Đại biểu Quốc hội kiến nghị xem xét lại vụ tử tù Hồ Duy Hải

14/05/2020 - 12:36

Các đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Lê Thanh Vân đã gửi kiến nghị đến Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân kiến nghị làm rõ những vấn đề dư luận đặt ra sau phiên giám đốc thẩm vụ tử tù Hồ Duy Hải.

Đại biểu Quốc hội, Phó trưởng Ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng kiến nghị Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo các cơ quan hữu quan báo cáo rõ về vụ án tử tù Hồ Duy Hải; kiến nghị Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao có báo cáo riêng vụ Hồ Duy Hải tại kỳ họp thứ 9 của Quốc hội khai mạc vào ngày 20/5 tới.

Toà cảnh phiên giám đốc thẩm
Toàn cảnh phiên giám đốc thẩm

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nêu quan điểm: Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã không xem xét công tâm, khách quan, khoa học, đúng đắn đối với các vi phạm tố tụng của cơ quan điều tra; với nhiều vấn đề khuất tất mà dư luận nêu bức xúc trong suốt thời gian qua như thời gian thực hiện hành vi phạm tội, thời điểm nạn nhân chết, các vi phạm trong việc thu giữ dấu vân tay, mẫu máu, vật chứng, việc loại trừ các nghi can khác trong vụ án...

Sau phiên toà giám đốc thẩm, "dư luận cho rằng phán quyết của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã vi phạm nguyên tắc suy đoán vô tội và đã dựa trên tư duy, quan niệm mang tính buộc tội. Mặc dù công nhận nhiều sai sót mang tính mấu chốt trong quá trình điều tra, nhưng lại cho rằng sai sót đó "không ảnh hưởng đến bản chất vụ án", theo ông Lưu Bình Nhưỡng.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cũng cho rằng không có quy định nào cho phép Hội đồng thẩm phán TAND tối cao phán quyết việc kháng nghị của VKSND tối cao đúng hay không đúng pháp luật.

Liên quan đến vụ án này, đại biểu Lê Thanh Vân - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cũng kiến nghị Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát hoạt động của TAND tối cao trong phiên tòa giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải.

Theo đại biểu Lê Thanh Vân, phiên toà có dấu hiệu vi phạm quy định về yêu cầu đảm bảo tính vô tư, khách quan của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, quy định tại các điều 21, 49, 53 của Bộ luật Tố tụng hình sự, khi người từng quyết định không chấp nhận kháng nghị nay lại làm chủ tọa phiên toà. Bên cạnh đó, phiên toà có dấu hiệu vi phạm nguyên tắc suy đoán vô tội được quy định tại Điều 13 và Điều 15 của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Đại biểu Lê Thanh Vân đề nghị có 2 hình thức giám sát. Một là, giám sát tối cao của Quốc hội bằng cách tổ chức một phiên chất vấn và trả lời chất vấn riêng của Quốc hội đối với Chánh án TAND tối cao. Hai là, có thể lựa chọn theo trình tự tố tụng đặc biệt, căn cứ vào Điều 404 của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Hội đồng thẩm phán TAND tối cao xem xét lại bản án đã tuyên, khi thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng tại phiên tòa, hoặc phát hiện những tình tiết mới mà Hội đồng thẩm phán chưa biết.

Sau phiên xử giám đốc thẩm, bà Nguyễn Thị Loan - mẹ của tử tù Hồ Duy Hải và luật sư Trần Hồng Phong đã gửi đơn đến Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội và TAND Tối cao, trong đơn cung cấp thêm một tình tiết được cho là ngoại phạm của Hồ Duy Hải. 

An Sinh

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • vo tri 14-05-2020 15:26:53

    Không biết bản án của HĐTP về vụ án của Hồ Duy Hải có đúng người đúng tội, và có đúng luật tố tụng hay không? mà sau khi kết thúc phiên toà thì có nhiều ý kiến trái chiều, kể cả các ĐBQH phải đề nghị đến TỔNG BÍ THƯ, CHỦ TỊCH NƯỚC, CHỦ TỊCH QUỐC HỘI xem xét.theo tôi đây là một thất bại của HĐTP.Đây là vụ án bình thường nếu chúng ta làm tốt từ khâu đầu tiên thì hôm nay đâu làm phiền đến các lãnh đạo quốc gia.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI