Đại án Hứa Thị Phấn: Luật sư đề nghị làm rõ thu chi của nhóm Phương Trang

26/05/2018 - 13:36

PNO - Luật sư cho rằng cần làm rõ nhật ký thu chi tiền mặt của Công ty Phương Trang, trao đổi qua lại của các cá nhân, chứng từ thỏa thuận khoản vay giữa Đại Tín và Phương Trang vì đây là chứng cứ quan trọng của vụ án.

Ngày 26/5, TAND TP.HCM tiếp tục xét xử bà Hứa Thị Phấn (71 tuổi, nguyên cố vấn cấp cao của Ngân hàng Đại Tín) cùng 27 đồng phạm về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Trước đó, nhóm Phương Trang khẳng định chỉ nhận 3.937 tỷ đồng trong khi hồ sơ giải ngân của Ngân hàng Đại Tín thể hiện số tiền này lên tới 9.400 tỷ đồng. Luật sư Nguyễn Thị Thanh Thảo (bào chữa cho bị cáo Bùi Thị Kim Loan) cho rằng cần thiết phải đối chiếu giữa kết luận điều tra và các tài liệu khác.

Theo đó, chứng cứ quan trọng không thể bỏ qua là nhật ký thu chi tiền mặt của Công ty Phương Trang, các công văn trao đổi qua lại của các cá nhân công ty Phương Trang, chứng từ thỏa thuận khoản vay giữ Đại Tín và Phương Trang.

Dai an Hua Thi Phan: Luat su de nghi lam ro thu chi cua nhom Phuong Trang
Luật sư Nguyễn Thị Thanh Thảo bào chữa cho bị cáo Bùi Thị Kim Loan

Theo lời khai của ông Nguyễn Hữu Luận, để theo dõi tình hình tài chính chung của nhóm Phương Trang thì ông Luận có chỉ đạo thành lập sổ thu chi để nắm rõ các hoạt động của công ty. Luật sư Thảo cho rằng cần làm rõ mối quan hệ giữa bà Phấn với Phương Trang, ông Luận để làm rõ nhiều vấn đề mà cáo trạng chưa thể hiện được.

Đối với việc giải ngân 2.000 trái phiếu của Công ty Trường Vỹ, việc giải ngân được thực hiện 4 lần. Xác nhận lời khai tại Công ty Trường Vỹ thì không nhận được khoản tiền nào, nhưng tại báo cáo tài chính của công ty này lại thể hiện về những khoảng thời gian phát hành trái phiếu và các khoản tiền góp vốn đầu tư của các công ty khác bằng số tiền phát hành trái phiếu của Công ty Trường Vỹ.

Trong giấy đăng ký mở tài khoản thì các công ty đều đăng ký nhận sổ phụ để nộp cơ quan thuế. Theo luật sư đã có phần gốc thì phải có phần lãi, nếu Công ty Phương Trang cho rằng không nhận thì làm sao có số liệu để báo cáo cơ quan thuế. Luật sư cho rằng khó có khả năng nhầm lẫn nhiều lần và ở tất cả các công ty như vậy.

Dai an Hua Thi Phan: Luat su de nghi lam ro thu chi cua nhom Phuong Trang
Các bị cáo tại tòa

Bên cạnh đó, luật sư Thảo còn đặt ra vấn đề rằng nhóm Phương Trang có trốn thuế không nếu họ sử dụng những con số này để báo cáo tài chính và làm cơ sở tính thuế doanh nghiệp. Bản thân công ty Phương Trang không thể đại diện cho 22 công ty, kết luận điều tra vẫn chưa rõ cơ sở phân định 82 khoản vay. 

Luật sư Thảo cho biết 2 khoản vay Công ty Sài Gòn Phú Gia, Điạ Ốc Kỷ Nguyên chứng minh rõ nhất không giải ngân bằng tiền mặt mà chuyển khoản nhưng không được đưa vào hồ sơ. Luật sư Thảo khẳng định đây không phải giải ngân khống, vì phía Công ty Phương Trang đã chuyển 30 tỷ đồng từ khoản vay này cho ông Vũ “Nhôm” ở Đà Nẵng.

Đối với việc mua căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch, luật sư đặt nghi vấn về con số chiếm đoạt 1.105 tỷ đồng, nếu căn cứ vào cáo trạng thì tại thời điểm xảy ra hành vi chiếm đoạt thì khách thể vẫn chưa tồn tại. Cho đến tháng 5/2017 thì khách thể mới xuất hiện là Ngân hàng CB thuộc quyền sở hữu của Nhà nước.

Vị luật sư cho rằng lý do mà Ngân hàng CB không yêu cầu bồi thường mà đòi hoàn trả là bởi ngân hàng CB thực chất không có thiệt hại. Từ đó, luật sư cho rằng không tồn tại hành vi chiếm đoạt tài sản mà đây là hành vi khách quan, là trường hợp “thuận mua thuận bán”.

Trước đó, ngày 23/5, VKSND đã đề nghị mức án đối với bà Hứa Thị Phấn cùng 27 đồng phạm:

 - Hứa Thị Phấn: 20 năm tù về tội "Lạm dụng tím nhiệm chiếm đoạt tài sản", 20 năm tù về tội "Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng"; tổng hợp với hình phạt 17 năm tù trước đó là 30 năm tù.

- Bùi Thị Kim Loan: 13-14 năm tù về tội "Lạm dụng tím nhiệm chiếm đoạt tài sản", 15-16 năm tù về tội "Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng"; tổng hợp mức án là 28-30 năm tù.

- Ngô Kim Huệ: 7-8 năm tù về tội "Lạm dụng tím nhiệm chiếm đoạt tài sản", 3-4 năm tù về tội "Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng"; tổng hợp mức án là 10-12 năm tù.

- Ngô Thị Ngân: 10-12 năm tù về tội "Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".

- Hoàng Văn Toàn: 7-8 năm tù về tội "Lạm dụng tím nhiệm chiếm đoạt tài sản".

- Trần Sơn Nam, Nguyễn Công Tụ: 6-7 năm tù về tội "Lạm dụng tím nhiệm chiếm đoạt tài sản".

- Lâm Kim Dũng: 6-7 năm tù về tội "Lạm dụng tím nhiệm chiếm đoạt tài sản".

- Lâm Hồng Trinh: 4-5 năm tù về tội "Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng"

Các bị cáo còn lại lãnh từ 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo đến 4 năm tù về tội "Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".

Thiên Phú

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI