Đại biểu đề xuất để người dân chấm điểm các trường mầm non

05/12/2017 - 10:15

PNO - Bà Tô Thị Bích Châu băn khoăn làm sao người dân biết được trên một địa bàn quận huyện có bao nhiêu nhà trẻ, bao nhiêu trường mầm non là công lập, dân lập, tư thục để người dân tham gia?

Sáng 5/12, tại ngày làm việc thứ 2 của kỳ họp HĐND TP.HCM khóa 9, các đại biểu thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội năm 2017 và nhiệm vụ giải pháp năm 2018.

Đại biểu Cao Thanh Bình, Phó ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP, nêu vấn đề khai thác sử dụng nhà đất thuộc sở hữu nhà nước.

Ông Bình cho hay vấn đề này rất được người dân quan tâm do hiện nay số lượng dự án được thống kê xử lý lên tới hơn 12.800 địa chỉ với hơn 244 triệu m2.

Hiện TP đã bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhà ở cho 625 địa chỉ và thu hồi được hơn 10.700 tỉ đồng cho ngân sách góp phần đầu tư kinh tế, xã hội ở TP.

Dai bieu de xuat de nguoi dan cham diem cac truong mam non
ĐB Cao Thanh Bình nêu ý kiến tại Hội trường

Tuy nhiên, ông  Bình nêu qua việc đi kiểm tra, giám sát có thể thấy số lượng nhà đất thuộc sở hữu nhà nước ở TP rất lớn, trải qua nhiều thời kì khác nhau nhưng quản lý bị buông lỏng, hồ sơ không đầy đủ, có một số vị trí nhà đất đang tranh chấp… gây khó khăn cho việc quản lý.

“Tình trạng liên doanh, liên kết, nhà đất chưa kê khai theo quyết định 09 dẫn tới bị các hộ dân xung quanh lấn chiếm”, ông Bình nói.

Theo ông Bình, một số đề xuất phương án xử lý chưa phù hợp, chưa gắn với quy định hiện hành. Mức giá cho thuê nhà đất thuộc sở hữu nhà nước mỗi nơi còn khác nhau như Thủ Đức cho thuê theo giá thị trường nhưng Tân Bình cho thuê với giá được áp dụng hàng chục năm trước và không phù hợp với thực tế.

“Nếu như trong thời gian tới không tập trung các giải pháp, đồng bộ cách quản lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước thì sẽ dẫn tới lãng phí rất lớn”, ông Bình nhấn mạnh.

Trong khi đó, đại biểu Tô Thị Bích Châu cho rằng, phân cấp phân quyền phải làm ngay trong quý 1, "phải làm ngay những cái gì có lợi cho người dân nhất".

“Hiện nay xã hội hóa mà người dân tham gia trong lĩnh vực giáo dục rất lớn, nhà nước cũng không thể nào ôm hết mà phải tạo cơ chế để chia sẻ với người dân, nhất là trong lĩnh vực mầm non. Không thể vì khó mà đẩy hết cho nhà nước mà phải tạo cơ chế để chia sẻ.

Trong việc xây dựng đô thị thông minh, làm sao để người dân biết được trên một địa bàn quận huyện có bao nhiêu nhà trẻ, bao nhiêu trường mầm non là công lập và dân lập, tư thục để người dân tham gia. Về quản lý trên địa bàn, làm sao biết chất lượng từng trường. Tôi cho rằng nên thí điểm ở một số quận mà dân nhập cư đông để người dân có thể chọn lựa tham gia”- bà Châu đề nghị.

Dai bieu de xuat de nguoi dan cham diem cac truong mam non
ĐB Tô Thị Bích Châu đề nghị cần để người dân giám sát chất lượng trường mầm non

Bà Châu lấy dẫn chứng, "ví dụ trường mầm non này chất lượng 5 điểm, trường kia 6 điểm. Dựa trên số điểm đánh giá này thì người dân lựa chọn và đi giám sát. Từ đó mời gọi được tham gia xã hội hóa. Tránh chuyện quản lý không chặt chẽ mới có câu chuyện xảy ra một Mầm Xanh như thời gian qua".

Đại biểu Tố Trâm cho rằng: "Phòng khám bác sỹ Trung Quốc tôi đã nói ở các kỳ họp trước nhưng vẫn không có biến chuyển, vẫn trong vòng luẩn quẩn, vậy làm sao có giải pháp căn cơ? Làm sao giải quyết được dứt điểm vấn đề này?".

Bà Trâm nói tình trạng ngáo đá vẫn thường xuyên xảy ra, thậm chí đến mức báo động nhưng "chúng ta chưa có biện pháp nào xử lý hiệu quả, chúng ta nên xem lại nghiên cứu hoàn thiện cơ chế chính sách? Có biện pháp nào không?".

Về hàng loạt công trình giao thông mới đưa vào sử dụng đã bị xuống cấp nhanh chóng, bà Trâm đặt câu hỏi do vấn đề thi công hay năng lực nhà thầu kém?

Quỳnh Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI