Đại biểu nào là của dân?

05/06/2019 - 07:51

PNO - Hãy mang tiếng nói và niềm tin thật thà, chân thành ấy vào hội trường Diên Hồng, đừng để qua ống kính truyền hình, qua sóng truyền thanh, cử tri chúng tôi ngây ngô tự hỏi, đại biểu nào là của dân?

Ngay sau đề xuất nên có “ngày đàn ông” của đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh, nhiều quý ông đã hơn hớn vào mặt tôi rằng, phải thế chứ, cho nó công bằng với chị em, nào 8/3, nào 20/10. Tôi bảo, thế thì xin trả lại các anh cả hai ngày ấy để thà bình đẳng cho cả năm còn hơn phân biệt những 363 ngày còn lại. Đố ông nào dám nhận!

Dai bieu nao la cua dan?

Thế đấy, thưa đại biểu Khánh! Chỉ đơn cử ngày 8/3 hằng năm, nào bông hồng, nào quà tặng, trước thì tặng nước hoa, bánh trái, vải vóc, nay bông hồng dát vàng, các siêu thị thì đua nhau khuyến mãi nào máy rửa chén, máy giặt, máy hút bụi…

Từ gốc tích là cuộc đình công, biểu tình của phụ nữ chống bất công trong mớ tiền lương rẻ mạt, chế độ lao động hà khắc; hơn 100 năm sau, bất bình đẳng trong tuyển dụng, đào tạo, trả lương… với giới nữ vẫn còn đầy rẫy, để ngày “vùng lên” ấy lại chìm đắm trong vẻ ngọt ngào, văn minh nhưng kỳ thực, thứ quà tặng kia lại tiếp tục “khuyến mãi” phụ nữ trong hàng ngàn công việc bếp núc không tên.

Một khi hệ thống pháp luật và các định chế xã hội chưa đủ sức cải tạo, thay đổi những hiện trạng bất cập, thúc đẩy những xu thế, thực tế tiến bộ để mang lại cho con người - cử tri, những quyền thụ hưởng chính đáng, văn minh thì chừng đó, vai trò, trách nhiệm, chức năng, hiệu quả của các nhà hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật; của cơ quan lập pháp cần được nhìn nhận lại, đánh giá thêm.

Cái cần (sự trông chờ, đòi hỏi của cử tri) và cái đủ (sự hiểu biết, nắm bắt từ thực tế tới quy trình xây dựng chính sách, pháp luật của đại biểu Quốc hội) trong chức năng của người đại diện, tham gia quá trình bàn thảo, xây dựng, ban hành các văn bản pháp luật phải được thiết lập trên nền tảng mối quan hệ biện chứng, mang tính tương tác cao, đảm bảo tính khảo sát, giám sát không đứt đoạn.

Ấp ủ những mấy năm để bây giờ mới có cơ hội đề xuất, rõ là “ngày đàn ông” mang sức nặng ghê gớm tư duy, tâm huyết của một vị đại biểu Quốc hội. Chỉ tiếc, nó không giúp được gì cho những người đã bỏ phiếu chọn ra vị đại diện, có chăng là đem lại chút “thư giãn” bởi nghe qua cứ thể như đùa.

Hay tại phiên thảo luận về dự thảo luật Phòng chống tác hại rượu bia, đại biểu Dương Trung Quốc đã tận dụng sở trường là “pho sử”, trích dẫn thơ của Bác Hồ để phân tích, bảo vệ cho lập luận của mình, nào là “Trong tù không rượu cũng không hoa”, chỉ khi bị tước đoạt tự do mới không được uống rượu…, “Bác cũng có rất nhiều bài thơ hay về rượu, nhận tin thắng trận cũng nâng vài ly uống mừng. Nó là văn hóa của cả nhân loại rồi. Tại sao lại đưa nó lên đoạn đầu đài thế này?”.

Ơ hay, mượn rượu, mượn hoa để đối lập giữa một tinh thần khoáng đạt, tự do với hoàn cảnh thực tại - bị giam cầm, nó cho thấy tinh thần “vượt ngục” bằng ý chí thép, bằng tình yêu thiên nhiên bất tuyệt của người chiến sĩ cách mạng Hồ Chí Minh.

Đến thi tiên Lý Bạch của nhà Đường mà còn “Bả tửu vấn nguyệt” - nâng chén rượu hỏi trăng trong khung cảnh bốn bề thơ mộng, thì Hồ Chí Minh, trong chốn ngục tù tăm tối, trong hoàn cảnh vong quốc vẫn sáng trong “Vọng nguyệt”. Cảm tác mượn rượu trong lao tù Tưởng Giới Thạch hay từ năm 1946, trong lời chúc tết Bính Tuất gửi nhân dân Nam bộ, Người viết: “Bao giờ kháng chiến thành công/ Chúng ta cùng uống một chung rượu đào...” ... tất cả là chất liệu để Hồ Chí Minh vận dụng các hình thức đấu tranh, tự đấu tranh, tôi luyện tinh thần, ý chí trên bước đường cách mạng.

Vì thế, đừng vay mượn rượu trong thơ Bác, rồi biến thành một thứ alcohol hủy hoại suy nghĩ, nhận định lệch lạc, có phần nực cười của mình. Đùa với dân là không nên, đùa với lãnh tụ đáng kính lại là điều rất đáng quở trách đấy, thưa ông nghị!

Mà rõ là nhiều người cũng thích đùa. Đã biết có các quy định pháp luật hiện hành (Luật Giao thông đường bộ, Luật Xử lý vi phạm hành chính) áp dụng xử phạt người sử dụng bia rượu khi tham gia giao thông, vậy mà vẫn đưa ra lấy ý kiến trong phiên thảo luận dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia, dẫn đến cái bảng tỷ lệ ngang ngửa “đồng ý” - “không đồng ý” - “không tham gia ý kiến” kia trở thành cơn cớ bức xúc của dư luận.

Tôi là một cử tri. Tôi nhiều lần dự các buổi tiếp xúc cử tri. Cũng có đôi ba câu hỏi của cử tri “đọc từ giấy”, nhưng một khi người dân đã tâm tư, mong muốn thì chỉ một cách nói, rất sát sườn, rất cụ thể. Và trên hết, họ chân thành tin vào những đại biểu nhân dân, đại biểu của chính họ. Hãy mang tiếng nói và niềm tin thật thà, chân thành ấy vào hội trường Diên Hồng, đừng để qua ống kính truyền hình, qua sóng truyền thanh, cử tri chúng tôi ngây ngô tự hỏi, đại biểu nào là của dân? 

Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI