Đại biểu đề xuất nhiều giải pháp xây dựng đất nước, chăm lo cho nhân dân

29/01/2021 - 11:43

PNO - Các đại biểu từ các tỉnh, thành phố, đã mang đến Đại hội rất nhiều kiến nghị, giải pháp phát triển đất nước nhanh, bền vững, vì sự phát triển con người.

Trong những ngày làm việc vừa qua của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, đã có 36 tham luận của các đại biểu đóng góp, đầy tâm huyết và trách nhiệm vào các dự thảo Văn kiện với nhiều giải pháp rất cụ thể.

Cần cơ chế đặc thù để xây dựng đô thị thông minh

Nói về "Phát triển kinh tế tri thức, kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn từ TPHCM”, đại biểu Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TPHCM đã mang đến cho đại hội nội dung tham luận về đổi mới cơ chế, chính sách, tạo lập một khuôn khổ pháp lý mới phù hợp với sự phát triển nền kinh tế tri thức. Xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế tri thức giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045.

Chiến lược cần đánh giá đúng thực trạng, xác định rõ quan điểm phát triển kinh tế tri thức, chỉ rõ mô hình, mục tiêu, khâu đột phá và định hướng phát triển kinh tế tri thức, đồng thời tổ chức thực hiện có hiệu quả các nội dung đề ra.

Trong Chiến lược cần xác định và triển khai lộ trình, bước đi và giải pháp thích hợp, xác định rõ những khâu, những bước đột phá, không dàn trải; trước mắt ưu tiên phát triển kinh tế tri thức tại các ngành ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, các đô thị lớn, các vùng kinh tế trọng điểm để tạo nền tảng, lan tỏa đến các ngành, địa phương khác.

Ngoài ra, Chiến lược cần nhấn mạnh khâu phân tích, tổng hợp kết quả đạt được định kỳ hàng năm để đánh giá rút kinh nghiệm, điều chỉnh kịp thời các định hướng, giải pháp phù hợp xu hướng phát triển kinh tế toàn cầu.

Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội
Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội phát biểu tham luận

Với tham luận: "Xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội văn minh, hiện đại hóa, xứng đáng là trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế  và giao dịch quốc tế", đại biểu Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội trăn trở: “Hà Nội vừa được Quốc hội đồng ý về cơ chế thí điểm quản lý hành chính theo mô hình chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính đặc thù, tăng cường tính chủ động, nâng cao năng lực giải trình của chính quyền trong xử lý công việc. Thành phố cũng có quy mô dân số lớn, lực lượng lao động chất lượng cao... Tuy nhiên, nhiều vấn đề phức tạp, vướng mắc nảy sinh trong quá trình phát triển chưa được giải quyết căn cơ. Năng lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của một số cấp ủy, chính quyền, cơ quan, cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu; Thủ đô luôn phải đối mặt với các nguy cơ lây nhiễm COVID-19 rất cao...”.

Phát triển kinh tế vùng: Hướng đi đúng 

Theo Văn kiện trình Đại hội, trong nhiệm kỳ tới, Đảng ta xác định sẽ nghiên cứu phân vùng phù hợp, nâng cao chất lượng quy hoạch vùng theo hướng tích hợp, đa ngành; khai thác tốt hơn và phát huy tốt nhất các lợi thế của mỗi vùng về kết cấu hạ tầng, điều kiện tự nhiên, vị trí địa kinh tế - chính trị, nguồn nhân lực và tăng cường tính liên kết nội vùng và liên vùng để tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, tạo không gian phát triển mới. Hoàn thiện thể chế và hệ thống pháp lý về vùng; nghiên cứu hệ thống luật pháp quy định về chính quyền địa phương phù hợp. Nghiên cứu, ban hành quy chế phối hợp điều hành các vùng, liên vùng; xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù thúc đẩy phát triển vùng, liên kết vùng...

Đồng tình về chủ trương này, nhưng để Đại hội có một cái nhìn toàn diện hơn về việc quy hoạch vùng, nhất là ở khu vực Đồng Bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đại biểu Lê Quang Mạnh, Bí thư Thành ủy Cần Thơ tham luận về vấn đề "Xây dựng Cần Thơ trở thành trung tâm khoa học- công nghệ về nông nghiệp của quốc gia và khu vực" chỉ rõ: "Nông nghiệp của ĐBSCL liên tục đóng góp vai trò khá quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của Vùng và cả nước, nhiều lần thực hiện được vai trò là trụ đỡ khi nền kinh tế gặp khó khăn. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay thì nông nghiệp ĐBSCL đang đối mặt với rất nhiều thách thức, khó khăn, dẫn đến tỷ trọng đóng góp của ĐBSCL vào GDP cả nước ngày càng suy giảm, từ 27% (năm 1990) xuống còn 18% (năm 2020). An ninh lương thực và thực phẩm đòi hỏi ngành nông nghiệp phát triển theo định hướng tăng năng suất và sản lượng; do vậy, chậm chuyển dịch sang các ngành có hiệu quả kinh tế cao hơn. Bên cạnh đó, các chính sách cho phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, sản xuất theo hướng chất lượng và bền vững,… nhất là chính sách cho người sản xuất còn nhiều bất cập, thậm chí làm cho ĐBSCL bị rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan”.

Bí thư Thành ủy Cần Thơ Lê Quang Mạnh
Bí thư Thành ủy Cần Thơ Lê Quang Mạnh

Ông nói, bên cạnh các “bất cập” trên, ĐBSCL lại đang rơi vào thách thức mới đó là bị tác động lớn của biến đổi khí hậu.

Bí thư Thành ủy Cần Thơ cho rằng, như vậy, các lợi thế về điều kiện tự nhiên của Vùng sẽ thay đổi, ngành nông nghiệp được dự báo sẽ bị tác động nhiều nhất, hệ thống sản xuất và thế mạnh của ngành nông nghiệp phải được điều chỉnh tương thích với tác động của biến đổi khí hậu và kịp thời có giải pháp thích ứng để phát triển bền vững.

Không chỉ ĐBSCL, khu vực Tây nguyên, Trung Bộ cũng đối diện không ít khó khăn. Trong tham luận về vấn đề "Đầu tư phát triển, tạo chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số", đại biểu A Pớt, Phó Bí thư thường trực tỉnh ủy Kon Tum cho biết: “Đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, nhất là ở các thôn đặc biệt khó khăn; kết cấu hạ tầng tuy được chú trọng đầu tư nhưng còn thiếu và chưa đồng bộ; nhu cầu về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, việc sắp xếp, bố trí ổn định dân cư, nhất là khu vực có đông đồng bào dân tộc thiểu số còn cao; kinh tế tập trung vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp còn hạn chế; người dân chưa phát huy được tiềm năng, thế mạnh là vùng có rừng và đất rừng để phát triển kinh tế, cải thiện đời sống; việc làm, lao động còn mang tính thời vụ, thu nhập thực tế thấp; kết quả giảm nghèo chưa thật sự bền vững, tỷ lệ hộ tái nghèo còn cao; việc triển khai thực hiện một số chương trình, chính sách dân tộc giai đoạn 2016-2020 còn có những khó khăn, bất cập; chuyển biến về nhận thức, tư tưởng của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số còn chậm”.

Đại biểu A Pớt- Phó Bí thự Thường trực tỉnh ủy KonTum trình bày nhữ khó khăn mà Kon Tum đang đối diện trên hành trình phát triển
Đại biểu A Pớt- Phó Bí thự Thường trực tỉnh ủy KonTum trình bày những khó khăn mà Kon Tum đang đối diện trên hành trình phát triển

Theo ông, để thật sự tạo động lực cho kinh tế nông thôn, miền núi phát triển, việc quy hoạch từng vùng nông thôn như Đại hội đề ra lần này cần đề ra những chính sách nhằm tập trung triển khai đồng bộ và huy động tối đa các nguồn lực đầu tư để lồng ghép thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nghiên cứu, đề xuất có chính sách miễn, giảm tiền sử dụng đất đối với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số khi buộc phải giao đất ở.

Đồng tình với những đề xuất này, trong tham luận "Phát triển nông nghiệp đa dạng ở tỉnh Bắc Giang dựa trên điều kiện đặc thù của vùng trung du-miền núi”, đại biểu Dương Văn Thái, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang cho rằng mỗi vùng miền có một đặc thù nên việc  quy hoạch vùng nhất thiết phải thật bài bản, khoa học.

Kết nối nguồn lực “Lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”

Trước những thực trạng trên, đại biểu Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh cho rằng, để thực hiện các đột phá chiến lược về đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là phát triển hạ tầng giao thông chiến lược đồng bộ, hiện đại, bảo đảm liên thông tổng thể, thúc đẩy kết nối vùng, liên vùng, nội vùngVới quan điểm “Giao thông đi trước một bước”, đổi mới phương thức huy động, khơi thông, kết nối nguồn lực “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, tiết kiệm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển gắn với tái cơ cấu đầu tư công hằng năm đều đạt trên 53% tổng chi ngân sách địa phương và kiên trì thực hiện có hiệu quả đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), trung bình cứ 1 đồng ngân sách bỏ ra huy động được 8 - 9 đồng vốn ngoài ngân sách tham gia đầu tư vào Quảng Ninh.

Ông Phan Văn Mãi kiến nghị nhiều giải pháo cho phát triển nền kinh tế bền vững.
Ông Phan Văn Mãi kiến nghị nhiều giải pháo cho phát triển nền kinh tế bền vững.

Đại biểu Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương cần xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển toàn diện cơ sở hạ tầng cho vùng ĐBSCL như: hạ tầng thủy lợi - cấp nước, giao thông - logistics, năng lượng, hạ tầng số,... Đặc biệt, đề nghị có cơ chế đầu tư phát triển tuyến động lực ven biển nối TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng ĐBSCL (qua Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang), phát triển hành lang kinh tế ven biển, gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh và thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Diễm Chi

 
TIN MỚI