Đại biểu đề nghị chưa nhận diện quốc hoa, quốc phục hạn chế quảng bá bản sắc Việt

05/06/2024 - 17:37

PNO - ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh cho rằng, thiếu bộ nhận diện quốc hoa, quốc phục, quốc cầm... đã phần nào hạn chế việc quảng bá bản sắc Việt Nam ra thế giới.

ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh nhiều lần mặc áo dài lên nghị trường quốc hội với trăn trở về việc giữ gìn bản sắc văn hóa Việt
ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh nhiều lần mặc áo dài lên nghị trường Quốc hội với trăn trở về việc giữ gìn bản sắc văn hóa Việt

Chiều 5/6, chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TTDL), ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) dẫn trả lời của Bộ trưởng về việc “du lịch cũng cần tiếp thu văn minh nhân loại”.

ĐBQH nêu, Việt Nam có bộ nhận diện du lịch Việt Nam như du lịch biển, đảo… Tuy nhiên du lịch biển, đảo cũng chỉ là một dòng sản phẩm du lịch. Trong khi đó, ở quy mô quốc gia, chúng ta chưa có bộ nhận diện bản sắc Việt Nam.

Theo ĐB Nguyễn Văn Cảnh, khách quốc tế ít quay lại với du lịch Việt Nam là vì chúng ta chưa làm rõ bản sắc Việt Nam để đọng lại trong lòng du khách: “Chúng ta tự hào về bản sắc 54 dân tộc trên 63 tỉnh, thành nhưng khách quốc tế rất khó nhớ”.

Ông dẫn dụ cách làm bộ nhận diện du lịch của Nhật Bản khi quốc gia này được nhớ tới với kimono, sushi, núi Phú Sĩ, trà đạo, cách chào hỏi... Quốc hoa của Nhật Bản là hoa cúc.

“Du lịch Việt Nam có thể để lại ấn tượng với khách quốc tế bởi áo dài, phở, đàn bầu, múa rối nước, hang Sơn Đoòng... Nhưng tới nay, không có đơn vị nào duyệt quốc hoa, quốc phục, quốc tửu, quốc cầm... Điều này phần nào hạn chế việc quảng cáo bản sắc Việt Nam ra thế giới” - ĐB phân tích.

ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh đề nghị Bộ trưởng nêu rõ quan điểm về việc xây dựng bộ nhận diện bản sắc Việt Nam, góp phần hồi phục du lịch những năm tiếp theo.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, việc xây dựng thương hiệu Việt Nam trong các lĩnh vực văn hóa, công thương, du lịch... đều rất quan trọng. Tuy nhiên, rà soát lại cơ sở pháp lý chưa có quy định liên quan, đây là một khoảng trống.

Ông thông tin: “Năm 2011, Chính phủ giao cho Bộ VH-TTDL nhận diện quốc hoa, sau đó đã lựa chọn hoa sen. Sau khi trình lên, không ai có quyền ký công nhận bởi không có trong quy định. Tương tự với quốc phục, chúng ta cũng đã nghiên cứu nhưng khi làm cũng khó khăn nên dừng lại”.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chia sẻ với ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh vì sự trăn trở của ông. Tại nghị trường Quốc hội, ĐBQH tỉnh Bình Định đã nhiều lần mặc áo dài truyền thống với mong muốn giữ gìn, lan tỏa bản sắc văn hóa Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ VH-TTDL tha thiết đề nghị Quốc hội làm rõ khoảng trống pháp lý này; bổ sung quy định để địa phương, bộ ngành nào được thẩm quyền công nhận bộ nhận diện bản sắc văn hóa Việt Nam. Bởi theo ông, nếu nhận diện ra nhưng không được công nhận thì cũng không giải quyết được vấn đề. Bởi sau khi nhận diện, giống như với thương hiệu gạo Việt, cách công nhận thế nào, việc đăng ký bản quyền ra sao không phải là vấn đề đơn giản.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI