|
ĐBQH Nguyễn Công Long cho rằng, thay vì nhà ở thương mại, cần tập trung vào giải quyết nhà ở xã hội để người lao động, công chức có thể tiếp cận - ảnh: Media Quốc hội |
Sáng 21/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp, ĐBQH Nguyễn Công Long (đoàn Đồng Nai) bày tỏ nhiều quan ngại với dự thảo Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.
Bởi theo ông, thí điểm đất đai khác với chính sách khác. Một khi đã xây dựng công trình trên đó, thực hiện chuyển đổi mục đích thì không có khả năng khắc phục nữa, tác hại khôn lường đặc biệt trong bối cảnh chúng ta thực hiện nhiều mục tiêu an ninh lượng thực và các mục tiêu khác.
Về tác động kinh tế, ĐBQH đặt câu hỏi, nếu thông qua Nghị quyết này thì sẽ tạo ra các hành lang pháp lý như thế nào? Quốc hội đã kỳ công ban hành pháp luật đất đai, bất động sản. Tới nay, chúng ta đã cơ bản hoàn thiện cơ chế ban hành cho kinh doanh bất động sản, đất đai, nhà ở, quy hoạch.
Tuy nhiên, nếu nay lại có nghị quyết thí điểm khác, nhà đầu tư không cần tuân thủ đúng các yêu cầu của các luật trên. Như vậy, chúng ta có 2 mặt bằng pháp lý cho hoạt động kinh doanh bất động sản. Một cái tuân thủ đầy đủ pháp luật hiện hành và thứ hai là nghị quyết này với nhiều ưu thế hơn. Như vậy sẽ tác động đến thị trường như thế nào?
Ông cũng nêu vấn đề băn khoăn, trăn trở của cử tri. Đó là hiện trạng bất động sản hiện nay có rất nhiều vấn đề như giá bất động sản phi mã, người nghèo, lao động, công chức rất khó có thể mua được.
“Một công chức không ăn gì cả, vài trăm năm mới mua được nhà”, ông nói.
Cử tri đặt câu hỏi tại sao không có cơ chế gì để thí điểm, tháo gỡ cho các vướng mắc của nhà ở xã hội, trong khi đó, dự thảo Nghị quyết này chỉ hướng tới nhà ở thương mại. Ông nhấn mạnh: “Những đối tượng yếu thế chúng ta không có chính sách gì cả. Chúng tôi cho rằng đây là vấn đề rất đáng cân nhắc”.
Cũng theo ĐBQH, hiện nhiều địa phương đang không vướng mắc trong việc việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất để sang xây dựng dự án thương mại. ĐBQH đặt vấn đề: “tại sao lại phải đồng loạt thí điểm hết toàn bộ? Không thể nào mở đại trà như thế này được”.
Trong tài liệu đã đánh giá các hệ lụy tiêu cực như thu gom đất nông nghiệp, đầu cơ đất đai, mua gom đất đai chờ lên giá... Song ĐBQH thẳng thắn nêu: “Đây không phải vấn đề nguy cơ nữa. Câu chuyện thu gom đất nông nghiệp đã có hàng chục năm nay. Tại sao các hiệp hội, nhà đầu tư rất kiên trì trong việc vận động Chính phủ, Quốc hội theo đuổi chính sách này. Đó là vì lợi nhuận thôi. Với nhà ở thương mại, lợi nhuận tối đa nhất là chênh lệch địa tô. Nếu chiếu theo các luật hiện hành dư địa không còn nhiều nên mới nhằm vào câu chuyện đất đai này. Đây là vấn đề quan ngại, phải kiểm soát”.
ĐBQH đoàn Đồng Nai kiến nghị phải có giải pháp hợp thức hóa tất cả hiện trạng mua gom đất đai. Không để thu gom đất lúa, đất rừng, đất sản xuất.
Trong dự thảo có quy định chỉ được phép thực hiện ở khu vực đô thị, không vượt quá 30% diện tích tăng thêm trong quy hoạch. Giới hạn phạm vi diện tích này cần thiết, nhưng cách họ “nới room” không khó. Điều quan trọng nhất 30% này nằm ở đâu, nếu rơi hết vào đất lúa, đất rừng thì không còn khả năng khắc phục.
ĐBQH Phạm Đức Ấn (đoàn Hà Nội) cũng chỉ ra nhiều vấn đề cần phải tính toán, cân nhắc. Điển hình như về việc xác định quyền để thỏa thuận giá đối với đất không phải là đất ở.
Theo ông, nếu áp dụng thỏa thuận, rất nhiều loại đất không phải đất ở sẽ được trả giá cao, từ 500.000 đồng/m2 lên 2 triệu đồng/m2. Việc điều chỉnh này sẽ tạo ra mặt bằng giá mới cho đất không phải đất ở. Khi đó, nếu Nhà nước muốn thu hồi đất, người dân sẽ đặt vấn đề tại sao cùng đất nông nghiệp mà 1 bên được trả 2 triệu đồng/m2, một bên chỉ có 500 ngàn đồng/m2.
Cùng quan điểm với ĐBQH Nguyễn Công Long, ĐBQH Phạm Đức Ấn cũng nhấn mạnh phải có các chính sách điều tiết giá đất đai ở mức độ hợp lý để người dân đều có thể tiếp cận.
M.Quang