|
ĐBQH Trần Hoàng Ngân đề nghị giám sát 2 gói hỗ trợ COVID-19 triển khai trong năm 2020 và 2021 |
Ngày 21/7, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022. Phát biểu thảo luận, ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TPHCM) chia sẻ có cảm giác "chưa được an toàn vì biến chủng Delta lây lan rất nhanh, có nhiều đường lây so với các biến chủng trước đây". Do đó, trong quá trình giám sát của Quốc hội, vị ĐBQH này cũng đặt trong bối cảnh dịch để có ứng phó kịp thời, chủ động.
Theo ông phân tích, dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, có khả năng gây khó khăn cho các đoàn giám sát trong thời gian tới khi thực hiện giám sát. Vì vậy, đề nghị Quốc hội phải có những kịch bản cho việc giãn cách, đi lại, bố trí nhân sự tham gia các đoàn giám sát. Lãnh đạo các đoàn giám sát phải có từ các địa phương. Việc giám sát theo ông phải "mở" - tức là khi có việc ở khu vực nào thì phân công đại diện ở khu vực đó giám sát.
Về tài liệu giám sát, theo ĐBQH TPHCM, báo cáo của các đơn vị gửi về thời gian qua không đảm bảo chất lượng nên yêu cầu khâu tiền giám sát phải có số liệu báo cáo đầy đủ, gửi về sớm cho các thành viên tham gia đoàn giám sát. Từ đó có thể nhờ thêm các cơ quan chuyên môn và các chuyên gia trong lĩnh vực giám sát giúp thẩm định, tư vấn thêm. Khi triển khai, đoàn giám sát sẽ có đầy đủ cơ sở thực tiễn, cơ sở khoa học để giám sát hiệu quả.
Về khâu hậu giám sát, đại biểu Trần Hoàng Ngân đánh giá, phần lớn các báo cáo hậu giám sát rất ít nên cần lưu ý và triển khai. Ông cũng đề xuất cần xây dựng quy chế và quy trình cho ĐBQH, tổ ĐBQH nếu thực hiện giám sát.
Đóng góp vào 4 chuyên đề giám sát mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra trong tờ trình, ĐBQH Trần Hoàng Ngân thể hiện sự đồng tình. Theo ông, chuyên đề thực hành tiết kiệm chống lãng phí và thực hiện quy định của pháp luật về quy hoạch thì rất cần thiết giám sát tối cao. Chuyên đề về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại và sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã thì có thể giám sát chuyên đề.
Tuy nhiên, ĐBQH cũng nêu ý kiến: "Dịch COVID-19 có từ năm 2020 rồi 2021, hiện nay dịch hết sức khốc liệt, có thể tái đi tái lại cho đến 2022. Các nước đã tiêm chủng vẫn tái đi tái lại nên bên cạnh việc thần tốc tiêm chủng vắc xin, vấn đề đảm bảo an sinh xã hội là rất quan trọng. Do đó, cần giám sát về gói hỗ trợ năm 2020 là 62.000 tỷ và năm nay là 26.000 tỷ”.
Trước đó, ngày 1/7/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, với gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng. Đây là gói hỗ trợ tiếp nối gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng đã được triển khai năm 2020.
Minh Quang