Đại biểu Quốc hội lên tiếng về “xã hội đen”

31/03/2021 - 06:15

PNO - "Phải xử lý nghiêm những cá nhân, cơ quan, tổ chức liên quan đến việc bảo kê".

Sáng 30/3, phát biểu thảo luận tại hội trường Quốc hội (QH), đại biểu (ĐB) Sùng Thìn Cò (tỉnh Hà Giang) đề cập đến nỗi hoang mang của người dân về các đối tượng “xã hội đen”, bảo kê tại các nhà hàng, quán bar, bến tàu, bến xe, đòi nợ thuê, lừa đảo, mua bán người trái pháp luật: “Những vấn đề này, không biết các ĐB chúng ta có biết không? Nếu như chúng ta biết mà không hành động là chúng ta thiếu trách nhiệm với nhân dân”.

Cảnh sát khám xét và thu giữ tang vật vụ án
Cảnh sát khám xét và thu giữ tang vật một vụ án

ĐB Sùng Thìn Cò đề xuất, phải tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến từng người dân, làm trong sạch những địa bàn có tệ nạn xã hội, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM: “Phải đưa công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật lên hàng đầu. Mặt khác, chúng ta phải xử lý nghiêm những cá nhân, cơ quan, tổ chức liên quan đến việc bảo kê”.

ĐBQH Trần Văn Mão (tỉnh Nghệ An) cũng nhận định, tình trạng phạm tội và vi phạm pháp luật gia tăng. Tội phạm có tổ chức và hoạt động theo kiểu băng nhóm cũng là vấn đề đáng báo động. Trong thời gian qua, đã xảy ra nhiều vụ giết người thể hiện tính man rợ, giết nhiều người thân trong gia đình; nhiều vụ xâm phạm tình dục trẻ em gây bức xúc trong dư luận; số vụ tổ chức đánh bạc, đánh bạc qua mạng tăng; tội phạm về ma túy tiếp tục tăng mạnh, hoạt động ngày càng tinh vi và rất liều lĩnh…

ĐB Mão đề nghị Chính phủ và các cơ quan tư pháp, cơ quan tố tụng đánh giá đúng thực trạng, dự báo tốt tình hình, làm rõ các nguyên nhân, trách nhiệm và đưa ra các giải pháp mạnh mẽ nhằm ngăn chặn các loại tội phạm nguy hiểm này.

ĐBQH Trịnh Ngọc Phương (tỉnh Tây Ninh) dẫn báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, trong đó khẳng định, nhiệm kỳ qua không để xảy ra trường hợp kết án oan. ĐB này đặt vấn đề, do thống kê không oan sai hay do chưa phát hiện oan sai, chưa có văn bản để minh chứng oan sai về mặt pháp lý?

Theo ĐB Phương, mới đây, ngày 25/3, khi Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao đọc báo cáo trước QH thì báo chí đưa tin về một trường hợp bị Tòa án nhân dân TP. Cà Mau kết án oan vào ngày 14/7/2016. Tòa án nhân dân TP. Cà Mau hiện đang là bị đơn trong vụ án bồi thường thiệt hại và trách nhiệm bồi thường nhà nước.

“Như vậy, báo chí thông tin không chính xác hay công tác thống kê về oan sai chưa đầy đủ và kịp thời?” - ĐB Phương hỏi.

Liên quan tới vấn đề oan sai trong xét xử, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (tỉnh Bến Tre) nhận định: “Đã là công lý thì không thể có tỷ lệ sai sót. Trong khi đó, báo cáo của Tòa án nhân dân Tối cao cho biết, tỷ lệ oan sai là 0,000001%. Đây là tỷ lệ nguy hiểm. Hãy hình dung mình hoặc người thân nằm trong số này thì thế nào”. 

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cũng cho rằng, trong một số vụ án hình sự lớn, các ý kiến tranh luận của luật sư nhiều khi bị phủ định bằng quyền lực của công tố viên và thẩm phán chứ không phải bằng các chứng cứ và luận cứ khách quan, khoa học. Vì vậy, có những bản án tuy có khẩu phục nhưng chưa có tâm phục. Nhiều trường hợp người bị tạm giữ hay tạm giam theo luật định là những người chưa có tội nhưng phải chịu những điều kiện giam giữ khắc nghiệt, thậm chí hơn cả khi thi hành án. Vẫn còn tình trạng nghi can, bị can chết khi bị tạm giữ, tạm giam.

ĐB Trương Trọng Nghĩa lưu ý: “Cho dù tử vong do tự tử, cũng phải nói đến khuyết điểm của các cơ quan tố tụng”. ĐB Nghĩa kiến nghị, để đảm bảo công bằng, cần phải “dưỡng liêm” bằng cách bảo đảm thu nhập cho đội ngũ điều tra viên, kiểm soát viên, thẩm phán. 

Huyền Anh

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI