Đại biểu Quốc hội: Người tiêu dùng còn quá dễ dãi với hàng giả, hàng nhái

10/11/2022 - 16:27

PNO - Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề xuất xem xét trách nhiệm người tiêu dùng trong các vụ việc để lại hậu quả mà chính họ là người có lỗi khi quá dễ dãi với hàng giả, hàng nhái.

 

ĐBQH Đặng Thị Bảo Trinh chỉ ra nhiều vấn đề bảo vệ người tiêu dùng trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, hàng giả hàng nhái, quảng cáo trên mạng xã hội...
ĐBQH Đặng Thị Bảo Trinh chỉ ra nhiều vấn đề bảo vệ người tiêu dùng trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, hàng giả hàng nhái, quảng cáo trên mạng xã hội...

Chiều 10/11, Quốc hội thảo luận về Luật bảo vệ Người tiêu dùng (sửa đổi). ĐBQH Đặng Thị Bảo Trinh (đoàn Quảng Nam) cho biết, khi xảy ra tranh chấp, giữa người bán và người mua trải qua quá trình thương lượng nhưng lại thiếu các quy định rõ ràng khiến kết quả không đạt như mong muốn. Đôi khi, thương lượng lại trở thành cái bẫy cho người tiêu dùng, thậm chí đưa họ vào vòng lao lý. Do đó, ĐBQH kiến nghị cần xem xét bổ sung một số quy định quan trọng như trình tự, thủ tục, nguyên tắc thương lượng… vào trong dự thảo.

Nữ ĐBQH cũng chia sẻ bức xúc liên quan tới vấn đề bảo vệ người tiêu dùng (người tiêu dùng) trong lĩnh vực an toàn thực phẩm: “Hàng năm, hầu như đều ghi nhận các vụ việc an toàn thực phẩm quy mô lớn gây hoang mang dư luận. Chưa kể các loại thực phẩm bẩn, kém chất lượng tràn lan trên thị trường. Thực tế, thực phẩm bẩn không đảm bảo chất lượng có thể không gây nguy hại ngay tới sức khỏe, chẳng khác nào mang tiền mua bệnh mà không biết phải đối mặt với nhiều tác hại, bệnh tật, thậm chí là nguyên nhân của ung thư”.

Trong trường hợp này, theo bà, người tiêu dùng cần được pháp luật bảo vệ theo hướng: tổ chức, cá nhân, sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn, nguyên liệu thực phẩm kém chất lượng phải có trách nhiệm bồi thường cho người tiêu dùng mà không cần minh chứng bằng hậu quả.

ĐBQH cũng chỉ ra, tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn tồn tại do còn một bộ phận người dân quan tâm mua hàng giá rẻ, người bán hàng “thổi phồng” công dụng của sản phẩm, đánh lừa người tiêu dùng. Do đó, hàng xanh, sạch, khó có thể cạnh tranh với hàng giả, nhái kém chất lượng.

Nhiều mô hình thanh niên khởi nghiệp với sản phẩm nông nghiệp xanh, sạch nhưng lại gặp nhiều khó khăn do sản phẩm luôn có giá thành cao. Trong khi người dân chủ yếu quan tâm tới hàng rẻ, đẹp mà ít quan tâm tới chất lượng.

ĐBQH chỉ ra, có một phần trách nhiệm của cơ quan quản lý, người kinh doanh sản xuất và người tiêu dùng khi còn quá dễ dãi với hàng giả, hàng nhái. “Vì vậy, dự thảo luật cần xem xét trách nhiệm người tiêu dùng trong trường hợp xảy ra hậu quả mà người tiêu dùng có lỗi khi không thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ đã được quy định”, ĐBQH đề xuất.

Một vấn đề khác được ĐBQH Đặng Thị Bảo Trinh quan tâm là việc quảng cáo thực phẩm chức năng thổi phồng như thuốc trên môi trường mạng, các nền tảng quảng cáo, ứng dụng giải trí dễ dàng tiếp cận người tiêu dùng như Facebook, Youtube, Tiktok… “Vừa qua, tình trạng nghệ sĩ Việt quảng cáo sai sự thật, được báo chí lên án nhưng chế tài chưa được xây dựng đầy đủ. Đề nghị dự thảo cần quy định hành vi quảng cáo sai sự thật là hành vi cấm, các tổ chức cá nhân, quảng cáo đều phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình”, ĐB nói.

ĐBQH Đặng Bích Ngọc cho rằng cần quy định để

ĐBQH Đặng Bích Ngọc cho rằng cần quy định chi tiết, tạo điều kiện cho người tiêu dùng biết và dễ dàng bảo vệ quyền lợi của mình

Trong khi đó, ĐBQH Đặng Bích Ngọc - Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình đánh giá, trong quá trình thực thi luật thời gian qua cho thấy, Luật Bảo vệ người tiêu dùng là đạo luật khó đi vào thực tiễn. Người dân là chủ thể tham gia mua bán, trao đổi hàng hóa nhưng thường là thế yếu. Chính vì vậy, để luật đi vào cuộc sống, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng thì cần quy định cụ thể, chi tiết các nội dung trong dự thảo luật, tạo điều kiện tốt nhất để người tiêu dùng biết và có thể dễ dàng được bảo vệ quyền lợi trong quá trình tham gia các giao dịch mua bán hàng hóa...

Về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, ĐBQH Đặng Bích Ngọc đề nghị bổ sung đối tượng áp dụng gồm cả tổ chức là người tiêu dùng. Theo đại biểu, quan hệ là bình đẳng, giữa cá nhân với cá nhân, giữa tổ chức với tổ chức hoặc giữa tổ chức với cá nhân và ngược lại. Vì vậy, dù người mua là tổ chức hay cá nhân, nếu quyền lợi bị xâm phạm vẫn phải được pháp luật bảo vệ.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI