Chiều 6/11, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi). ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cơ bản tán thành quy định như dự thảo, nhưng còn băn khoăn về số lượng cấp hàm tướng, đặc biệt trong điều kiện đất nước đang ở thời bình và ổn định về an ninh, chính trị, trật tự xã hội.
“Về cấp hàm tướng, số lượng theo quy định như vậy là nhiều. Trên thế giới hiện nay, ở một số quốc gia, bộ trưởng quốc phòng, công an chỉ là dân sự mà vẫn chỉ đạo, chỉ huy cao nhất trong ngành” - ĐB Hòa nói.
ĐB Phạm Văn Hòa đặt câu hỏi: “Hàm tướng có cần số lượng nhiều như thế hay không? Cấp tướng phải có quân số nhất định để chỉ huy chứ không thể mang hàm tướng mà quân số chẳng bao nhiêu”.
|
ĐBQH Phạm Văn Hòa: "Hàm tướng có cần số lượng nhiều như thế hay không?" |
Dự thảo luật lần này cũng quy định, giám đốc công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ở địa phương được phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại 1, có cấp quân hàm cao nhất là thiếu tướng (trừ Hà Nội và TP.HCM là Trung tướng), song số lượng không quá 11 người.
ĐB Phạm Văn Hòa đặt vấn đề: “Có thành phố đang là loại 2 nhưng sau này lên loại 1 thì sao? Có phong hàm thiếu tướng hay không vì đã đủ số lượng rồi, hay lại điều động sang nơi khác để đảm bảo con số 11?”.
Đồng tình với ĐB Phạm Văn Hòa, ĐBQH Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) cho rằng nên cân nhắc về quy định “trần” cấp tướng. “Quy định này cần cân nhắc nghiên cứu và nên khảo sát xem thực tế hiện nay đang có bao nhiêu trường hợp cấp bậc hàm cao nhất là thiếu tướng đang giữ chức vụ giám đốc công an các tỉnh không thuộc đơn vị hành chính loại 1”.
Bên cạnh đó, thực tế, nhiều tỉnh không được xếp là đơn vị hành chính loại 1 nhưng có vị trí chiến lược an ninh trật tự. Người đứng đầu của lực lượng công an những tỉnh này cần có cấp bậc hàm tương đương như bậc hàm của các tỉnh xếp loại đơn vị hành chính loại 1 để thực hiện nhiệm vụ.
Phát biểu tại thảo luận hội trường, ĐB Cao Đình Thưởng nhấn mạnh tình hình an ninh nông thôn hiện nay rất phức tạp, vai trò của công an xã hết sức quan trọng. Do đó, nếu có lực lượng chính quy như trong dự thảo luật, sẽ giải quyết dứt điểm những vấn đề tồn tại, đảm bảo môi trường sống yên bình cho người dân.
Tuy nhiên, ông cho rằng, cần đánh giá một cách đầy đủ về quy định này. Bởi cả nước có hơn 9.330 xã, nếu mỗi xã có 5 cán bộ công an chính quy, Bộ Công an phải bố trí trên 4 vạn cán bộ. “Điều này có ảnh hưởng gì đến đề án tinh giản biên chế và quỹ lương quốc gia không?”, ĐB Thưởng đặt câu hỏi.
Đặc biệt, khi đã có lực lượng chính quy thì phải xây dựng thêm trụ sở làm việc cùng các điều kiện đảm bảo và chế độ chính sách kèm theo. Điều này tạo gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Minh Quang