Đại biểu Quốc hội đề xuất tăng lương từ đầu năm 2023 để sớm đảm bảo đời sống cán bộ

27/10/2022 - 10:47

PNO - Nhiều Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề xuất tăng lương sớm từ đầu năm 2023 - thay vì mốc 1/7/2023 như kế hoạch của Chính phủ - để đảm bảo đời sống của cán bộ công chức, viên chức.

 

ĐBQH Thái Thu Xương đề nghị tăng lương cơ sở cho cán bộ công chức, viên chức từ ngày 1/1/2023
ĐBQH Thái Thu Xương đề nghị tăng lương cơ sở cho cán bộ công chức, viên chức từ ngày 1/1/2023 

Lo lương tăng 1 đồng, giá tăng 2 đồng

Sáng 27/10, câu chuyện cán bộ công chức, viên chức nghỉ việc đã làm “nóng” hội trường Quốc hội. ĐBQH Thái Thu Xương (Hậu Giang) nêu thực tế, nhiều cán bộ viên chức nghỉ việc do ảnh hưởng COVID-19, áp lực công việc cao nhưng sự quan tâm chưa nhiều, chưa có đãi ngộ tương xứng. Thông tin tại cuộc thảo luận tổ của Bộ Nội vụ, tới nay có hơn 39.500 công chức cán bộ nghỉ việc, trong đó có hơn 35.000 cán bộ viên chức, chủ yếu ở nhóm y tế và giáo dục.

Trong khi đó, công nhân lao động còn nhiều khó khăn do chưa có đủ nhà ở xã hội, chưa có đủ các cơ sở giáo dục, mầm non…

Chính phủ đã có quyết định tăng lương tối thiểu vùng từ tháng 7/2022 nhưng hàng loạt các loại mặt hàng thiết yếu như lương thực, sách giáo khoa, xăng dầu, viện phí… đều liên tục tăng. Mức tăng lương tối thiểu vùng 6%, theo ĐBQH Thái Thu Xương, là thấp hơn nhiều so với chỉ số trượt giá và tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP. Trong khi đó, lương của cán bộ công chức từ năm 2019 đến nay chưa tăng. Điều này ảnh hưởng lớn tới đời sống vật chất của người lao động, đặc biệt, ảnh hưởng trực tiếp đến các đối tượng yếu thế là người làm công ăn lương, khiến họ vô cùng lo âu.

Từ ý chí, nguyện vọng cử tri, cán bộ công chức, ĐBQH Thái Thu Xương kiến nghị cần có giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng thiếu hụt cán bộ công chức trong lĩnh vực giáo dục, y tế, để đủ sức phục vụ nhân dân.

“Cử tri, cán bộ công chức rất vui mừng vì Chính phủ tăng lương cơ sở, song cần nghiên cứu về thời gian tăng lương càng sớm càng tốt. Theo ý kiến của đại đa số cán bộ công chức, viên chức, đề xuất tăng lương từ 1/1/2023. Vì theo phương án trình của Chính phủ là từ 1/7/2023, nếu tính khoảng cách giữa 2 lần tăng lương là 4 năm. Mặt khác, tránh tình trạng lương chưa tăng, giá đã tăng, lương tăng 1 đồng, giá tăng 2 đồng. Nếu như thế thì đời sống người dân nói chung và đối tượng yếu thế càng khó khăn hơn”, ĐBQH nói.

ĐBQH Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) cho rằng, để bù đắp trượt giá từ đồng lương eo hẹp của người lao động, cần tăng lương cơ sở thực hiện từ 1/1/2023: “Đây sẽ là món quà vô cùng ý nghĩa cho những người làm công ăn lương đã gần 3 năm qua gồng mình chống chọi và đời sống bị bào mòn bởi đại dịch toàn cầu. Cử tri rất mong được chính phủ tiếp nhận”.

Trước đó, tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội, ĐBQH Trần Thị Diệu Thúy (đoàn TPHCM) cũng đã kiến nghị Chính phủ tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng cho cán bộ công chức, viên chức từ ngày 1/1/2023 vì “trượt giá đã không thể đủ để bù đắp”. Trao đổi với phóng viên, ĐBQH Nguyễn Thị Như Ý (Đồng Nai) cũng đồng tình với đề xuất tăng lương cơ sở sớm hơn phương án của Chính phủ, bởi đến nay đã hơn 3 năm cán bộ công chức, viên chức chưa được tăng lương trong khi giá cả đang leo thang, đời sống người lao động gặp vô vàn khó khăn.

ĐBQH Nguyễn Huy Thái cho biết, cử tri mong mỏi Chính phủ sớm thực hiện cải cách tiền lương, đây là giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng cán bộ công chức, viên chức nghỉ việc
ĐBQH Nguyễn Huy Thái cho biết, cử tri mong mỏi Chính phủ sớm thực hiện cải cách tiền lương, đây là giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng cán bộ công chức, viên chức nghỉ việc

 

Cần đẩy nhanh cải cách tiền lương

Ngoài việc tăng lương cơ sở cho cán bộ công chức, viên chức, tại phiên thảo luận của Quốc hội, ĐBQH Nguyễn Thu Xương đề nghị nghiên cứu sửa đổi Nghị định 56 của Chính phủ về chế độ phụ cấp, ưu đãi theo nghề cho cán bộ công chức, viên chức tại các cơ sở y tế công lập. Trong đó nâng chế độ phụ cấp, ưu đãi theo nghề đối với viên chức y tế dự phòng, y tế cơ sở từ mức 40% lên 100%. Xem xét tăng lương khởi điểm với các cán bộ y tế mới ra trường.

ĐBQ Nguyễn Huy Thái đánh giá, lương tăng là tín hiệu đáng mừng song không phải là giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng cán bộ công chức, viên chức nghỉ việc. Theo ĐBQH, cần phải đẩy nhanh cải cách tiền lương, điều mà nếu không phải quay quắt để chống dịch thì đã thực hiện từ 2021.

Mức lương cơ sở tăng 1,8 triệu đồng/tháng, trong điều kiện không thể tăng cao hơn nữa ở thời điểm hiện tại, ĐBQH Nguyễn Huy Thái cho rằng, thực tế vẫn chưa thể đáp ứng được đời sống của người lao động.

“Mức lương thấp không đủ tái sản xuất giản đơn, chưa tới nói tái sản xuất mở rộng, cũng chưa thể bù đắp được quá trình đào tạo và tự đào tạo của cán bộ công chức, viên chức để toàn tâm, toàn ý với công việc được giao”, ông nói.

Tại kỳ họp lần này, Chính phủ đang đề xuất chưa cải cách tiền lương trong năm 2023 và nếu năm 2023, kinh tế phát triển tốt, tăng trưởng kinh tế vĩ mô ổn định thì có thể triển khai chính sách tiền lương. Đây là thông tin cử tri đặc biệt quan tâm và trông mong cải cách tiền lương để thực hiện. “Mức lương cơ sở tăng rất quý ở hiện tại nhưng chưa đủ để xóa chênh lệch giữa lương trong khu vực tư nhân và công lập, giữa mức lương chi trả và lương thị trường”, ĐBQH tỉnh Bạc Liêu chia sẻ.

Minh Quang

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI