Đại biểu Quốc hội nói gì về đề xuất tăng 1 bậc lương khi xếp lương lần đầu cho nhà giáo?

20/11/2024 - 10:58

PNO - ĐBQH Dương Khắc Mai cho rằng, xếp lương lần đầu cho nhà giáo phải phù hợp với hệ thống lương, bởi "ưu tiên ngành này cũng phải nhìn sang ngành khác".

ĐBQH Dương Khắc Mai cho rằng, không nên quy định áp dụng tăng 1 bậc lương khi tuyển dụng giáo viên lần đầu - ảnh: Media Quốc hội
ĐBQH Dương Khắc Mai - Ảnh: Media Quốc hội

Phải phù hợp với hệ thống lương

Sáng 20/11, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV bước vào đợt họp thứ hai. Trong buổi sáng, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Nhà giáo.

Đóng góp vào dự án luật, ĐBQH Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) đồng tình với đề xuất lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Bên cạnh đó, khi xếp lương cao nhất phải đi kèm với chất lượng của đội ngũ nhà giáo bởi đây là yếu tố mang tính chất quyết định tới trình độ nhân lực cao.

Thời gian qua, theo ĐBQH, vẫn còn một số cán bộ, giáo viên vi phạm, thậm chí phải kỷ luật. Do đó, đi đôi với thực hiện chính sách đặc thù, phải nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo giỏi về chuyên môn, đáp ứng yêu cầu về đạo đức nhà giáo.

ĐBQH đề nghị rà soát quy định: “Nhà giáo cấp học mầm non; nhà giáo công tác ở nơi đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; nhà giáo trường chuyên biệt, trường chuyên biệt khác; nhà giáo thực hiện giáo dục hòa nhập; nhà giáo là người dân tộc thiểu số và nhà giáo ở một số ngành nghề đặc thù được ưu tiên trong chế độ tiền lương và phụ cấp cao hơn so với các nhà giáo khác”.

Theo ông, dự luật chỉ nên ưu tiên chế độ tiền lương và phụ cấp cao hơn với nhà giáo cấp học mầm non, công tác tại miền núi, hải đảo, vùng khó khăn và giáo viên trường chuyên biệt.

Liên quan tới quy định tại dự thảo “nhà giáo tuyển dụng, xếp lương lần đầu được xếp tăng 1 bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp”, ông Dương Khắc Mai cũng cho rằng phải hết sức cân nhắc.

ĐBQH phân tích, việc xếp lương lần đầu cho nhà giáo cần đặt trong hệ thống quy định xếp lương công chức, viên chức nhà nước, và đồng bộ với các ngành khác. Ông nhấn mạnh: “Nhìn sang ngành y tế, về thời gian đào tạo để thành một bác sĩ dài hơn giáo viên, áp lực công việc, độ khó chuyên môn không kém... nhưng hiện vẫn chưa được áp dụng quy định này”.

Ông cũng chỉ ra, rất đồng cảm với những khó khăn chung của các cán bộ, giáo viên trong ngành giáo dục, tuy nhiên, "ưu tiên ngành này cũng phải nhìn sang ngành khác". Vì vậy, theo đại biểu, nếu có, chính sách này chỉ áp dụng quy định này với nhà giáo chuyên biệt; giáo viên mầm non, giáo viên tại vùng hải đảo, khó khăn, nhưng phải có cam kết thời gian làm việc từ 3-5 năm.

Giải pháp gỡ hiện trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ

ĐBQH Trần Văn Thức chỉ ra: hiện trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ ngày càng nghiêm trọng
ĐBQH Trần Văn Thức chỉ ra hiện trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ ngày càng nghiêm trọng

Góp ý vào dự thảo, ĐBQH Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) đề nghị, bổ sung quy định về tiêu chí, tiêu chuẩn đầu vào đối với nguồn đào tạo giáo viên tại các cơ sở đào tạo nguồn giáo viên, nhằm nâng cao chất lượng đầu vào đối với các giáo viên trong tương lai, tránh tình trạng như nhiều năm qua, việc tuyển sinh đối với nhiều cơ sở đào tạo nguồn giáo viên có đầu vào giáo viên gần như thấp nhất theo tiêu chuẩn xét tuyển so với nhiều ngành, lĩnh vực.

Về các chính sách hỗ trợ nhà giáo được quy định trong dự thảo Luật, ĐBQH cho rằng, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ này đang chỉ phù hợp với các cơ sở giáo dục công lập. Ông băn khoăn, đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập, các nhà giáo có được hưởng các chính sách hỗ trợ này không? “Nếu không sẽ tạo ra sự mất cân bằng, vì vậy đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu nội dung này để đảm bảo tính công bằng đối với các nhà giáo trong xã hội” - ĐBQH nêu quan điểm.

Quan tâm tới vấn đề tuyển dụng nhà giáo, ĐBQH Trần Văn Thức (đoàn Thanh Hóa) phản ánh thực tế, hiện trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ đang ngày càng trầm trọng. Một trong những nguyên nhân cơ bản là do các cơ quan quản lý giáo dục thiếu vai trò chủ trì, nên không thể chủ động trong việc tuyển dụng, sử dụng giáo viên. Việc tuyển dụng nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập hiện nay được thực hiện theo quy định chung về tuyển dụng viên chức, tuy nhiên, quy định này chưa thực sự phù hợp với hoạt động nghề nghiệp đặc thù của khối nhà giáo.

ĐBQH Trần Văn Thức đồng tình và thống nhất cao với những quy định giao quyền chủ động cho ngành giáo dục trong việc tuyển dụng nhà giáo. Ông cho rằng, đây là quy định rất quan trọng, có thể tháo gỡ ngay các vấn đề khó khăn về thừa thiếu giáo viên tại các địa phương.

M.Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI