Alan García luôn khẳng định mình vô tội trong cuộc điều tra tham nhũng quy mô, liên quan tới tập đoàn xây dựng Odebrecht của Brazil.
Cái chết nhiều nghi vấn
Ông Alan García luôn phủ nhận chuyện có liên quan đến Odebrencht. Ngược lại, phía Odebrencht khai đã lót tay cho ông Alan 2 triệu USD, để đổi lấy dự án xây dựng một đường cao tốc băng qua dãy núi Andes và rừng rậm Amazon (khánh thành năm 2006). Alan García không phải là cựu tổng thống duy nhất của Brazil có trong danh sách đen bê bối Odebrecht. Ngoài ông Alan, cựu tổng thống Alejandro Toledo, Ollanta Humala và Pedro Pablo Kuczynski cũng bị điều tra.
|
Cựu Tổng thống Peru Alan García đã nổ súng tự sát tại nhà riêng |
Người dân Peru dường như đã quá ngao ngán và cần một lực mạnh xóa sạch những con sâu tham nhũng trong bộ máy chính quyền. Nếu 4 đời cựu tổng thống gần nhất của Peru dính cáo buộc tham nhũng thì tổng thống trước đó - Alberto Fujimori (cầm quyền 1990-2000) cũng đang chịu án tù vì tham nhũng.
Khi ông Vizcarra lên nắm chính quyền, danh tiếng cho cương vị Tổng thống Peru được ví như mảnh vải mục nát, nhiều chỗ bị xé toạc. Cựu Tổng thống Alejandro Toledo (2001-2006) là nhân vật bị Interpol truy nã, đang sống tại Mỹ và cố chống lại yêu cầu dẫn độ về Peru để chịu án tù 18 tháng mà tòa Peru đã tuyên. Công tố viên Peru cáo buộc ông nhận 20 triệu USD hối lộ từ Odebrecht, trong khi ông khăng khăng phủ nhận. Trong khi đó, Alan García - người có 2 nhiệm kỳ giữ chức Tổng thống Peru (1985-1990 và 2006-2011) đã bị cấm rời khỏi đất nước. Ông cố xin tị nạn ở Uruguay nhưng bất thành. Cựu Tổng thống Ollanta Humala (2011-2016) bị cáo buộc nhận hối lộ ít nhất 3 triệu USD từ Odebrecht, thông qua tài trợ cho chiến dịch tranh cử của ông. Tổng thống Pedro Pablo Kuczynski, đã từ chức hồi tháng 3/2018, cũng vướng rắc rối nhờ tiền tài trợ của Odebrecht để mua phiếu bầu. Trước đó, ông Kuczynski còn mạnh miệng chỉ trích ông Toledo phản bội đất nước, vì đã nhận hối lộ.
Tổng thống đương nhiệm Martín Vizcarra, đầu năm nay, đã tuyên bố: năm 2019 là năm chính quyền Peru triệt phá ung nhọt tham nhũng đang làm xói mòn niềm tin của dân chúng. Từ tháng 1/2019, Tổng thống Martín Vizcarra, với sự ủng hộ của Thủ tướng César Villanueva và Bộ trưởng Tư pháp Vicente Zeballos, đã ký ban hành luật cải cách hiến pháp, được người dân Peru bỏ phiếu đồng thuận vào tháng 12/2018. Những cải cách này đặt lại quy định bổ nhiệm thẩm phán và công tố viên, tổ chức bầu cử ngay các nhà lập pháp sau mỗi nhiệm kỳ 5 năm và thắt chặt các hoạt động tài chính liên quan đến các đảng phái chính trị. Ông Martín Vizcarra đang rất được dân chúng tin tưởng. Từ tháng 7/2018, ông đã yêu cầu giải tán Hội đồng Tòa án Quốc gia, sau khi nhận được báo cáo tiết lộ đường dây tham nhũng hoành hành lộ liễu, với sự góp mặt của nhiều thành viên hội đồng trên.
Chống tham nhũng được nhắc đến như nhiệm vụ sống còn qua từng đời tổng thống Peru những năm gần đây, nhưng lại có vẻ phản tác dụng. Sau khi Toledo rời ghế tổng thống, người kế nhiệm là ông Alan García đã cho công khai giấy tờ thanh toán tiền tiêu xài bia rượu, tiêu khiển của người tiền nhiệm - 164.000 USD. Ông Alan García công khai con số trên nhằm khẳng định mình trong sạch và luôn nói không với hối lộ, tham nhũng. Khi Toledo “trốn” ở San Francisco, chính quyền cựu Tổng thống Pedro Pablo Kuczynski đã yêu cầu Mỹ cho dẫn độ Toledo về Peru, tỏ ra rất quyết tâm chống tham nhũng, nhưng sự thật không phải vậy. Những người Peru lạc quan tin rằng, ông Vizcarra có thể tận diệt được ung nhọt tham nhũng, hối lộ; trong khi những người trầm tĩnh hơn nhắc rằng, bất cứ ai cũng có thể là nhân tố trong vòng bí mật. Tháng 1/2019, chính quyền Peru cũng đã tiến hành điều tra liệu có hay không mối liên hệ giữa ông Vizcarra với Odebrecht. Ông Vizcarra từng sở hữu một công ty địa phương có hợp tác với Odebrecht.
Vòi bạch tuộc Odebrecht
Cuộc điều tra các cựu tổng thống Peru xuất phát từ lời khai của cựu Giám đốc chi nhánh Peru của Odebrecht - Jorge Barata. Jorge Barata tiết lộ với Bộ Tư pháp Mỹ rằng, Odebrecht đã chi đến 800 triệu USD cho các chính trị gia khắp Mỹ Latinh, châu Phi và châu Âu, để đổi lấy những hợp đồng béo bở. Jorge Barata cũng khẳng định, Odebrecht đã bỏ ra hàng triệu USD, chi cho những hoạt động chính trị của các ứng cử viên tổng thống Peru từ năm 2001 đến năm 2016.
Odebrecht khởi điểm là công ty xây dựng quy mô gia đình ở Brazil, thành lập từ thập niên 1940 và nhanh chóng trở thành công ty hàng đầu trong lĩnh vực xây dựng năm 2010 với 181.000 nhân viên trải khắp 21 quốc gia. Odebrecht tập trung vào những công trình lớn, trong đó có nhiều cơ sở hạ tầng cho World Cup 2014. Thế nhưng, những cáo buộc tài trợ chính trị gia mà thực chất là đưa hối lộ đã khiến Odebrecht lọt vào danh sách đen công ty bị điều tra trong chiến dịch điều tra tham nhũng chính trị cấp cao của Brazil có tên “Operacao Lava Jato”. Ban đầu, chiến dịch trên nhắm vào tập đoàn dầu khí quốc gia Patrobras, với những hoạt động khuất tất nghiêm trọng. Chiến dịch này đã lần ra sai phạm, khiến Tổng thống Brazil Luaba phải vào tù.
Dưới thời của Tổng thống Luiz Inácio Lula da Silva (2003 - 2010), Petrobras đã bất chấp quy định, ký một loạt hợp đồng với các tập đoàn, công ty xây dựng, trong đó có Odebrecht. Họ liên kết với nhau, tạo thành một hệ thống mafia, nhằm lũng đoạn thị trường xây dựng. Danh sách bị điều tra có nhiều chính trị gia hàng đầu ở Brazil lúc ấy như Tổng thống Michel Temer, Chánh văn phòng nội các, Bộ trưởng Ngoại giao Aloysio Nunes, Bộ trưởng Nông nghiệp Blairo Maggi, 29/81 thượng nghị sĩ và 40/513 hạ nghị sĩ. Từ một chiến dịch nội bộ ở Brazil, những mắt xích quan trọng đã được phơi bày và nhiều nhân vật đã phải lộ diện, đối diện với công lý.
Năm 2015, Giám đốc điều hành Marcelo Odebrecht - cháu của người sáng lập công ty trên đã bị bắt. Người này cùng hàng chục lãnh đạo cộm cán của Odebrecht bị giam giữ, buộc phải cam kết khai toàn bộ sự thật, tiết lộ mọi quan chức có dính líu đến vòi bạch tuộc Odebrecht. Theo kết quả điều tra, Odebrecht có một bộ phận chuyên trách các giao dịch hối lộ. Nhân sự của bộ phận này có danh sách dài dằng dặc tên của các chính trị gia đã được mã hóa, cùng các khoản thanh toán được ghi chú đính kèm. Số tiền này được Odebrecht chi nhằm bảo đảm có chân trong các công trình công cộng.
Bê bối Odebrecht có phạm vi cực lớn. Tháng 7/2017, Colombia xác nhận, các quan chức nước này đã nhận 27 triệu USD hối lộ từ Odebrecht để được thầu các dự án xây dựng đường sá. Tháng 12/2018, tòa án Colombia đã cấm tập đoàn xây dựng Odebrecht của Brazil hợp tác với các đối tác nhà nước của Colombia trong 10 năm. Odebrecht cũng bị buộc phải nộp 252 triệu USD tiền phạt vì những cáo buộc tham nhũng tại Colombia.
Ngày 5/5 tới, Panama sẽ tiến hành tổng tuyển cử và đại án Odebrecht chính là nỗi ám ảnh Tổng thống Juan Carlos Varela. Năm 2017, thông tin ông Varela cùng đảng Panamenista nhận 700.000 USD do Odebrecht tài trợ, thông qua bên thứ ba, bị phanh phui. Ban đầu, ông Varela phủ nhận, nhưng trước áp lực gay gắt từ dư luận, ông thừa nhận đã nhận tài trợ từ Odebrecht cho những cuộc bầu cử, nhưng phủ nhận việc có dính líu đến Odebrecht. Theo điều tra, Odebrecht đã “rải” hơn 100 triệu USD hối lộ dưới thời Tổng thống Martín Torrijos (2004-2009) và Tổng thống Ricardo Martinelli (2009-2014).
Hối lộ để giành quyền thực hiện dự án, Odebrecht không chỉ cần thu được lợi nhuận mà còn nhắm đến việc đội giá công trình lên để lời càng thêm lời. Theo ước tính công bố năm 2017; Peru, Mexico, Ecuador, Colombia, Venezuela, Panama và Mozambique đã thiệt hại khoảng 6 tỷ USD chi trả cho các công trình do Odebrecht thực hiện ở nước họ. Đại án Odebrecht nghiêm trọng đến mức vào năm 2017, các công tố viên hàng đầu từ Brazil, Argentina, Chile, Colomia, Ecuado, Mexico, Peru, Cộng hòa Dominica, Venezuela, Panama đã ký thỏa thuận thành lập lực lượng đặc nhiệm để chia sẻ thông tin về cuộc điều tra.
Chống tham nhũng được nhắc đến như nhiệm vụ sống còn qua từng đời tổng thống Peru những năm gần đây, nhưng lại có vẻ phản tác dụng.
Thiên Như