Đại án gang thép Thái Nguyên: Viện Kiểm sát đề nghị giảm án cho hai bị cáo

10/11/2021 - 12:02

PNO - Đại diện Viện KSND đề nghị giảm án cho hai bị cáo trong vụ đại án gang thép Thái Nguyên, và bác toàn bộ kháng cáo của 10 bị cáo còn lại.

Sáng 10/11, TAND Cấp cao tại Hà Nội tiếp tục xét xử phúc thẩm đối với 12 bị cáo có đơn kháng cáo trong vụ án Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO).

Sau khi kết thúc xét hỏi, HĐXX tuyên bố bước sang phần tranh luận. Đại diện VKS nêu quan điểm luận tội đối với các bị cáo.

Theo đó, đại diện VKS đề nghị HĐXX chấp nhận một phần nội dung kháng cáo, giảm án đối với hai bị cáo là Hoàng Ngọc Diệp (nguyên thành viên Hội đồng quản trị TISCO) và Đậu Văn Hùng (nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam-VNS).

Đối với 10 bị cáo còn lại và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, cơ quan kiểm sát đề nghị HĐXX bác toàn bộ, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Đại diện Viện KSND tại tòa
Đại diện Viện KSND tại tòa

Trước đó, trong phần xét hỏi, các bị cáo đều giữ nguyên nội dung kháng cáo, đưa ra một số tình tiết nhằm xin giảm nhẹ mức án. Riêng bị cáo Đậu Văn Hùng có đơn xin xét xử vắng mặt vì lý do sức khỏe.

Bị cáo Trần Trọng Mừng, nguyên tổng giám đốc TISCO, đề nghị xem xét vai trò của mình trong dự án, bởi khi ông này nghỉ hưu rồi thì dự án vẫn tiếp tục được thực hiện.

Theo lời bị cáo sau khi nhận thấy MCC chậm tiến độ, TISCO từng có văn bản gửi lên VNS và Bộ Công Thương về khả năng sẽ khởi kiện ra tòa án quốc tế, tìm nhà thầu thay thế. Tuy nhiên, VNS sau đó không có ý kiến phản hồi gì.

Cũng theo ông Mừng, với chức năng, nhiệm vụ của mình, bị cáo chỉ có quyền đề xuất chứ không thể quyết định việc dừng hợp đồng với nhà thầu Trung Quốc hay không.

Sau ông Mừng, bị cáo Đặng Văn Tập là người tiếp theo trả lời thẩm vấn. Nguyên phó giám đốc thường trực Ban quản lý dự án TISCO thừa nhận hành vi vi phạm nhưng cho rằng bản án sơ thẩm tuyên với mình là quá nặng, bao gồm cả phần hình sự và dân sự.

Đối với việc đề xuất Tổng công ty Xây dựng công nghiệp Việt Nam (VINAINCON) làm nhà thầu phụ (cơ quan tố tụng xác định không đủ năng lực), ông Tập khai rằng toàn bộ phần chấm xét thầu ban đầu là do đơn vị cấp trên quyết định, ngoài ra còn có ý kiến của Bộ Công Thương về việc khẳng định năng lực của công ty. Chính vì vậy, Ban quản lý dự án mới thực hiện theo.

Đáng chú ý, được triệu tập tới tòa với tư cách là nguyên đơn dân sự, đại diện TISCO khẳng định công ty này không yêu cầu các bị cáo bồi thường số tiền 830 tỷ đồng. Đối với thiệt hại của vụ án, hiện TISCO đang đề nghị Tập đoàn Khoa học, công nghệ và thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC) tiếp tục thực hiện nghiêm các nội dung trong kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ.

Đại diện TISCO còn cho rằng việc đánh giá thiệt hại của vụ án ở con số 830 tỷ đồng là chưa đầy đủ. Theo vị này, dự án mở rộng nhà máy gang thép Thái Nguyên có 22 gói thầu, trong đó 2 gói chính là mỏ sắt Tiến Bộ và hợp đồng EPC 01.

Tổng chi phí của dự án là chi chung cho toàn bộ các gói thầu, bao gồm mỏ sắt Tiến Bộ. Từ năm 2013, mỏ sắt đi vào hoạt động, không có sai phạm gì. Trong số 830 tỷ tiền lãi mà cáo trạng cáo buộc là thiệt hại của vụ án thì có cả phần lãi từ tiền vay cho mỏ sắt Tiến Bộ…

Chi Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI