Đại biểu Quốc hội đề xuất nhiều giải pháp phục hồi kinh tế

22/10/2021 - 12:43

PNO - Đảm bảo nguồn lao động để nối lại chuỗi sản xuất, phục hồi kinh tế sau thời gian áp dụng biện pháp giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19 là một trong những vấn đề được đại biểu Quốc hội quan tâm và đề xuất nhiều giải pháp.

Cần đón, mời người lao động trở lại nhà máy 

Sáng 21/10, trong phiên thảo luận tổ tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội (QH) khóa XV, nhiều đại biểu (ĐB) quan tâm vấn đề kết nối lại chuỗi sản xuất trong điều kiện nhiều người lao động trở về quê. 

Người lao động rời TPHCM về quê - Ảnh: Tam Nguyên
Người lao động rời TPHCM về quê - Ảnh: Tam Nguyên

ĐBQH Đinh Ngọc Quý (tỉnh Gia Lai) cho biết, hai năm qua, dưới tác động của COVID-19, Chính phủ, QH đã ban hành các chính sách hỗ trợ người lao động, trong đó có những chính sách trực tiếp, gián tiếp thông qua doanh nghiệp (DN). Nhưng trên thực tế, lượng người lao động từ các tỉnh phía Nam trở về quê khá lớn. Đó là do thời gian giãn cách kéo dài 3-4 tháng, thậm chí lâu hơn, nên việc hỗ trợ chưa đủ để người lao động chi trả chi phí hằng ngày. 

Ông nói: “Ngoài sinh sống, người lao động còn thuê nhà trọ, chăm nom con cái, gia đình, trong khi gói hỗ trợ của chúng ta cũng chỉ có mức độ. Việc hỗ trợ gián tiếp thông qua DN còn hạn chế do giãn cách xã hội nên họ có tâm lý muốn về quê nhà, bởi đó luôn là bệ đỡ khi họ gặp khó khăn”. 

Sau các đợt giãn cách xã hội, dòng người lao động đã bắt đầu quay trở lại các khu công nghiệp, các trung tâm đô thị lớn. Tuy nhiên, ĐB Đinh Ngọc Quý lưu ý, phải có các biện pháp hỗ trợ tốt nhất để người lao động quay lại thị trường. Theo ông, các địa phương phải phát huy được vai trò của các trung tâm dịch vụ việc làm, từ đó nắm bắt được nhu cầu của DN và nguyện vọng của người dân nhằm kết nối cung cầu tốt hơn: “Chính quyền địa phương cần có các chính sách khuyến khích để người lao động gắn bó với khu đô thị, DN, khu công nghiệp. Bên cạnh đó, DN phải có chính sách tốt về tiền lương, phúc lợi”. 

Hiện nay, Chính phủ đang hoàn thiện đề án tổng thể phục hồi kinh tế và QH cũng sẽ thảo luận vấn đề tái cơ cấu kinh tế, Ủy ban Thường vụ QH cũng vừa ban hành nghị quyết về một số giải pháp nhằm hỗ trợ DN, người dân chịu tác động của dịch COVID-19, trong đó quy định bốn chính sách miễn, giảm thuế.

ĐBQH Ngô Trung Thành (tỉnh Đắk Lắk) cho rằng, để phục hồi sản xuất, cần có các giải pháp kết nối chuỗi sản xuất, thậm chí cần đón, mời người lao động quay trở lại nhà máy. Đây là việc mấu chốt, đòi hỏi các cấp, ngành phải chung tay.

Đã có phương án phục hồi thị trường lao động

ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa (tỉnh Đồng Tháp) băn khoăn, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tỷ lệ người lao động mất việc rất lớn. Bà cho rằng, phải tính tới công tác đào tạo nghề cho người lao động. Theo đó, cần đào tạo lại cho lực lượng lao động mất việc làm do một số ngành nghề phải thay đổi, chẳng hạn như du lịch, nhà hàng, khách sạn. Khi các ngành mới hình thành, lực lượng lao động sẽ như thế nào, có đủ điều kiện để đáp ứng với điều kiện và môi trường mới hay không? 

Bà nói: “Tổng cục Dạy nghề thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đang xin ý kiến về chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030. Tôi nghĩ, trong chiến lược này, phải tính đến vấn đề trên. Công tác đào tạo nghề phải dự báo được tình hình chuyển đổi nghề nghiệp, cơ cấu ngành nghề sắp tới đây, từ đó mới định hướng được cơ cấu ngành nghề, đội ngũ giáo viên”.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết đã xây dựng chương trình phục hồi thị trường lao động
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết đã xây dựng chương trình phục hồi thị trường lao động

Liên quan tới những vấn đề mà ĐBQH quan tâm, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung cho biết, bộ đã xây dựng chương trình phục hồi thị trường lao động, trong đó xác định có bốn loại hình lao động trong nước gồm: Lực lượng lao động khu vực có vốn nước ngoài (FDI), khu vực sản xuất công nghiệp, khu vực sản xuất ngoài khu công nghiệp và lao động tự do. Trong đó, việc dịch chuyển lao động thường rơi vào nhóm ngoài khu công nghiệp, lao động tự do và họ đều rất khó khăn. 

Chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động sẽ được tích hợp thành một nhánh trong chương trình phục hồi, phát triển kinh tế. Cung cầu lao động sẽ do thị trường điều tiết. “Trước đây, khi không có dịch bệnh, cứ sau tết, chúng ta vẫn thiếu 10% lao động. Năm nay chắc chắn sẽ thiếu, nhưng chỉ phục hồi sau tết. Trong trường hợp thị trường lao động căng thẳng, chúng ta đã có cả phương án để có thể cung cấp khoảng 200.000 người lao động” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Cập nhật về gói hỗ trợ an sinh xã hội trong năm 2021, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết, thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP, đến nay, đã có 25,12 triệu lượt người được hưởng thụ với tổng tiền tương đương 23.000 tỷ đồng. Về gói hỗ trợ 38.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 116/NQ-CP, Bộ LĐTBXH, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã giải ngân ngay cho người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. “Ai có tài khoản thì được chuyển tiền ngay, ai chưa có thì mở tài khoản, trường hợp không có thì thông qua DN. Về cơ bản, đến nay, các ngành đã thực hiện xong việc rà soát và hỗ trợ đối với người sử dụng lao động” - ông thông tin. 

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tin tưởng vào sự phục hồi nền kinh tế

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ sáng nay, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, dù đang mở cửa từng bước nhưng không khí làm việc của các DN trên cả nước rất tốt: “Với không khí sản xuất lao động, quyết tâm của cả hệ thống chính trị cùng những trào lưu vốn các nước đổ về Việt Nam, tôi tin nền kinh tế Việt Nam sẽ trở lại phong độ mới, đạt mục tiêu mà Chính phủ đã báo cáo QH. Đặc biệt, năm 2022, chúng ta có thể phấn đấu tăng trưởng 6 - 6,5% GDP”.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc

Liên quan tới giải pháp phát triển kinh tế, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lưu ý, bên cạnh việc giải quyết các khó khăn trước mắt, cần các giải pháp lâu dài, đảm bảo nền tảng vĩ mô tốt: “Không phải nóng vội trước mắt mà quên đi đoạn đường dài rồi sau này phải giải quyết hậu quả”. Theo ông, phải tính toán để nợ công không tăng quá nhiều, bội chi ngân sách hợp lý, đề ra chiến lược vắc-xin, vận động vắc-xin, tập trung nâng cao năng lực y tế cơ sở. Bên cạnh đó, cần tập trung cho an sinh xã hội để người dân không bị đói, không thiếu ăn, thiếu mặc, tập trung cho DN có thêm “sức khỏe”, điều kiện để phát triển. 

ĐBQH Phan Đức Hiếu (tỉnh Thái Bình) kiến nghị, trong báo cáo của Chính phủ, cần phân tích rõ nét hơn bối cảnh quốc tế và trong nước tác động đến phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Cụ thể, cần có đánh giá về sức chống chọi của DN Việt Nam, phân tích những khó khăn lớn nhất mà DN phải đối mặt hiện nay; vấn đề đứt gãy chuỗi cung ứng. 
Khẳng định sự cần thiết của chiến lược phục hồi kinh tế, ĐB Phan Đức Hiếu đề xuất Chính phủ sớm ban hành chiến lược này ngay trong năm 2021, bởi đây còn là cam kết rất cao của Chính phủ nhằm khơi dậy niềm tin để các nhà đầu tư chung sức phục hồi, phát triển kinh tế: “Chính phủ cần nêu rõ và khắc phục những hạn chế trong khâu tổ chức, thực hiện các nghị quyết, đặc biệt là Nghị quyết 105/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh COVID-19”.

Phát biểu tại tổ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phòng, chống dịch COVID-19 là vấn đề mà cử tri và ĐBQH quan tâm nhất. Trong báo cáo, Chính phủ đã đề cập đến việc bất ngờ với biến chủng Delta. 

Đồng thuận với chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế mà Chính phủ đặt ra nhưng ĐBQH Hoàng Văn Cường (TP.Hà Nội) lưu ý, việc phục hồi kinh tế trong quý IV năm nay không giống như năm 2020. Việc mở cửa nền kinh tế phải an toàn chứ không thể bứt phá ngay vì hiện nay, nhiều DN đang gặp khó khăn về nguồn lực và cần có sự hỗ trợ nhiều hơn nữa từ Chính phủ. 

M.Quang

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI