắc của thị trường. Nhà nước chỉ can thiệp trong những trường hợp đặc thù như có yếu tố độc quyền, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng. Hiện có nhiều hãng hàng không nhưng ở một số tuyến bay, hãng bay có lượng khách ít, vẫn còn tình trạng độc quyền. 

Ông cũng cho rằng, đặc thù của vận chuyển hàng không là theo mùa vụ. Nếu không đặt ra mức trần, ở một số tuyến độc quyền, hãng để giá quá cao, sẽ ảnh hưởng tới người tiêu dùng.

Phản đối áp giá trần vì lo không phù hợp kinh tế thị trường

Bên cạnh phần lớn ý kiến tán thành, một số đại biểu Quốc hội lại không đồng tình với việc quy định mức trần giá vé máy bay. Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (tỉnh Hải Dương) nêu ra 2 điểm đối lập. Trong khi các hãng hàng không mong bỏ giá trần thì người dân lại lo ngại tiền vé bị đẩy lên cao, đặc biệt là vào những mùa cao điểm. Tuy nhiên, để vận hành theo cơ chế thị trường thì việc đề xuất bỏ mức trần giá vé máy bay là hợp lý.

Bà nói: “Bên cạnh vé máy bay, chúng ta có nhiều mặt hàng khác không áp giá trần mà mọi việc vẫn ổn. Vì vậy, có bỏ giá trần vé máy bay cũng không ảnh hưởng đến hoạt động chung. Cần lưu ý tạo điều kiện để các hãng hàng không cạnh tranh lành mạnh với nhau và rà soát kỹ để tránh tình trạng tăng giá vé vô tội vạ khiến người dân chịu thiệt thòi”.

Trong phiên họp ngày 23/5, ông Lê Quang Mạnh - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội - cho rằng, cần quy định mức trần giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng - Ảnh: Minh Quang
Trong phiên họp ngày 23/5, ông Lê Quang Mạnh - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội - cho rằng, cần quy định mức trần giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng - Ảnh: Minh Quang

Đại biểu Tạ Văn Hạ (tỉnh Bạc Liêu) chia sẻ, sau khi nghiên cứu, trao đổi với ban soạn thảo và cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp hàng không, ông nghiêng về phương án nên bỏ mức trần giá vé máy bay. Về cơ sở pháp lý, ông cho rằng, việc đặt ra giá trần và giá sàn cho vận tải hàng không là không phù hợp với chủ trương về nền kinh tế thị trường, không phù hợp với Luật Hàng không dân dụng Việt Nam.

Theo ông, trong nước có 6 hãng hàng không và không có tuyến nào độc quyền. Tỉ trọng vận tải bằng đường hàng không cũng thấp hơn so với đường bộ. Do đó, sẽ không hợp lý nếu xếp hàng không vào nhóm hàng hóa thiết yếu, độc quyền. Ngoài ra, hàng không còn phải cạnh tranh với các loại hình vận tải khác như đường bộ, đường sắt, nhất là khi tuyến đường cao tốc Bắc - Nam được đưa vào vận hành. Ông nêu ví dụ, vận tải đường sắt chỉ có 1 đơn vị tham gia thị trường nhưng cũng không có quy định về giá trần. 

Về vấn đề giá vé máy bay tăng cao trong một số giai đoạn vừa qua, đại biểu Tạ Văn Hạ cho rằng, đó là do tác động từ chi phí nhiên liệu, phản ánh đúng tính chất của kinh tế thị trường, cung cầu thị trường. Ông cũng nêu kinh nghiệm quốc tế về vấn đề này: “Trên thế giới, có Indonesia, Trung Quốc, Ấn Độ áp dụng khung giá nhưng Trung Quốc và Ấn Độ đã bỏ quy định này. Việc không áp dụng giá sàn, giá trần sẽ giúp giá vé linh hoạt, khuyến khích khách hàng tham gia vận tải bằng đường hàng không”.

Thực tế, không có vé máy bay “0 đồng”

Cùng với quy định giữ mức giá trần, Chính phủ cũng nêu quan điểm bỏ mức giá sàn đối với vé máy bay nội địa. Theo ông Lê Quang Mạnh, việc bỏ giá sàn sẽ mang lại nhiều cơ hội cho người dân, thúc đẩy thị trường hàng không nội địa phát triển, tạo sự cạnh tranh sôi động, từ đó tăng số lượng người dân sử dụng dịch vụ hàng không, góp phần tăng doanh thu, lợi nhuận cho các hãng hàng không, tăng thu ngân sách nhà nước.

Về một số ý kiến cho rằng, cần xem xét mối quan hệ giữa Luật Giá với các quy định pháp luật về cạnh tranh, chống bán phá giá khi có hãng hàng không định “mức giá 0 đồng”, ông Lê Quang Mạnh khẳng định: “Thực chất, không có vé máy bay giá 0 đồng”. 

Theo ông, Thông tư 17/2019/TT-BGTVT quy định rõ nguyên tắc định giá cho 1 vé máy bay, theo đó phải bao gồm các khoản thuế, phí theo quy định. “Mức giá 0 đồng” là chưa bao gồm thuế, phí và thực tế, người tiêu dùng vẫn phải chi trả một khoản tiền nhất định. Thời gian qua, một số hãng áp dụng giá vé 0 đồng như một hình thức ưu đãi, chỉ áp dụng cho một số ít ghế trong 1 chuyến bay và mức giá phải trả không phải là 0 đồng. Thực tế, các hãng đều xây dựng dải giá linh hoạt với nhiều mức khác nhau, tương ứng với các điều kiện, thời điểm khác nhau; doanh thu, chi phí được tính chung theo chuyến bay, đường bay.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI