Lo trẻ nhiễm thông tin xấu trên mạng
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, trẻ em ở hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước phải chuyển sang hình thức học online. Đại biểu (ĐB) Quốc hội (QH) Nguyễn Thị Tuyết Nga - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của QH - đánh giá đây là hình thức học tập phù hợp, giúp hoạt động giáo dục không bị gián đoạn.
Tuy nhiên, việc phải chuyển sang hình thức trực tuyến trong khi chưa có sự chuẩn bị đầy đủ từ trang thiết bị tới việc thực hành đã tạo ra không ít hệ lụy. Chẳng hạn, trẻ em đang tiếp xúc nhiều với môi trường internet khi chưa được trang bị kiến thức phân biệt, phòng tránh những thông tin độc hại, không phù hợp với lứa tuổi của mình.
|
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Tuyết Nga - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - đề xuất nhiều giải pháp bảo vệ trẻ trước những thông tin độc hại trên internet |
Bà Tuyết Nga thông tin: “Trong tháng 11 này, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục sẽ tổ chức hội thảo giáo dục toàn quốc về chủ đề văn hóa học đường, qua đó sẽ có những kiến nghị về chính sách đối với việc xây dựng văn hóa học đường nói chung, văn hóa mạng trong nhà trường nói riêng”.
Trước mắt, bà đề xuất, giáo viên cần tiếp tục phối hợp tốt với phụ huynh để tăng cường giáo dục, nhắc nhở, giám sát trẻ để tránh việc trẻ tò mò, tìm kiếm vào những trang web xấu, độc.
ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của QH - cũng băn khoăn về quyền tiếp cận giáo dục bình đẳng của học sinh trong bối cảnh học trực tuyến. Theo bà, chất lượng giáo dục trong năm học này chắc chắn không thể bằng các năm trước. Bên cạnh đó, qua báo cáo của 26 tỉnh, thành, chương trình “Sóng và máy tính cho em” chỉ có thể đáp ứng được về sóng, khó đảm bảo số máy tính. Cung cấp máy cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn là tính đến lâu dài cho ngành giáo dục nhằm chuyển đổi số.
“Ngành giáo dục đang chuẩn bị áp dụng song song hai hình thức, coi trực tuyến là một trong những phương thức đào tạo để đảm bảo học tập suốt đời” - ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa nói.
Bố trí chuyên viên tâm lý trong trường học
Đến nay, nhiều địa phương đang chuẩn bị kế hoạch, phương án để đón học sinh quay trở lại trường. Tuy nhiên, ĐBQH Nguyễn Thị Tuyết Nga lưu ý, dịch có thể phức tạp, kéo dài nên việc dạy, học online vẫn là giải pháp mang tính chiến lược.
|
Nhiều đại biểu Quốc hội đặc biệt lưu tâm về vấn đề tâm lý của trẻ khi quay trở lại trường sau thời gian dài tránh dịch COVID-19. (Trong ảnh: Giáo viên kiểm tra thân nhiệt học sinh khi trường học ở Huế mở cửa trở lại vào cuối tháng 9/2021) - Ảnh: Thuận Hóa |
Do đó, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo định hướng phát triển phương thức trực tuyến trong những năm tới, từng bước đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, đáp ứng xu hướng phát triển của cuộc cách mạng số; tiếp tục thực hiện chương trình “Sóng và máy tính cho em”, huy động các nguồn lực hỗ trợ thiết bị học tập cho học sinh, sinh viên có điều kiện khó khăn; hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin và kho học liệu số; bồi dưỡng năng lực chuyển đổi số cho giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục.
Bình ổn tâm lý cho trẻ khi tái hòa nhập xã hội cũng là vấn đề mà ĐBQH Nguyễn Thị Tuyết Nga lưu ý, nhất là với nhóm trẻ bị ảnh hưởng tâm lý do bản thân, người thân mắc COVID-19 hoặc qua đời trong đại dịch. Do đó, bà cho rằng, cần sự vào cuộc của nhiều bộ, ngành, tổ chức đoàn thể: “Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tăng cường tập huấn cho giáo viên về tư vấn tâm lý học đường, bố trí nhân viên tư vấn tâm lý tại trường học”.
Theo bà, tại địa phương, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần triển khai hệ thống nhân viên công tác xã hội, tăng cường tập huấn về nghiệp vụ công tác xã hội cho cán bộ làm công tác trẻ em, cán bộ của các tổ chức đoàn thể các cấp. Mới đây, Ủy ban Văn hóa, Xã hội đã đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất Chính phủ trình dự án luật về nghề công tác xã hội.
ĐBQH Nguyễn Thị Mai Thoa (tỉnh Hải Dương) cũng đồng tình rằng, cần chú ý đến các vấn đề xã hội sau các đợt bùng dịch và cơ sở giáo dục cần rà soát các chính sách để đảm bảo cuộc sống, việc học tập của trẻ đến năm 18 tuổi. Theo đó, bên cạnh các điều kiện về vật chất, cần chú trọng, theo dõi, giám sát để chăm sóc sức khỏe tinh thần cho trẻ và tập huấn cho đội giáo viên, cán bộ trẻ em về các kỹ năng tư vấn tâm lý.
Đề xuất xét tốt nghiệp thay vì tổ chức thi Tổ chức thi tốt nghiệp hay chuyển sang xét tốt nghiệp trong bối cảnh có dịch COVID-19 là vấn đề nhận được nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận. Ngành giáo dục đã linh hoạt tổ chức thi tốt nghiệp THPT bảo đảm an toàn và công bằng cho mọi người học nhưng vẫn nhận sự phản ứng của cử tri. Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã kiến nghị Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo xây dựng sớm phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 và các năm tiếp theo phù hợp với tình hình thực tiễn, bảo đảm phòng, chống dịch hiệu quả. Ủy ban cũng cho rằng, cần rà soát quy định của pháp luật về điều kiện công nhận tốt nghiệp THPT khi không thể tổ chức thi do dịch bệnh. Trong thời gian tới, ủy ban sẽ tăng cường giám sát chuyên đề tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT; đề nghị Chính phủ đánh giá, hoàn thiện phương thức thi THPT cùng với việc bảo đảm cơ sở vật chất, công tác thanh tra, kiểm tra việc tổ chức kỳ thi THPT, bảo đảm an toàn, nghiêm túc, hiệu quả. |
Đại biểu bức xúc khi số vụ hiếp dâm trẻ em gia tăng Sáng 24/10, QH tiếp tục thảo luận trực tuyến về báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021… Tại cuộc thảo luận, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (tỉnh Hải Dương) trăn trở, tình hình phạm tội đã được kiềm chế nhưng một số loại tội phạm lại gia tăng, trong đó số vụ hiếp dâm trẻ em tăng đến 9,26%, số vụ giao cấu với trẻ em tăng 2,64%. Theo bà, điều này không những bức xúc mà còn vô cùng đau xót: “Hiếp dâm trẻ em là loại tội phạm thể hiện mức độ cao nhất của sự suy đồi đạo đức xã hội. QH khóa XIV đã giám sát tối cao về vấn đề xâm hại trẻ em và đã đưa ra nhiều kiến nghị, đề xuất nhiều giải pháp nhưng loại tội phạm này ngày càng nghiêm trọng hơn”. Bà cho rằng, ngành chức năng thống kê tương đối đầy đủ những vụ án hiếp dâm trẻ em nhưng không thể tính được những hệ lụy khủng khiếp của vấn nạn này bởi nỗi đau còn theo nạn nhân suốt đời. Nạn nhân của các vụ hiếp dâm trẻ em phần lớn đều bị tước đoạt tuổi thơ, tước đoạt cơ hội hạnh phúc. Trong thời gian tới, dự báo loại tội phạm này tiếp tục tăng, nên nếu không quyết liệt hơn nữa, những số liệu đau xót sẽ ngày một tăng, kéo theo sự xuống cấp của đạo đức xã hội. “Trong báo cáo của Chính phủ, ở phần chỉ ra những hạn chế, thiếu sót, tôi thấy chưa đề cập đến việc này nên trong những chủ trương, giải pháp phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2022, chưa có giải pháp riêng biệt đối với loại tội phạm này. Là một nữ ĐBQH, một người mẹ, một người đã lắng nghe rất nhiều ý kiến lo lắng của cử tri về việc tội phạm hiếp dâm trẻ em, giao cấu với trẻ em ngày một gia tăng với tính chất nghiêm trọng hơn, tôi tha thiết đề nghị QH, Chính phủ có những giải pháp quyết liệt hơn, toàn diện hơn và hiệu quả hơn nữa để phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này” - ĐB Nguyễn Thị Việt Nga nói. Đồng quan điểm, nhiều ĐBQH bày tỏ sự bức xúc về sự gia tăng số vụ hiếp dâm trẻ em trong thời gian qua. ĐBQH Trần Công Phàn (tỉnh Bình Dương) đề nghị: “Năm ngoái, chúng ta tập trung giám sát chuyên đề này nhưng năm nay, số vụ tăng lên 9,26%. Có lẽ phải phân tích một cách căn cơ, kỹ lưỡng nguyên nhân để có những biện pháp phòng, chống phù hợp”. |
Thu Huyền