Số tiền không thỏa đáng
Chất vấn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) chiều 31/10, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Sỹ Hội (Nghệ An) đặt câu hỏi về việc điều chỉnh chính sách đối với những người có công.
Theo đại biểu Hội, tại kỳ họp trước, ông đã kiến nghị khoản trợ cấp thờ cúng liệt sĩ 500.000 đồng/năm. Khi đó, bộ trưởng trả lời Chính phủ đang chuẩn bị điều chỉnh nghị định.
Tuy nhiên, hiện tại, ĐB lại nhận được nghị định số 99 ngày 12/9/2018, trong đó nhiều đối tượng người có công đã được nâng lên phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội. Tuy nhiên riêng chế độ thờ cúng liệt sĩ không còn được hưởng tiền tuất hàng tháng mà vẫn giữ nguyên 500.000/năm, theo tôi như vậy là chưa thỏa đáng.
Ông Hội đề nghị Bộ trưởng Đào Ngọc Dung làm rõ cơ sở nào xác định 500.000/năm là phù hợp. Bởi theo ông, đa số liệt sĩ không còn người hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng, chủ yếu là hy sinh trước năm 1975, chưa vợ, bố mẹ già hoặc đã mất nên không còn thân nhân.
|
ĐB Nguyễn Sỹ Hội xót xa trước khoản tiền ít ỏi để hương khói cho liệt sĩ |
“Mỗi năm thân nhân liệt sĩ có 2 lễ thắp hương, 1 lần vào ngày 27/7, cấp ủy chính quyền địa phương gọi lên động viên, ít nhất có 1 lần thắp hương, 1 lần giỗ. Với 500.000 đồng là chưa thỏa đáng. Khi tiếp xúc cử tri, bản thân chúng tôi là những người trong quân đội rất trăn trở, đề nghị Chính phủ, bộ trưởng quan tâm” - ĐB Nguyễn Sỹ Hội đề nghị.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, theo chỉ thị 14 và kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ LĐTB&XH cùng các địa phương đang tiến hành tổng kết 5 năm thi hành pháp lệnh. Bộ đang soạn thảo để ban hành pháp lệnh sửa đổi.
“Chúng tôi sẽ rà soát chính sách với 13 đối tượng người có công một cách phù hợp nhất trên tình hình kinh tế xã hội của đất nước, đề xuất sửa đổi hợp lý nhất trong đó có chế độ thờ cúng liệt sĩ” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.
Nghịch lý coi bằng Tổ quốc ghi công hơn cả liệt sĩ
ĐBQH Nguyễn Văn Phương (Ninh Bình) nêu, nghịch lý trong việc đãi ngộ với những người có công với đất nước: “Theo nguyên tắc, liệt sĩ được công nhận mới được cấp bằng Tổ quốc ghi công. Nhưng bây giờ phải có bằng Tổ quốc ghi công mới được công nhận liệt sĩ. Như thế thủ tục hành chính được xem cao hơn cả yêu cầu thực tế người có đóng góp”.
|
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tiếp thu 2 ý kiến đóng góp tại phiên chất vấn |
ĐB Phương lấy dẫn chứng, khi làm chính sách cho người có công, cụ thể truy tặng bà mẹ Việt Nam Anh hùng, có rất nhiều trường hợp đã ghi rõ các huân huy chương khen thưởng, ghi rõ con là liệt sĩ. Tuy nhiên, do không có bằng Tổ quốc ghi công nên không được truy tặng danh hiệu bà mẹ Việt Nam Anh hùng.
“Liệt sĩ thì phải cấp bằng Tổ quốc ghi công nhưng bây giờ chúng ta lại coi bằng Tổ quốc ghi công quan trọng hơn cả chứng nhận liệt sĩ” - ĐB Phương nêu nghịch lý.
Theo ĐBQH, trong hồ sơ khen thưởng đã ghi là liệt sĩ thì các cơ quan Nhà nước phải có trách nhiệm phối hợp nhau thực hiện các thủ tục hành chính. Việc cơ quan nào cũng “giữ chân mình” khiến người có công không được đãi ngộ kịp thời. “Bằng Tổ quốc ghi công là việc của nhà nước chứ không phải của gia đình” - ĐB Phương khẳng định.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: “Việc công nhận liệt sĩ, bộ chỉ tiến hành cấp khi các cấp có thẩm quyền xác nhận và công nhận là liệt sĩ. Về thủ tục, bộ xin tiếp thu và sẽ cùng Bộ nội vụ và UBND các tỉnh giải quyết sớm nhất trường hợp này” - Bộ trưởng Dung nói.
Minh Quang