Đại biểu Quốc hội đề xuất cơ chế chống dịch đặc biệt

23/07/2021 - 12:23

PNO - Nếu cứ áp dụng quy định bình thường trong tình trạng khẩn cấp là không ổn, cần có cơ chế để các đơn vị y tế tiếp nhận sự hỗ trợ...

Chiều  22/7, các đại biểu (ĐB) dự kỳ họp thứ nhất Quốc hội (QH) khóa XV thảo luận tại tổ, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước sáu tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch sáu tháng cuối năm 2021.

Phát biểu tại phiên họp tổ của Đoàn ĐBQH TPHCM, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao việc UBND TPHCM triển khai nhiều biện pháp mạnh để phòng, chống dịch. Chủ tịch nước cũng nhìn nhận, đại dịch đã tạo ra một thách thức lớn, đang bào mòn sức lực của người dân, doanh nghiệp.

Đại biểu Quốc hội cho rằng chống dịch khẩn cấp theo cách thông thường là không ổn
Đại biểu Quốc hội cho rằng chống dịch khẩn cấp theo cách thông thường là không ổn

Về dịch bệnh, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) cho rằng, trong tình huống chống dịch khẩn cấp, nếu vẫn áp dụng những quy định thông thường là không ổn. Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, cần có những quy định đặc biệt cho tình trạng khẩn cấp như hiện nay.

Cụ thể, việc tiêm vắc xin đã được xem là trọng tâm của chiến dịch chống COVID-19, nhưng tới nay, lượng vắc xin trong nước vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. “QH họp chính là thời cơ để đưa ra giải pháp tháo gỡ. Chúng ta không phủ nhận những gì đã làm được như triệt để khoanh vùng, cách ly dập dịch, nhưng với chủng virus Delta, liệu đó có còn là biện pháp căn bản hay không?” - ĐB Phạm Khánh Phong Lan đề nghị đẩy nhanh tiến độ mua vắc xin để tiêm chủng toàn dân.

Bà Phạm Khánh Phong Lan cũng cho rằng, cần điều chỉnh công tác khám, chữa bệnh cũng như chính sách bảo hiểm y tế cho phù hợp thực trạng nhiều bệnh nhân mắc bệnh mạn tính ngại đến bệnh viện, chưa được chăm sóc kịp thời. Đặc biệt, tình trạng bệnh nhân COVID-19 chuyển nặng, tử vong đang là nỗi lo lắng lớn trong bối cảnh còn thiếu thốn trang thiết bị y tế, cơ sở khám chữa bệnh tại TPHCM đang quá tải. Nếu cứ áp dụng quy định bình thường trong tình trạng khẩn cấp là không ổn, cần có cơ chế để các đơn vị y tế tiếp nhận sự hỗ trợ, thậm chí bằng tiền mặt mà không lo bị vi phạm trong giải ngân.

ĐBQH Lê Quang Đạo (tỉnh Phú Yên) cũng cho rằng, phải có chiến lược ứng phó đại dịch COVID-19 phù hợp: “Quan trọng nhất là trong sáu tháng cuối năm, Chính phủ phải cam kết phòng, chống dịch cho dân ở mức độ nào”.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đồng tình rằng, giải pháp vắc xin là then chốt. Bên cạnh việc mua vắc xin từ các nguồn trên thế giới, ông cho rằng, cần thúc đẩy tiến trình nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước trên tinh thần khẩn trương nhưng hết sức thận trọng.

ĐBQH Hoàng Văn Cường (TP. Hà Nội) phân tích, sáu tháng đầu năm, Việt Nam trải qua hai đợt dịch vào thời điểm rất nhạy cảm để phát triển kinh tế, xã hội, nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn đạt 5,65%. Đây không phải là con số cao so với mục tiêu đề ra nhưng nó cho thấy kinh tế vẫn đang trên đà đi lên. Nếu dịch bệnh sớm được kiểm soát, kinh tế của Việt Nam chắc chắn sẽ tăng trưởng tốt. Cũng trong sáu tháng đầu năm, giá xăng dầu tăng, giá nguyên vật liệu đều tăng khiến giá cả hàng hóa tăng nhưng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) rất thấp, chỉ 1,76%. Điều đó cho thấy sức mua hàng hóa rất thấp, cầu rất thấp.

Theo ĐB Hoàng Văn Cường, kinh tế thế giới đang phục hồi rất nhanh. Nếu không giúp cho các doanh nghiệp nhanh hồi phục, kinh tế Việt Nam sẽ bị chậm nhịp so với thế giới. Cần phải có các gói hỗ trợ để tạo ra sự bứt phá cho các doanh nghiệp, chứ không chỉ để doanh nghiệp… đỡ chết. 

Về giải pháp, theo ĐBQH Hoàng Văn Cường, cần tiếp tục cắt giảm thực chất các thủ tục hành chính, thay đổi căn bản phương thức quản lý; việc quản lý không dựa vào quy trình, quy định mà phải dựa vào kết quả (đầu ra): “Chúng ta khuyến khích đổi mới, sáng tạo nhưng chúng ta lại bắt phải theo quy trình, quy định thì không ai sáng tạo được. Phải có cơ chế bảo vệ người dám nghĩ, dám làm”.

Thời gian qua, Chính phủ đã có các gói hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, nhưng theo ĐBQH Nguyễn Như So (tỉnh Bắc Ninh), kết quả không như mong đợi. Do đó, cần lựa chọn đúng trọng tâm, đối tượng, phân loại ngành nghề với quy mô, điều kiện để tránh lãng phí, trục lợi chính sách hỗ trợ rủi ro. 

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI