PNO - TP.HCM còn lưu kho nhiều cổ vật rất giá trị nhưng điều kiện quản lý, bảo quản còn hạn chế, ít nhiều ảnh hưởng giá trị cổ vật đang lưu trữ. Mãi đến năm 2018, UBND TP.HCM mới có quyết định tiêu chí công trình cổ.
Ngày 8/12, kỳ họp thứ 17 HĐND TP.HCM khóa IX tiếp tục buổi làm việc thứ hai với nội dung thảo luận, cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát công tác bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị của HĐND TP.HCM.
Các di tích được xếp hạng của Q.5 (TP.HCM) lặng lẽ “nhiệt liệt chào mừng kỷ niệm ngày Di sản văn hóa Việt Nam lần thứ XIV (23/11/2005-23/11/2019) trong hiu quạnh - Ảnh: Quốc Ngọc
Đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo tồn
Đánh giá cao báo cáo kết quả giám sát, nhưng đại biểu Tô Thị Bích Châu - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM - cho rằng, bà chưa thấy có sự quyết liệt trong công tác bảo tồn di sản. Bà đề nghị quan tâm ba vấn đề cụ thể: căn nhà mà cụ Vương Hồng Sển đã giao lại cho UBND TP.HCM quản lý gồm ngôi nhà cổ và các cổ vật mà ông đã cất công sưu tầm, gìn giữ; các tư liệu về biển đảo của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu; đình Nam Tiến (P.6, Q.4, TP.HCM) - nơi thờ cá ông có sắc phong của vua Minh Mạng - vẫn bị bỏ ngỏ gần 30 năm nay.
Đồng tình với bà Châu, đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê - Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM - nhận xét, bây giờ, HĐND TP.HCM đưa vấn đề bảo tồn di sản ra không hẳn là muộn. “Trong thời gian qua, có thể nói, chúng ta gần như buông trôi, trong đó có phần di sản của học giả Vương Hồng Sển, Nguyễn Đình Đầu và di sản âm nhạc dân tộc của giáo sư Trần Văn Khê. Dù có sự quan tâm, chỉ đạo nhưng đã có giai đoạn, chúng ta khá lúng túng và khiến sự hiểu biết của xã hội về di sản chưa đậm nét. Sở dĩ nói như vậy vì tôi đánh giá rất cao nội hàm vấn đề mà báo cáo giám sát đề cập” - ông Khuê nói.
Ông đề nghị cần đề cập đến vai trò của Hội Di sản TP.HCM trong nghị quyết về bảo tồn di sản bởi đây là một trong những tổ chức hội mà ngành chức năng cần tham vấn về cảnh quan kiến trúc đô thị, bảo vệ di sản. “TP.HCM khá phong phú về bảo tàng và khá giàu về cổ vật, nhưng rất tiếc, do sự hiểu biết hạn chế và quản lý chưa đi vào nền nếp nên dư luận hết sức xót xa với cách hành xử đối với những báu vật không chỉ của TP.HCM mà còn cả quốc gia” - ông đánh giá.
Theo ông Khuê, di sản và kiến trúc đô thị là phần hồn của thành phố. Không có xưa thì không có nay. Ông nhận định: “Nếu chúng ta nhìn vào di sản và kiến trúc đô thị như một sự lạc hậu cần phá dỡ thì chúng ta đang đánh mất chính chúng ta với một lịch sử hình thành, phát triển rực rỡ của Sài Gòn - TP.HCM”. Ông đề nghị, cần có sự xã hội hóa bảo tồn di sản bên cạnh nguồn kinh phí ngân sách. Ông lưu ý, TP.HCM còn lưu kho nhiều cổ vật rất giá trị nhưng điều kiện để quản lý, bảo quản còn nhiều hạn chế, ít nhiều ảnh hưởng giá trị cổ vật đang lưu trữ.
Vướng tranh chấp tư nhân
Trả lời ý kiến các đại biểu, ông Huỳnh Thanh Nhân - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM - cho rằng, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa di sản song song với phát triển kinh tế là việc cần làm. Liên quan đến nhà cụ Vương Hồng Sển, ông nói đây là “một câu chuyện khá dài” và hiện đang chờ tòa án giải quyết về mặt pháp lý. Khi qua đời, cụ Sển có di chúc hiến di sản cho thành phố nhưng xảy ra sự tranh chấp của gia đình. Sở sẽ có báo cáo bằng văn bản cho HĐND TP.HCM về vụ việc này.
Theo ông Nhân, đình Nam Tiến không nằm trong danh mục kiểm kê, nhưng các nhà nghiên cứu khuyên nên bảo tồn đình này: “Chúng tôi rất băn khoăn giữa ý kiến của Hội Di sản, Hội Khoa học lịch sử muốn bảo tồn và đề xuất của UBND Q.4 chuyển thành trường mầm non. Tôi nghĩ, cần phải lấy thêm ý kiến của nhân dân tại cộng đồng dân cư”.
Theo đại biểu Lê Minh Đức, qua giám sát, các địa phương có các công trình kiến trúc cổ rất nhiều, đặc biệt là biệt thự cổ, nhưng việc thẩm định để phân loại rất chậm, gây khó khăn cho UBND các quận, huyện trong quy hoạch, cấp phép sửa chữa cho người dân. Đây là một trong những vấn đề mà cử tri tại các địa phương có biệt thự cổ rất bức xúc.
Ông Nguyễn Thanh Nhã - Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP.HCM - cho rằng, công tác gìn giữ và bảo tồn các loại biệt thự cổ là rất cần thiết, gắn với sắc thái của đô thị TP.HCM. Công tác kiểm kê công trình cổ được sở thực hiện theo đúng các phương pháp của chuyên gia quốc tế và thông qua hội đồng khoa học nhưng việc đánh giá, kiểm kê gặp sự không hợp tác của chủ công trình, điều kiện để khảo sát kiểm kê không đầy đủ do công trình bị cây xanh, nhà dân, bảng quảng cáo chèn ép.
Trong 1.227 biệt thự đưa vào danh sách để kiểm kê thì có đến 560 biệt thự đã không còn hoặc xuống cấp, bị chia cắt hoặc che lấp, thậm chí có biệt thự đã được cấp sổ sở hữu. Ngoài ra, theo ông Nhã, trên thực tế, còn khá nhiều công trình phát sinh thêm ngoài danh sách này. Thêm vào đó, mãi đến năm 2018, UBND TP.HCM mới có quyết định về ban hành tiêu chí về công trình cổ.
Cuối ngày làm việc thứ hai, các đại biểu đã nhất trí thông qua nghị quyết về bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị của HĐND TP.HCM, trong đó yêu cầu UBND TP.HCM tập trung đối với công tác bảo tồn di sản, đặc biệt quan tâm và khẩn trương đưa các công trình có giá trị văn hóa, lịch sử, nghệ thuật vào danh mục xếp hạng di tích; lập hồ sơ lý lịch khoa học đối với các công trình, địa điểm trong danh mục kiểm kê di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; ban hành các chính sách, quy định bảo tồn và phát huy giá trị phù hợp đối với từng loại công trình, địa điểm; bố trí nguồn ngân sách thỏa đáng, kịp thời cho công tác tôn tạo, bảo tồn di tích; cải thiện thủ tục, tạo thuận lợi cho việc xã hội hóa; tăng cường công tác bồi dưỡng, đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, thuyết minh viên ở các di tích theo hướng chuyên sâu, chất lượng và đẩy mạnh quảng bá hình ảnh các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh được công bố công nhận, xếp hạng; xem di sản là một yếu tố quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế, từ đó đưa ra giải pháp khai thác có hiệu quả; thiết lập giải thưởng kiến trúc di sản nhằm vinh danh các nỗ lực bảo tồn và vinh danh các chủ sở hữu, các chuyên gia và các nhà thầu bảo tồn trùng tu xuất sắc các công trình...
Trong ngày 9/12, các đại biểu sẽ chất vấn Giám đốc Công an TP.HCM về tình hình an ninh trật tự và Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM về lĩnh vực đất đai, môi trường. Kỳ họp sẽ bế mạc trong chiều 9/12.