Thảo luận về tình hình kinh tế xã hội tại phiên họp 28 của UB Thường vụ Quốc hội chiều 15/10, Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga kiến nghị Chính phủ tập trung hơn nữa vào chống bạo hành trẻ em, nhất là xâm hại tình dục trẻ em.
"Mấy ngày gần đây, dư luận bức xúc xâm hại tình dục trẻ em xảy ra tại Thái Bình do 4 đối tượng xâm hại, trong đó có Phó phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Thái Bình. Tôi thấy, qua một số vụ liên tiếp gần đây, tình trạng xâm hại trẻ em có xu hướng phức tạp hơn. Vì vậy, Chính phủ cần hết sức tập trung chống loại vi phạm này", Chủ nhiệm UB Tư pháp nói.
Ngoài ra, Chủ nhiệm UB Tư pháp cũng đề nghị Chính phủ tập trung kiểm soát các quán bar, vũ trường, lễ hội âm nhạc như lễ hội ở Hồ Tây khiến 7 người chết do sốc ma túy.
"Dư luận phản ánh nhiều dạng chất gây nghiện mới như bóng cười, shisha... Hiện nay, nhiều thành phố lớn trong đó có Hà Nội bày bán ngang nhiên các chất nói trên ở nhiều nơi, đặc biệt là quán bar, vũ trường. Để tránh tình trạng ảnh hưởng này tới thế hệ trẻ, đề nghị Chính phủ chỉ đạo tập trung các thành phố lớn quản lý chặt quán bar, vũ trường", bà Nga nói.
|
Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga (Ảnh: Quochoi.vn) |
Tham nhũng lớn, lợi ích nhóm, sân sau dần dần nổi lên
Nói về công tác phòng chống tham nhũng, Chủ nhiệm UB Tư pháp cho rằng, thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư, các cơ quan tư pháp, Chính phủ đã đẩy mạnh được công tác phỏng chống tham nhũng.
"Đây là giai đoạn được đẩy mạnh với phương châm nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, ở cương vị công tác nào, kể cả cán bộ đã nghỉ hưu", bà Nga nhấn mạnh.
Bà Nga cũng khen Thanh tra Chính phủ đã đẩy nhanh kết luận thanh tra các vụ được dư luận xã hội quan tâm như vụ AVG, cảng Quy Nhơn, Hãng phim truyện Việt Nam, Thủ Thiêm...
Đặc biệt là đôn đốc thực hiện các kết luận sau thanh tra; điều tra các vụ án phức tạp như đánh bạc trên mạng, sai phạm của một số ngân hàng hay vụ Đinh Ngọc Hệ (Út "trọc"), Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm").
Tuy nhiên, Chủ nhiệm UB Tư pháp lưu ý tình trạng vi phạm trong quản lý, sử dụng nhà đất, tài sản công xảy ra trong thời gian dài. Có những vụ việc diễn ra trong giai đoạn trước với sự tiếp tay của người có chức quyền.
"Chúng tôi cũng thấy có tình trạng tham nhũng lớn, lợi ích nhóm, sân sau, gia đình dần dần nổi lên trong các vụ án thời gian qua", bà Nga đề nghị Chính phủ và cơ quan tư pháp nhận diện đầy đủ và có biện pháp xử lý tình trạng này.
Đề cập tình trạng chất lượng các công trình hạ tầng, bà Nga chỉ rõ tình trạng công trình đường giao thông xuống cấp rất nhanh.
"Chúng ta phải trả lời được câu hỏi mà cử tri đã nói từ lâu rồi, đó là vì sao công trình làm lâu mà hỏng và xuống cấp nhanh, đặc biệt là công trình giao thông. Vừa rồi, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đầu tư 34.500 tỷ mới thông xe ngày 2/9 nhưng xuống cấp rất nhanh”, Chủ nhiệm UB Tư pháp dẫn chứng và đề nghị đề nghị Chính phủ làm rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể có liên quan.
Bên cạnh đó, Chủ nhiệm UB Tư pháp lưu ý trách nhiệm giải trình của các cơ quan khi có phản ánh của báo chí, cử tri.
"Đề nghị trách nhiệm giải trình phải nói rõ, tránh trường hợp né tránh trách nhiệm như Giám đốc Ban quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Khi có sự việc ổ gà, ổ trâu trên mặt đường thì ngay lập tức nói là do mưa, hoặc do phương tiện lưu thông làm rơi vãi dầu diezel... Chúng tôi đề nghị làm rõ trách nhiệm giải trình phải nghiêm túc và Chính phủ phải làm rõ tại sao công trình hạ tầng xuống cấp nhanh như vậy!", bà Nga truy hỏi.
Tiền in sách giáo khoa mỗi năm làm được hàng vạn căn nhà tình nghĩa
Tiếp tục quan tâm đến ngành giáo dục, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nêu lại con số 1.000 tỷ đồng xã hội phải chi cho việc in sách giáo khoa (SGK) mỗi năm.
|
Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải (Ảnh: Quochoi.vn) |
Bà Hải lấy con số này so với mức chi để xây nhà cho người có công (50 triệu đồng/căn nhà xây mới, 20 triệu đồng/căn nhà cần sửa chữa) thì với 1.000 tỷ đồng sẽ giúp làm được 20.000 căn nhà mới, sửa được 40.000 căn nhà cho các đối tượng cần hỗ trợ.
Trưởng ban Dân nguyện nhắc lại việc Bộ GD-ĐT có văn yêu cầu giáo viên cần hướng dẫn học sinh không viết lên SGK. Giáo viên và học sinh có trách nhiệm bảo quản SGK… Tuy nhiên, bài tập in sẵn trên sách mà bộ lại yêu cầu làm như thế thì rất khó cho học sinh và giáo viên.
Bà Hải cũng cho biết, vấn đề này đã được cử tri đề cập từ những năm đầu thực hiện chương trình, sử dụng bộ sách mới, có ĐBQH cũng đã nêu vấn đề lãng phí này từ năm 2005-2006 nhưng chưa được quan tâm, giải quyết.
“Sao phụ huynh biết, học sinh biết, giáo viên cũng đều biết về việc lãng phí này mà nhà quản lý lại không biết đó là lãng phí lớn?”, bà Hải đặt vấn đề.
Đan Nguyên