Giải quyết mối trăn trở về giao thông của Hà Nội

10/11/2023 - 19:08

PNO - ĐBQH cho rằng, dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) phải giải quyết được nỗi trăn trở của Hà Nội là dân số quá tải, hạ tầng giao thông eo hẹp.

 

Dân số quá tải, hạ tầng giao thông quá eo hẹp là nỗi trăn trở của Hà Nội
Dân số quá tải, hạ tầng giao thông quá eo hẹp là nỗi trăn trở của Hà Nội

Ủng hộ cắt điện nước nếu doanh nghiệp vi phạm

Chiều 10/11, phát biểu tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), ĐBQH Văn Thị Bạch Tuyết (TPHCM) ủng hộ sự cần thiết ban hành dự luật. Trong đó, ĐBQH đồng tình với đề xuất của Hà Nội về việc cắt điện, nước để ngăn chặn các hành vi vi phạm.

ĐBQH Văn Thị Bạch Tuyết cho hay, khi sửa Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi), ĐBQH TPHCM đã có nhiều ý kiến đề nghị ngừng cung cấp điện, nước khi doanh nghiệp vi phạm không thực hiện quyết định hành chính. Tuy nhiên, thời điểm đó, nhiều ĐBQH cho rằng việc này ảnh hưởng đến quyền con người.

ĐBQH Văn Thị Bạch Tuyết lý giải, việc ngừng cung cấp điện là để không xảy ra tình trạng vi phạm của doanh nghiệp chứ không phải ngừng cung cấp điện cho hộ dân. Do đó, cần biện pháp mạnh tay này để các doanh nghiệp không chây ì trong việc thực hiện quyết định xử phạt hành chính.

Góp ý vào dự thảo luật, ĐBQH Nguyễn Thị Hồng Hạnh (TPHCM) băn khoăn, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định mô hình tổ chức thành phố trong thành phố, giống như của TPHCM. Tuy nhiên, bà đánh giá, “quyền năng” của mô hình này còn khá mờ nhạt. Các quy định tại dự thảo luật chủ yếu liên quan đến tổ chức bộ máy.

“Báo cáo thẩm tra dự án cho rằng, mô hình này chưa có ở Hà Nội nên cần có thời gian, nhưng tôi nghĩ rằng, thể chế cần đi trước một bước” - ĐBQH Nguyễn Thị Hồng Hạnh nhấn mạnh.

Theo ĐBQH, TPHCM đã có mô hình tương tự là TP Thủ Đức nằm trong TPHCM. Đây là mô hình đi trước, có nhiều kết quả song cũng còn các tồn tại, hạn chế liên quan tới vấn đề thể chế. Do đó, ĐBQH mong cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu thêm, phân cấp mạnh hơn cho chính quyền thành phố nằm trong thành phố để khi hiện thực hóa sẽ đạt được hiệu quả.

Giải quyết mối trăn trở về giao thông

ĐBQH Nguyễn Minh Đức cho rằng, dự án Luật Thủ đô cần phải có nhiều chính sách đặc thù hơn, không chỉ xoay quanh tổ chức bộ máy, chính quyền đô thị...
ĐBQH Nguyễn Minh Đức cho rằng, dự án Luật Thủ đô cần phải có nhiều chính sách đặc thù hơn, không chỉ xoay quanh tổ chức bộ máy, chính quyền đô thị...

ĐBQH Nguyễn Minh Đức (TPHCM) đặc biệt quan tâm tới việc dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ xử lý như thế nào với hàng loạt tồn đọng, vướng mắc trong giao thông của Hà Nội. ĐBQH chỉ ra, đây là nỗi trăn trở của thành phố khi dân số quá tải, hạ tầng giao thông quá eo hẹp.

Ông cho rằng, với cơ chế trong luật này, Hà Nội phải bứt phá được, cụ thể hóa bằng các nghị quyết. Theo đó, phải đánh giá được thực trạng của giao thông thủ đô và gắn với các quy định đặc thù mới có thể cải thiện và phát triển được.

“Chúng ta phải hướng tới xây dựng Thủ đô như các nước là đưa dân vào các khu đô thị, dành đất cho công viên cây xanh, khu vui chơi giải trí… Như vậy mới phát triển được” - ĐBQH Nguyễn Minh Đức nói.

Liên quan tới vấn đề quy hoạch, ĐBQH Nguyễn Minh Đức đề nghị ban soạn thảo lưu ý tới Luật Quy hoạch và dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đang trình Quốc hội để đảm bảo tính thống nhất, nếu không ngay cả khi Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua, cũng không thể giải quyết được. Ông chỉ ra, phải phân loại đất ở Thủ đô. Ví dụ như toàn bộ khu vực đất ngoài bờ đê sông Hồng, hiện nay tính pháp lý ra sao, phải làm rõ các vấn đề này.

“Sau khi phân loại, đánh giá thực trạng các loại đất, Hà Nội cần xin cơ chế đặc thù rất rõ và đưa vào dự án Luật, như vậy mới có thể giải quyết được” - ĐBQH Nguyễn Minh Đức nêu.

Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng đang có nhiều chính sách để phát triển văn hóa, thể thao với nhiều mục tiêu lớn. Trong đó, điều 23 của dự thảo luật chủ yếu tập trung phát triển thể thao thành tích cao, xây dựng khu thể thao thành tích cao cho các vận động viên tập luyện.

ĐBQH Nguyễn Minh Đức chia sẻ quan điểm, đây chỉ là một mặt trong ưu tiên phát triển thể thao, văn hóa. Dự thảo Luật cần có nhiều chính sách để cho 10 triệu người dân thủ đô có thể thụ hưởng: “Cả khu chung cư người dân chỉ mong có hành lang nội bộ để đi bộ mà không có. Nhiều trường học không có đất xây dựng bể bơi, sân điền kinh… Cần quy định cụ thể trong dự luật để có hành lang pháp lý, tất cả công dân của Thủ đô có điều kiện, môi trường để nâng cao thể chất”.

Ngoài ra, ĐBQH còn nêu lên một loạt các vấn đề cần quan tâm để giải quyết trong dự án Luật sửa đổi như công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân, liên kết phát triển vùng thủ đô, phát triển khoa học kỹ thuật - công nghệ số….

Đây là những vấn đề cần nghiên cứu “thật chín” để thể chế hóa cụ thể trong dự án luật. Nếu chỉ “loanh quanh” ở tổ chức bộ máy, mô hình chính quyền đô thị… thì giống như các tỉnh, thành phố đang được áp dụng chính sách đặc thù. Như vậy, chưa thể giải quyết hết các vấn đề để phát triển Thủ đô của cả nước.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI