'Đại biểu bị gây sức ép khi có phát biểu trái với quan điểm của bộ ngành'

21/11/2019 - 10:42

PNO - 'Có đến 80% các bộ ngành không muốn tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội. Đại biểu Quốc hội trở thành người đi chợ trả giá', đại biểu tỉnh An Giang thẳng thắn.

Tiếp tục kỳ họp thứ 8, sáng hôm nay (21/11), Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. 

Thảo luận tại tổ nội dung, các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ và báo cáo Thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đồng thời nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thi hành Luật.

Trước đó, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long thay mặt Chính phủ, thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày trước Quốc hội Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Về trách nhiệm và sự phối hợp của các cơ quan trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh, Bộ trưởng Tư pháp cho biết có 2 phương án được đưa ra. 

'Dai bieu bi gay suc ep khi co phat bieu trai voi quan diem cua bo nganh'
Đại biểu Nguyễn Mai Bộ - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang

Cụ thể theo phương án 1, sửa đổi theo hướng giao cơ quan trình dự án chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh. Còn phương án 2 cơ bản như hiện nay là giao cơ quan thẩm tra chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh.

Với 2 phương án được đưa ra, đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang) cho rằng mình đồng với phương án thứ 2. "Thực chất đây là phương án được quy định trong luật hiện hành, nếu chọn phương án 1 thì Quốc hội bị mất quyền kiểm soát xây dựng luật", ông Bộ nhận định.

Đại biểu tỉnh An Giang phân tích, bản chất của việc tiếp thu chỉnh lý luật là nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự thảo luật. Trong trường hợp tiếp thu thì sửa dự thảo luật và thể hiện trong dự thảo luật trình Quốc hội thông qua. Còn trong trường hợp không tiếp thu thì sẽ đề cập trong bản giải trình.

"Trong thực tiễn hoạt động tiếp thu, tôi khẳng định có đến 80% các bộ ngành không muốn tiếp thu. Đại biểu Quốc hội trở thành người đi chợ trả giá, người đưa ra hàng có đồng ý bán hay không lại thuộc quyền của họ", đại biểu An Giang thẳng thắn. 

Theo đại biểu, luật bất cập, yếu kém do 2 nguyên nhân, một là do con người và hai là do một số ủy ban không mạnh dạn thực hiện kết luận của Phó chủ tịch Uông Chu Lưu, kiên quyết trả lại luật không đảm bảo chất lượng. 

Đại biểu Nguyễn Mai Bộ cũng chia sẻ về một điều đáng buồn nữa đó là, có lãnh đạo Bộ gây sức ép với đại biểu Quốc hội khi đại biểu phát biểu trái với quan điểm của bộ ngành mình.

An Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI