edf40wrjww2tblPage:Content
Chất vấn “nóng”, trả lời “nguội”
Các đại biểu (ĐB) đặc biệt quan tâm đến tình trạng ô nhiễm môi trường và nhiều dự án “treo” đang tồn tại nhiều nơi ở TP. Theo ĐB Nguyễn Văn Lâm, nhiều người dân ở khu phố 4 và 5, P.Đông Hưng Thuận, Q.12 phản ánh tình trạng ô nhiễm do các cơ sở sản xuất gây ra rất nghiêm trọng. Qua giám sát cho thấy, khu vực này có nhiều cơ sở dệt, nhuộm, sản xuất giấy… nước thải rất hôi, nhiều màu, xả thẳng ra kênh Tham Lương. Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm.
ĐB Võ Văn Tân phản ánh, tại xã Phạm Văn Cội (huyện Củ Chi) có Công ty cổ phần phân bón Sinh Hóa gây ô nhiễm nghiêm trọng nhiều năm qua, UBND TP đã chỉ đạo xử lý nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn không chấm dứt. “Nếu không di dời công ty được thì phải di dời dân. Cái này Sở phải nói rõ cho dân biết, để hoài làm sao dân chịu được?” - ông Tân bức xúc. Cũng theo ông Tân, người dân ở xã Thái Mỹ (huyện Củ Chi) đang phải chịu ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng do Khu công nghiệp Trảng Bàng (Tây Ninh) gây ra. Sở Tài nguyên môi trường (TNMT) có biết vấn đề này không và có giải pháp gì không?
Ông Đào Anh Kiệt - Giám đốc Sở TNMT TP kể lể quá trình thực hiện chương trình di dời các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng ra khỏi khu dân cư từ bốn năm trước, cuối cùng kết luận chung chung: “Việc ô nhiễm tại khu phố 4 và 5, P.Đông Hưng Thuận, Q.12, Sở đã tăng cường thanh tra, xử lý nóng vấn đề này”(!?).
Theo Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm, ngành cấp nước chưa quan tâm đến người dân khu vực ngoại thành
Phó Chủ tịch UBND TP Lê Mạnh Hà ngán ngẩm: “Vụ này làm tôi nhớ đến vụ Hào Dương. Cũng vì các đơn vị giải quyết không kiên quyết mới dẫn đến ô nhiễm kéo dài. Đến khi UBND TP bắt tay vào làm mới giải quyết dứt điểm”. Ông Hà đề nghị UBND Q.12 trả lời vụ việc. Ông Nguyễn Toàn Thắng - Chủ tịch UBND Q.12 cho biết: “Hiện quận đã lập danh sách các cơ sở gây ô nhiễm và thông báo cho các doanh nghiệp (DN) nếu tiếp tục gây ô nhiễm sẽ phạt nặng, có thể thu hồi giấy phép vĩnh viễn. Tuy nhiên, biện pháp hiệu quả nhất là di dời đến nơi khác. Hiện quận đang phối hợp với tỉnh Tây Ninh để di dời các DN, đã triển khai xong với các DN”.
Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm tiếp tục thắc mắc: “Tôi chưa hình dung ra cái xong ở đây là xong cái gì?”. Dù ông Thắng đáp ngay: “Là tất cả các DN đều biết sự kiên quyết của chính quyền, nếu không thực hiện có thể bị truy thu giấy phép vĩnh viễn”, nhưng xem ra câu trả lời này chưa làm các ĐB hài lòng. Trả lời chất vấn của ĐB Tân về vấn đề ô nhiễm tại xã Phạm Văn Cội, ông Kiệt lúng túng: “Sở vẫn chưa nắm chắc. Chúng tôi sẽ kiểm tra lại và có trả lời sau”.
Với tình trạng ô nhiễm ở xã Thái Mỹ, ông Kiệt nói: “Sở đã lập tổ kiểm tra liên ngành với tỉnh bạn, đã đo đạc quan trắc, kết quả cho thấy an toàn”. Ông Tân truy tiếp: “Giám đốc Sở nói đã kiểm tra và có quan trắc chỉ số an toàn, nhưng hiện kênh Thầy Cai nước vẫn đen, vẫn hôi thối là sao?”. Ông Kiệt ấp úng: “Có lẽ một số DN xả lén. Chúng tôi sẽ kiểm tra và đề xuất xử lý các DN này”.
Liên quan đến vấn đề các dự án “treo”, ĐB Thi Thị Tuyết Nhung đặt vấn đề: “Hiện ở TP có rất nhiều dự án đã thực hiện nhiều năm nhưng công tác giải tỏa, bồi thường chưa tới 50% hoặc khoảng từ 50 - 80% khiến dự án bị “ngâm” kéo dài. Thậm chí, có dự án thu hồi đất xong 100% vẫn để đó, không triển khai thực hiện. Những dự án này vừa gây lãng phí đất vừa ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, những sở, ngành được giao xử lý vấn đề này đang có biện pháp gì để giải quyết?".
ĐB Triệu Đỗ Hồng Phúc tiếp: Tại huyện Cần Giờ có dự án khu du lịch lấn biển Cần Giờ được giao cho Tổng công ty du lịch Sài Gòn thực hiện từ năm 2007 đến nay vẫn nằm im. Có những biện pháp gì để chế tài những đơn vị này? ĐB Nguyễn Tấn Tuyến cho biết, dự án cây xanh cách ly khu công nghiệp Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh) có tổng diện tích là 6,9ha kéo dài đến nay đã 16 năm, vẫn chưa triển khai thực hiện. “Sắp tới có triển khai thực hiện tiếp không, vì dự án “treo” này đang ảnh hưởng đến cuộc sống của 142 hộ dân?” - ông Tuyến hỏi.
Về các giải pháp xử lý dự án “treo”, ông Trần Trọng Tuấn - Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM nói: “Đối với các dự án xây dựng nhà ở chậm triển khai, Sở đã rà soát đánh giá năng lực của từng dự án. Đối với các dự án đến ngày 31/12/2013 vẫn chưa xong phần giải phóng mặt bằng thì xem như hết hạn. Nhà đầu tư muốn thực hiện tiếp phải làm lại thủ tục công nhận đầu tư. Nếu DN làm xong phần giải phóng mặt bằng thì báo cáo UBND TP xem xét chỉ định chủ đầu tư đó thực hiện tiếp”. Giải thích về những phương án giải quyết trên, ông Tuấn cho rằng, cần phải giải quyết hài hòa quyền lợi giữa người dân và DN vì DN đã bỏ không ít vốn ra để đầu tư.
Kết thúc buổi chất vấn, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng, một số nội dung chưa được trả lời đầy đủ, cụ thể; các sở, ngành liên quan cần trả lời bằng văn bản để các ĐB trả lời thắc mắc của cử tri.
Xử lý lãnh đạo có nhân viên nhũng nhiễu
Tại phiên thảo luận về chương trình cải cách hành chính (CCHC) của TP, Chủ tịch HĐND Nguyễn Thị Quyết Tâm đặt câu hỏi với lãnh đạo Cục Thuế: “Vẫn còn ý kiến than phiền về biểu hiện không lành mạnh trong ngành thuế, các anh cho biết chuyện này có hay không?”.
Ông Lê Xuân Dương, Phó cục trưởng Cục Thuế thừa nhận: “Đến thời điểm này, tôi cũng thấy cán bộ ngành thuế vẫn còn nhũng nhiễu người dân, có việc vòi vĩnh. Đây là những cán bộ thường tiếp xúc với người nộp thuế…”. Theo ông Dương, để hạn chế, Cục Thuế thường xuyên luân chuyển cán bộ hàng năm. Từ năm 2011 đến nay, ngành thuế đã kỷ luật 37 công chức, buộc thôi việc bảy công chức, cách chức một công chức, khiển trách 23 công chức, cảnh cáo bốn công chức. Riêng sáu tháng đầu năm 2014, đã kỷ luật bảy công chức, khiển trách bốn công chức, cảnh cáo hai công chức và buộc thôi việc một công chức.
Về vấn đề này, Giám đốc Sở Nội vụ, ông Trương Văn Lắm đề nghị phải tăng cường công tác thanh tra kiểm tra trong việc giải quyết nhu cầu hành chính của công dân. Theo ông Lắm, hiện nay thủ tục hành chính còn phiền hà, nhiều nơi tiếp nhận hồ sơ xong trả về cho công dân, việc này có trách nhiệm của thủ trưởng các đơn vị. Không thể chấp nhận bản báo cáo tổng kết của một số đơn vị rất tốt nhưng thực tế dân vẫn phản ánh. Ông Lắm kiến nghị: “Cần phải xử lý thủ trưởng cơ quan đơn vị còn gây phiền hà cho dân mới chấn chỉnh, nâng cao được chất lượng công tác”.
Đánh giá về công tác CCHC, Chủ tịch HĐND Nguyễn Thị Quyết Tâm cho là chưa tương xứng với vị trí, vai trò của TP, tính chuyên nghiệp của nền hành chính chưa cao, còn gây phiền hà người dân.
Quỳnh Mai - Phan Trí
Ông Lê Quốc Cường - Phó giám đốc Sở Thông tin Truyền thông: Liên thông rất tốt! “Giữa quận huyện và các sở, ban ngành tại TP.HCM hiện đã rất tốt. Chỉ có ở cấp phường xã - nơi có nhiều thủ tục liên quan trực tiếp người dân thì còn vướng vì các thủ tục liên quan đến bảo hiểm xã hội thì triển khai theo ngành dọc, còn thủ tục liên quan đến ngành công an thì chưa liên thông được”. Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP: Nhiều đại biểu nói chưa tốt! “Phó giám đốc sở nói liên thông tốt rồi sao nhiều ĐB nói chưa tốt? Các ĐB này là lãnh đạo của các quận huyện chứ không ai xa lạ. Ngay lãnh đạo các sở cũng nói tuy có “liên” mà chưa “thông”?". Ông Lê Mạnh Hà, Phó chủ tịch UBND TP: Ứng dụng kém! “Lãnh đạo các sở ngành, quận huyện tại TP ứng dụng công nghệ thông tin thuộc hàng kém nhất cả nước. Nếu ứng dụng công nghệ thông tin tốt, kết nối với UBND TP, kết nối với các sở ngành thì đã không xảy ra vụ “lương khủng” ở DN công ích như vừa qua” . |