Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan: Bàn cãi mãi vẫn chưa bảo vệ bác sĩ

22/05/2018 - 10:16

PNO - "Vì sao lại đổ hết trách nhiệm cho một bác sĩ đang cứu chữa bệnh nhân? Trong khi nếu có tiêu cực, có bắt tay lợi ích thì người hưởng lại là cấp lãnh đạo khoa phòng, BV", ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan chia sẻ

Tấn công y bác sĩ giống như tấn công lái xe đang cầm lái

Tại cuộc thảo luận tổ sáng ngày 22/5, vấn đề bảo vệ bác sĩ được nhiều ĐBQH đặc biệt quan tâm. Đại biểu Nguyễn Phước Lộc (TP.HCM) cho biết, tấn công cán bộ y tế - người đang điều trị sức khỏe bệnh nhân, chính là hành vi tước đi quyền điều trị các bệnh nhân kế tiếp.

“Điều này giống như tấn công phi công, lái xe khi tiến hành nhiệm vụ”, ĐB Nguyễn Phước Lộc nhấn mạnh.

Đồng quan điểm với ĐB Nguyễn Phước Lộc, ĐB Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, mặc dù liên tiếp xảy ra các vụ bạo hành, tấn công bác sĩ, một hành vi “quá tệ” nhưng tới nay các cơ quan chức năng vẫn chưa nêu ra được giải pháp, chưa tạo ra được hành lang pháp lý để bảo vệ họ.

Dai bieu Pham Khanh Phong Lan: Ban cai mai van chua bao ve bac si
ĐB Phạm Khánh Phong Lan đau xót trước vụ án xét xử BS Hoàng Công Lương

ĐB Phạm Khánh Phong Lan cho biết “đau lòng” trước vụ xét xử BS Hoàng Công Lương – BVĐK Hòa Bình trong sự cố làm 8 người tử vong khi chạy thận. Đại biểu TP HCM đặt câu hỏi: Vì sao lại đổ hết trách nhiệm cho một bác sĩ đang cứu chữa bệnh nhân? Trong khi nếu có tiêu cực, có bắt tay lợi ích thì người hưởng lợi thì đâu phải một bác sĩ ở dưới khoa, mà thường phải là cấp lãnh đạo khoa phòng, BV…

“Trong nghề y, bác sĩ nào cũng muốn tập trung cứu chữa bệnh nhân để khỏi bệnh. Tuy nhiên, lực bất tòng tâm và có nhiều chuyện ngoài ý muốn xảy ra như vậy. Người bác sĩ khi đối diện với bệnh nhân thì phải đảm bảo chỉ tập trung vào bệnh nhân thôi. Bây giờ chỉ một sơ sẩy sau đó không có được sự bảo vệ của ngành, của pháp luật.

Tôi không nói bác sĩ tha hồ muốn làm sai cũng được nhưng vấn đề này bàn cãi mãi rồi mà chưa có hành lang pháp lý để bảo vệ họ...”, bà Phạm Khánh Phong Lan nói.

Bác sĩ công lập ồ ạt bỏ bệnh viện ra làm tư vì thiếu đãi ngộ

Tại cuộc thảo luận, ĐB Phạm Khánh Phong Lan cũng nêu lên thực tế về việc thiếu chế độ, chính sách ưu đãi về lương bổng dành cho các y bác sĩ. Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, dù các cơ sở y tế đang được đầu tư về trang thiết bị, cơ sở hạ tầng, tuy nhiên vấn đề quan trọng nhất ở đây phải là con người.

“Tại sao chúng tôi không thấy đề xuất chính thức từ bộ y tế chế độ đãi ngộ cho bác sĩ. Lương của một bác sĩ làm ở BHXH có mức lương là 1,8 lần lương so với cán bộ viên chức, lương trung bình  là 8,86 triệu đồng. Đây là mức lương mơ ước của chúng tôi”, bà Phạm Khánh Phong Lan nói.

Bà Phạm Khánh Phong Lan chia sẻ câu chuyện khi ra trường, dù là tiến sĩ dược nhưng vẫn chỉ được hưởng lương bậc 1 và khi tập sự vào biên chế chỉ được hưởng lương là 85%.

Nữ ĐBQH cho rằng, việc thiếu cơ chế đãi ngộ với bác sĩ chính là nguyên nhân khiến nảy sinh tình trạng, các bác sĩ làm tại cơ sở công lập “ồ ạt” làm “chân trong chân ngoài”, hoặc ra công lập với mức lương cao gấp mấy chục lần.

Liên quan tới vấn đề này, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng, ngoài việc hưởng lương từ tiền viện phí của người dân đóng, ngân sách nhà nước phải chăm lo cho đối tượng này.

Cũng liên quan tới chính sách lao động với các bác sĩ yên tâm công tác, ĐB Nguyễn Phước Lộc cũng đề xuất việc sắp xếp lại các trung tâm dự phòng cấp huyện thành trung tâm y tế đa chức năng về khám chữa bệnh, PKĐK khu vực… đang trong giai đoạn đầu thực hiện. Nếu không làm rõ tính hệ thống, không có chính sách cụ thể thì tạo tâm lý bất an cho những người làm công tác y tế dự phòng.

T.Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI