Đại biểu Quốc hội đề xuất sáp nhập một một số tỉnh, thành

26/10/2018 - 10:39

PNO - Đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) đề xuất Chính phủ nghiên cứu tham mưu với Đảng, Quốc hội xem xét giải pháp sáp nhập địa giới hành chính cấp tỉnh, TP để tinh giản bộ máy

Sáp nhập để tinh gọn bộ máy

Thảo luận về kinh tế - xã hội sáng nay, ĐB Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) đánh giá, việc tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy thời gian qua đã đạt nhiều kết quả.

Dai bieu Quoc hoi de xuat sap nhap mot mot so tinh, thanh
ĐB Tạ Văn Hạ đề xuất sáp nhập một số tỉnh thành

Tuy nhiên việc này diễn ra còn chậm, bộ máy nhà nước còn cồng kềnh, chưa tinh giản được những đối tượng có đạo đức công vụ, trình độ năng lực yếu kém, ngân sách nhà nước chi cho lương vẫn chiếm tỷ lệ lớn.

Ông Hạ cho rằng, tinh gọn bộ máy không thể làm trong ngày một ngày hai vì là lĩnh vực vừa phức tạp, vừa nhạy cảm. Nhưng đã đến lúc phải nhận thức rõ tiền thuế của nhân dân không thể chịu nổi khi hàng năm chi thường xuyên chiếm hơn 60% ngân sách nhà nước, một phần không nhỏ cho quốc phòng an ninh.

ĐB Hạ ví dụ, nhìn sang nước láng giềng, nước có diện tích lớn hơn Việt Nam 28 lần và dân số lớn hơn 15 lần nhưng chỉ có 33 đơn vị hành chính cấp tỉnh, TP. Có nước được hình thành bởi gần 70.000 hòn đảo, dân số 120 triệu cũng chỉ có 47 đơn vị hành chính cấp tỉnh, TP. Việt Nam khi bước vào thời kỳ đổi mới năm 1986, chỉ có 44 đơn vị hành chính tỉnh, thành.

ĐB tỉnh Bạc Liêu cũng lấy kết quả 10 năm mở rộng địa giới hành chính, sáp nhập Hà Nội, Hà Tây, Thủ đô Hà Nội làm minh chứng. Theo đó, Hà Nội đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về quy mô, diện mạo với nhiều thành tựu to lớn, toàn diện.

Từ đó, ông đề nghị Chính phủ ngoài các giải pháp hiện có, nghiên cứu tham mưu với Đảng, Quốc hội xem xét giải pháp sáp nhập địa giới hành chính cấp tỉnh, TP. “Đây là giải pháp hiệu quả nhất để tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy”, ĐB Hạ khẳng định.

“Hại đơn hại kép” vì tinh giản biên chế cứng nhắc, cơ học

Liên quan tới vấn đề tinh giản biên chế, ĐB Cao Đình Thưởng, Ủy viên ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng lưu ý, việc giảm biên chế còn nặng tính cơ học, chưa tính toán thấu đáo.

Việc tinh giản biên chế viên chức vừa qua làm xảy ra tình trạng thừa thiếu cục bộ ở các địa phương. Ông nhấn mạnh vấn đề này ở lĩnh vực giáo dục: "Không thể để nhồi nhét học sinh ở các TP, thị xã, không thể ghép điểm trường ở miền núi khiến các em đi học quá xa. Cần phải xã hội hóa mạnh mẽ trong lĩnh vực giáo dục".

Dai bieu Quoc hoi de xuat sap nhap mot mot so tinh, thanh
ĐB Đinh Duy Vượt khẳng định việc vận dụng tinh giản biên chế trong lĩnh vực giáo dục là sự cứng nhắc, gây "hại đơn hại kép"...

Ông Đinh Duy Vượt (Gia Lai) cũng nhận định, việc áp dụng tinh giản biên chế trong lĩnh vực giáo dục đang tạo ra sự bức xúc trong dư luận: “Ở nhiều tỉnh, nhất là miền núi vì một số năm gần đây, không được phép thêm biên chế, hợp đồng cho giáo viên. Đây là sự vận dụng cứng nhắc, máy móc dẫn tới thực tế gây bức xúc cho đội ngũ giáo viên. Đồng thời “hại đơn hại kép” cả trước mắt lẫn lâu dài, nguy cơ tái mù cao”.

ĐB Đinh Duy Vượt dẫn báo cáo, theo đó, cả nước đang thiếu 78.000 giáo viên. Trong đó, giáo viên mầm non hơn 43.000, giáo viên tiểu học thiếu hơn 18.000, giáo viên THCS thiếu hơn 10.000. Việc thiếu giáo viên, nên đương nhiên nhiều trẻ mầm non chưa được đến trường, phải dồn ép học sinh. Địa bàn xa khó khăn đi lại, giáo viên phải “tất tưởi” để dạy thay, không thể đảm bảo chất lượng…

Từ thực tế này, ĐB Vượt đề nghị Bộ Nội vụ xuống một huyện để khảo sát về tình trạng thiếu giáo viên, nhằm giải quyết tình trạng gây bức xúc này.

M.Quang

 
TIN MỚI