Kỳ họp thứ 8 HĐND TPHCM khoá X:

Đại biểu đề nghị có biện pháp an dân trong việc ngân hàng bảo lãnh trái phiếu doanh nghiệp

08/12/2022 - 11:43

PNO - Sáng 8/12, kỳ họp thứ 8 HĐND TPHCM khóa X tiếp tục ngày làm việc thứ 2. Dự kiến, các đại biểu sẽ thảo luận tại hội trường và chất vấn Chủ tịch UBND TPHCM, Giám đốc Sở Công thương, Chủ tịch UBND quận 6.

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8 HĐND TPHCM khóa X, sáng 8/12, HĐND đã tổ chức phiên thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023 và các tờ trình của UBND TPHCM. Đến dự có ông Phan Văn Mãi - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM. Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ chủ trì kỳ họp.

Sáng ngày 8/12, kỳ họp thứ 8 HĐND TPHCM bước vào ngày làm việc thứ 2.
Sáng ngày 8/12, kỳ họp thứ 8 HĐND TPHCM bước vào ngày làm việc thứ 2

Trong chương trình làm việc, Đại biểu HĐND TPHCM chất vấn Chủ tịch UBND TPHCM, Giám đốc Sở Công thương, Chủ tịch UBND TPHCM về tình hình kinh tế xã hội, giá cả thị trường, cải cách hành chính, chuyển đổi số…

Báo cáo kết quả thảo luận tại tổ chiều 7/12, Chánh Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND TPHCM Đỗ Thị Minh Quân cho biết, tại phiên thảo luận có 127 ý kiến của 29 đại biểu tập trung đánh giá tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội năm 2022; đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2023, tờ trình của Thường trực HĐND, các tờ trình của UBND TPHCM.

Theo bà Đỗ Thị Minh Quân, các đại biểu cơ bản thống nhất và đánh giá cao những kết quả đạt được trong thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2022.

Đối với phát triển kinh tế, các đại biểu cho rằng TPHCM cần đánh giá tác động của tình hình thế giới ảnh hưởng đến nền kinh tế trong nước, từ đó định hướng và có các giải pháp cụ thể để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Giám đốc Sở Công thương TPHCM Bùi Tá Hoàng Vũ trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 8.
Giám đốc Sở Công thương TPHCM Bùi Tá Hoàng Vũ trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 8

Các đại biểu đề nghị TPHCM quan tâm phát huy vai trò đô thị sáng tạo, kinh tế số, phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh. Đồng thời quan tâm, nghiên cứu các giải pháp phát triển kinh tế, xã hội trong liên kết phát triển vùng kinh tế phía Nam.

Bên cạnh đó, có giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, phát huy các nguồn lực liên quan đến lĩnh vực khoa học công nghệ, phát huy ngành du lịch, liên kết mặt mạnh của thành phố với các địa phương. Ngoài ra, quan tâm công tác quản lý việc cung ứng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm trước, trong và sau tết Nguyên đán.

Có giải pháp hỗ trợ, an dân đối với việc các ngân hàng bảo lãnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Tăng cường triển khai các hợp tác thương mại ký kết trong các chuyến thăm quốc tế cấp nhà nước, địa phương.

Về giáo dục, y tế, các đại biểu cho rằng cần có chiến lược phát triển dài hơi đối với ngành y tế và ngành giáo dục của thành phố. Các đại biểu đề nghị có sự đánh giá để có đầu tư trang bị máy móc thiết bị, xe cấp cứu và máy móc chuyên dụng cho ngành y tế, nhất là ở các ngành mũi nhọn như: điều trị hiếm muộn, giải phẫu thẩm mỹ xâm lấn, nha, y học cổ truyền, góp phần thu hút người dân từ các địa phương và kiều bào đến điều trị và khẳng định thương hiệu của y tế thành phố.

Các đại biểu đề nghị cần bổ sung đánh giá đóng góp của hệ thống y tế ngoài công lập; sự kết nối giữa y tế công - tư, hỗ trợ của thành phố đối với hệ thống y tế khu vực ngoài công lập; quan tâm hỗ trợ ngành y tế về đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin trong thực hiện đề án y tế thông minh trên địa bàn.

Theo các đại biểu, do các cơ sở y tế phải tự chủ tài chính không đủ nguồn lực để thực hiện, còn đối với bệnh viện vướng quy định Luật đầu tư công nên khó triển khai.

Hôm nay, các đại biểu sẽ chất vấn liên quan đến tình hình kinh tế xã hội, giá cả thị trường, cải cách hành chính, chuyển đổi số…
Hôm nay 8/12, các đại biểu sẽ chất vấn liên quan đến tình hình kinh tế xã hội, giá cả thị trường, cải cách hành chính, chuyển đổi số…

Đối với văn hóa, xã hội, các đại biểu đề nghị TPHCM cần quan tâm đầu tư các công trình văn hóa mang tính biểu tượng. Đồng thời, quan tâm rà soát chặt chẽ việc đặt đổi tên đường. Cần sắp xếp kho dữ liệu tên đường giao thông của thành phố đầy đủ và có tiêu chí cụ thể, nên chia ra 3 phần là: tên danh nhân, tên anh hùng liệt sĩ trong sự nghiệp bảo vệ tổ quốc và tên địa danh lịch sử; căn cứ vào bề rộng của mặt đường để đặt tên cho phù hợp.

Cần tăng cường quản lý đối với việc tổ chức các lễ hội, phục hồi nguyên trạng khu vực tổ chức lễ hội, không để ảnh hưởng đến cây cối, hiện vật, không để tồn đọng rác thải. Quan tâm, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, chồng chéo trong các quy định pháp luật về quảng cáo đối với luật quảng cáo, luật giao thông đường bộ, luật xây dựng, luật đất đai để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong hoạt động quảng cáo trên địa bàn. Sớm ban hành quy chế phối hợp quản lý hoạt động quảng cáo và phê duyệt quy hoạch quảng cáo.

Trước phản ánh cử tri liên quan về các dự án, quy hoạch kéo dài nhiều năm, đại biểu HĐND đề nghị TPHCM khi thực hiện quy hoạch cần quan tâm đến quy hoạch tổng thể. Trong đó quan tâm giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa nhà nước và người dân liên quan công tác bồi thường, tái định cư; đầu tư hạ tầng giao thông, có giải pháp giải quyết tình trạng kẹt xe, ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố.

Thành phố cần có giải pháp quyết liệt để thực hiện, giải quyết các vướng mắc đối với các dự án chậm triển khai hoặc mạnh dạn thu hồi để bảo vệ quyền và lợi ích của người dân.

Tuyết Dân - Sơn Vinh

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI