Đại biểu Quốc hội: Hỗ trợ, quyên góp tự phát từ người dân có thể "đẻ" ra vô vàn hệ lụy

02/11/2020 - 13:33

PNO - ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) cho rằng, Chính phủ cần có hướng dẫn, quản lý tiền quyên góp của người dân để tránh “đẻ” ra những hệ lụy phức tạp.

ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm thảo luận về vấn đề khuyên góp, hỗ trợ người dân bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh sáng 2/11
ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm thảo luận về vấn đề quyên góp, hỗ trợ người dân bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh sáng 2/11

Gói hỗ trợ COVID-19: Đưa ra nhanh, hiệu quả rất thấp!

Tại phiên thảo luận các vấn đề kinh tế, xã hội, sáng 2/11, ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TPHCM) đánh giá, mặc dù tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2020 không đạt so với chỉ tiêu tăng trưởng đã đề ra. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn, kinh tế thế giới biến động, trong nước chịu tác động của COVID-19 và thiên tai lũ lụt... ông Ngân đánh giá, Việt Nam vẫn đạt những kết quả khả quan.

“Điểm ngạc nhiên, các nước bị đại dịch thì giảm tổng cầu lớn, nhưng ở quý III, Việt Nam đã tăng trưởng xuất khẩu 11% và được xem là 1 trong 4 quốc gia tăng trưởng xuất khẩu lớn nhất thế giới. Đây là nỗ lực, tận dụng thời cơ hội nhập kinh tế”, ông Ngân nhận định.

Dù vậy, ĐBQH Trần Hoàng Ngân cho rằng, Chính phủ đặt chỉ tiêu tăng trưởng GDP 6% để Quốc hội thảo luận thì cần phải cân nhắc. Bởi theo ĐBQH, tổn thương COVID-19 còn kéo dài, thiên tai còn khắc nghiệt nên Chính phủ cần đưa ra hai phương án tăng trưởng trong cả bối cảnh thuận lợi và bất lợi.

Trong mục tiêu kép Chính phủ đặt ra, theo ĐB Ngân, phải đặt kiểm soát dịch bệnh lên hàng đầu, bởi nếu không kiểm soát dịch bệnh thì sẽ ảnh hưởng tới kinh tế. “Phải xây dựng quy trình tiếp nhận người nước ngoài, tăng xử phạt nghiêm minh cho những người đưa người nước ngoài vào Việt Nam trái pháp luật”, ông nói.

Liên quan tới gói hỗ trợ kinh tế cho các đơn vị bị ảnh hưởng bởi COVID-19, ĐBQH đánh giá “chúng ta đưa ra nhanh nhưng hiệu quả rất thấp”. ĐB cũng cho rằng, cần phải có những chính sách thu hút nhà đầu tư công nghệ cao khi đang có thông tin nhiều nhà đầu tư sẽ rút dần khỏi Trung Quốc để chuyển dịch về khu vực Đông Nam Á.

Chính sách nông nghiệp đi vào cuộc sống “chậm và xót ruột”

Để phát triển kinh tế giữa bối cảnh nhiều phức tạp và khó khăn, ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) đề xuất, trước hết Chính phủ cần đẩy mạnh du lịch nội địa, để kích hoạt lại ngành này, đồng thời cũng là cơ hội cho người dân trong nước có cơ hội hưởng thụ các dịch vụ cao cấp.

Theo ĐB Tâm, hiện nay, người dân đang khởi động lại các chuyến du lịch theo nhóm nhỏ. “Nhu cầu đó đang có thực nhưng ngành du lịch chưa sẵn sàng cho việc tái khởi động”, bà nhận định và đưa ra dẫn dụ, nhiều nhà nghỉ, khách sạn 2 sao khi quay trở lại hoạt động vẫn còn nguyên mùi ẩm mốc. Do đó, ĐB đặt vấn đề, nếu nguồn lực doanh nghiệp không thể tái lập được thì nhà nước có kích cầu gì?

Về sản xuất nông nghiệp, bà Tâm cho rằng, đã có nhiều cuộc họp, nhiều nhận định, đánh giá, chủ trương được đưa ra. Tuy nhiên, theo dõi từ những kết luận của Thủ tướng, của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp "khi đi vào cuộc sống sao thấy chậm và xót ruột".

Bà Tâm cho rằng, trong bối cảnh nhiều quốc gia bị ảnh hưởng bởi COVID-19, Việt Nam cần tận dụng đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp để cung ứng. “Việt Nam phải nổi lên như một quốc gia có trách nhiệm quốc tế trong vấn đề này. Tôi thấy vẫn trầm lắng, chưa đột phá”.

Sức dân tự phát sẽ “đẻ” ra nhiều hệ lụy

Tại phiên thảo luận, ĐBQH Phan Thanh Bình (TPHCM) cho rằng, việc ủng hộ, quyên góp cho người dân vùng lũ nên thực hiện theo tổ chức và công khai để người dân cùng biết.

Những đợt lũ, bão vừa qua rất nhiều đoàn từ thiện tự xuất đến với người dân vùng thiên tai
Những đợt lũ, bão vừa qua, rất nhiều đoàn từ thiện tự phát đã đến với người dân vùng thiên tai

ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng chia sẻ, qua thiên tai, dịch bệnh, Chính phủ cần có sự thống nhất, quản lý, hướng dẫn về công tác quyên góp, hỗ trợ để tạo được sự đồng bộ và phát huy sức dân.

ĐB Tâm nói: “Phải có sức dân, nhưng nếu chúng ta để sức dân tự phát thì có thể “đẻ” ra vô vàn những hệ lụy khó khắc phục”. Do đó, cần phải quản lý để biết dòng tiền được ủng hộ, quyên góp từ người dân sẽ đi về đâu. Chính phủ phải nắm được đồng tiền của dân đang được hỗ trợ như thế nào, ví dụ như vào xây dựng nhà cửa, cứu trợ hàng hóa thiết yếu...

“Từ đó, chúng ta quay lại bài học muôn thuở, cái gì xã hội làm được để xã hội làm, xã hội quyên góp được thì để xã hội quyên góp nhưng cần có sự quản lý. Còn chỗ nào xã hội không tới được như vùng sâu, vùng xa, những vấn đề lớn như cầu, đường, trường trạm phải đầu tư lớn, bài bản... Những việc đó có thể xã hội không làm được thì dùng nguồn lực của chính phủ”.

ĐBQH Phan Thanh Bình đề xuất
ĐBQH Phan Thanh Bình đề xuất nên quyên góp một cách có tổ chức và thực hiện công khai

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm nhấn mạnh, việc quản lý làm sao phải thuận tiện nhất cho người dân và xã hội, không gây ra thủ tục rườm rà, khó khăn, tránh tình trạng như hiện nay, xã hội đang rất nóng lòng nhưng hướng dẫn chậm, không kịp thời.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI