Đại biểu Quốc hội bức xúc vì nạn phân bón giả

07/06/2022 - 15:48

PNO - Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) bức xúc trước tình trạng giá phân bón tăng phi mã. Thêm vào đó, còn có phân bón giả khiến người dân "đã nghèo còn đeo thêm khổ".

 

ĐBQH Dương Văn Phước (Quảng Nam) bức xúc vì người nông dân phải đối mặt với tình trạng phân bón giả khiến đã nghèo còn đeo thêm khổ

ĐBQH Dương Văn Phước (Quảng Nam) bức xúc vì người nông dân phải đối mặt với tình trạng phân bón giả khiến "đã nghèo còn đeo thêm khổ"

Chiều 7/6, tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN-PTNT) Lê Minh Hoan, nhiều ĐBQH đặt vấn đề về việc nguyên liệu đầu vào như phân bón tăng giá “phi mã” khiến sản xuất nông nghiệp gặp khó.

ĐBQH Lê Thị Song An (Long An) chia sẻ, giá phân bón hiện đã tăng 200%, trong khi đó, giá nông sản thấp, nhiều lúc không tiêu thụ được. Tại Long An, nhiều diện tích đất trồng thanh long phải phá bỏ vì giá xuống quá thấp. Trong khi đó, ĐBQH Dương Văn Phước (Quảng Nam) bức xúc trước nạn phân bón giả gây thiệt hại lớn, khiến người nông dân “đã nghèo còn đeo lấy khổ”.

Liên quan tới vấn đề này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ, do tác động của dịch COVID-19, có sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng làm gia tăng giá nguyên liệu đầu vào như phân bón, thức ăn chăn nuôi… Ngay sau khi đứt gãy chuỗi cung ứng, đặc biệt là cao điểm ùn ứ tắc tại các cửa khẩu phía Bắc, Bộ NN-PTNT đã phối hợp cùng các bộ, ngành vào cuộc, hạn chế tối đa người dân phải chịu thiệt thòi.

Bộ NN-PTNT đã phối hợp Bộ Công thương đã tổ chức nhiều cuộc họp với các ngành hàng, các doanh nghiệp phân bón để thuyết phục việc kiểm soát giá. Tuy nhiên, Bộ trưởng thừa nhận, vừa qua, bà con nông dân phản ánh có tình trạng ghìm giá, tích trữ hàng để tạo ra cú sốc giá. Bộ Công thương đã chỉ đạo điều tra, phát hiện nhiều vụ việc vi phạm.

Mới đây, tỉnh An Giang cũng đã có sáng kiến tổ chức trưng bày các loại phân bón giả để người dân có thể phân biệt khi mua. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đánh giá, vừa dùng biện pháp hành chính, vừa dùng biện pháp truyền thông để tăng cường phổ biến cho người dân là một trong những cách đối phó với nạn phân bón giả.

Để hạn chế tác động của giá phân bón cũng như một số nguyên liệu đầu vào khác như chế phẩm sinh học, thức ăn chăn nuôi… Bộ trưởng Lê Minh Hoan đưa ra câu chuyện tự chủ, sử dụng tuần hoàn các phế phẩm trong nông nghiệp để thay thế một phần thức ăn, chế phẩm sinh học trong phân, thuốc, thức ăn chăn nuôi… Cụ thể như nhiều bà con Tây Nguyên đã áp dụng và cho biết, kể từ khi sử dụng tuần hoàn các phế phẩm nông nghiệp thì chất lượng cà phê cũng tăng trong khi giá nguyên liệu đầu vào giảm đi. “Về lâu dài, đây là giải pháp hữu cơ hóa, sinh học hóa nền nông nghiệp, trồng trọt, để tạo ra thương hiệu nông nghiệp Việt Nam”, Bộ trưởng nhấn mạnh đây không chỉ là biện pháp mang tính tức thời.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan kêu gọi người dân tham gia kinh tế tập thể để mua được nguyên liệu đầu vào giá rẻ

Bộ trưởng Lê Minh Hoan kêu gọi người dân tham gia kinh tế tập thể để mua được nguyên liệu đầu vào giá rẻ

Ngoài ra, Bộ trưởng cũng kêu gọi 14 triệu nông dân tham gia kinh tế tập thể, gia nhập các hợp tác xã nông nghiệp. “Về nguyên tắc, mua càng lớn chiết khấu càng nhiều, sẽ giảm được giá nguyên liệu đầu vào. Như vậy, chúng ta sẽ vừa giảm được lượng mua do dùng các chế phẩm sản xuất được, vừa giảm được giá đầu vào. Ít nhất chúng ta cũng đối mặt được với rủi ro thị trường trong những lúc bất ổn. Thông qua đó, nâng cao chất lượng nông sản xuất của chúng ta”, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT nói.

H.Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI