Ngọt thơm “lộc” trời
Một lần dạo chợ Hồ Thị Kỷ (Q.10), chúng tôi bất ngờ gặp chị Thanh (tiểu thương hàng rau) chào mời rổ nấm mối còn lấm lem bùn đất. “100.000 đồng/lạng cô ơi, mua về đổ bánh xèo, nấu cháo, hoặc bọc giấy bạc nướng mọi… ngon hết xẩy. Món này chỉ mùa mưa mới có, mua ăn thử đi cô”.
Rổ nấm chỉ khoảng 3kg, nhưng giá ngót nghét 3 triệu đồng khiến nhiều người nhăn mặt. Nhưng, với người sành ăn, thì giá vẫn còn rẻ, vì nấm mối được mệnh danh là “lộc” trời, không phải có tiền là mua được. Thấy tôi lựa nửa ký, chị Thanh hào hứng: “Năm nay không thấy nấm mối nhiều như mọi năm. Có lẽ do đất không còn sạch, nhiều hóa chất quá nên nấm “không về”.
|
Nấm mối có giá cả triệu đồng/kg vẫn không đủ hàng để bán |
Nấm ngon nhất là còn nguyên búp, không nở bung, mềm nhũn. Nấm mối có hai loại là nấm miền Đông và nấm miền Tây. Nấm miền Đông thu mua từ khu vực Đồng Nai, Bình Phước…; giá từ 450.000-600.000 đồng/kg. Nấm miền Tây (chủ yếu từ Bến Tre), thân nhỏ hơn nhưng vị ngọt hơn nên giá gấp đôi nấm miền Đông mà cũng không có hàng để bán”.
Rau rừng đã về nhiều chợ
Không chỉ có đặc sản nấm mối ở chợ, mà những loại rau dại chỉ mùa này mới có cũng xuất hiện nhiều ở các chợ Hoàng Hoa Thám, Bến Thành, Tân Định... Rau cỏ năng xanh tươi, mảnh dẻ, chấm mắm kho ăn hoài không ngán.
Rau đắng đất tươi non, nước mưa như pha loãng bớt vị đắng, giòn hơn, ngọt hậu, chấm cá kho tộ không gì bằng. Đọt choại có quanh năm nhưng mùa này được nhiều người cho là ăn mát miệng nhất. Rau dại bán từng mớ, từ 15.000-50.000 đồng/mớ tùy theo lớn nhỏ.
Các loại rau chùm ngây, bình bát, chùm bao, khổ qua rừng, măng tre/trúc… cũng đang có nhiều ở các chợ và cửa hàng đặc sản. Rau rừng có thể nấu canh tôm, thịt hoặc nấu chay, xào tỏi đều rất ngon. Khổ qua rừng luộc chấm mắm, nấu canh tôm hay canh cá thác lác đều ngon. Lá cóc, đọt xoài vị chua chua, chát chát cuốn bánh tráng, thịt luộc chấm mắm nêm…
|
Rau rừng mùa mưa tươi mơn mởn. |
Chị Mỹ Linh (nhân viên văn phòng Q.1) thèm thuồng: “Mùa mưa, có mâm bánh xèo nấm mối, hay tô cơm nóng, đĩa rau rừng luộc chấm kho quẹt, dằm vài trái ớt xanh, cay chảy nước mắt thì không gì bằng”.
Không chỉ là món ngon, rau rừng còn là bài thuốc quý. Khổ qua rừng giúp giảm mỡ bụng, tốt cho người huyết áp cao. Rau bình bát thanh nhiệt, tiêu độc, có lợi cho người tiểu đường. Thân và lá già của rau chùm bao phơi khô nấu nước uống, giúp an thần dễ ngủ, lợi tiểu, chữa một số bệnh ngoài da. Rau chùm ngây hỗ trợ trị táo bón, loại bỏ sạn thận…
Giăng chim, câu ếch
Đặc sản mùa mưa không chỉ có rau và nấm mà còn là chim, là ếch. Mùa này, ra ngoại thành sẽ dễ bắt gặp những người đàn ông với chiếc giỏ bên hông, nhấp nhấp cần câu. Bật một cái, chú ếch béo ú nhảy lên theo sợi dây câu, người câu chộp lấy, cho vào giỏ lưới.
|
Ếch đồng béo ngậy, thường để ăn chứ không bán. |
Anh Nguyễn Văn Bảy (40 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn, TP.HCM) cho biết, câu ếch còn gọi là “câu cạn”, mồi câu thường là ốc bươu. Ếch rất nhát, thấy động là nhảy ngay xuống, nên khi câu phải đưa cần ra phía trước, người đứng phía sau và nhấp nhấp trên bờ chứ không bao giờ câu dưới nước.
“Ếch mùa nào cũng có nhưng mùa nước lên là nhiều nhất, to mập và thịt ngon ngọt nhất vì có nhiều thức ăn. Có hôm tôi câu được con ếch to bằng bàn tay, nặng gần nửa kg. Ếch đồng nấu cháo ngon hơn thịt gà, lại rất bổ dưỡng. Thường tôi chỉ câu cho vui, đem về nhà ăn là chính chứ không bán vì số lượng chẳng bao nhiêu. Những người bán ở chợ giới thiệu ếch đồng chỉ là bán lẫn với ếch nuôi”, anh Bảy nói.
Không chỉ câu ếch, nhiều nông dân còn giăng lưới bắt chim trời. Ngồi canh lưới trong căn chòi chừng 2m2 phủ bằng cành cây để ngụy trang, anh Lê Văn Vĩnh (36 tuổi, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP.HCM) kể, tranh thủ ban ngày có mưa, anh thường giăng lưới bẫy chim: “Đủ các loại chim, nhiều nhất là cu và se sẻ thường dính lưới. Những con nhỏ quá mình thả đi chứ không tận diệt. Những con đẹp thì để nuôi làm kiểng”, giá được khoảng 100.000 - 150.000 đồng/cặp. Chiếc bẫy chim khá đơn giản, chiều rộng chừng 1,5m, hai đầu cột vào hai chiếc cọc cao hơn 3m dựng chéo trên cánh đồng.
“Lưới bẫy chim cũng như lưới đánh cá nhưng phải chọn loại màu trắng hoặc sẫm để mắt chim không nhìn thấy. Dựng hai cây cột cao rồi kéo lưới giăng lên. Loại bẫy này không cần chim mồi, cũng không cần rải mồi nhử mà cứ giăng lên để đó. Chim sà xuống bắt mồi là dính” - anh Võ Chính, một nông dân đang bẫy chim, nói.
|
Giăng bẫy chim chỉ như một thú vui, ít người có ý nghĩ thương mại hay tận diệt.
|
Theo anh Chính, bẫy chim bằng lưới có thể giăng lưới trên cao, trải lưới dưới đất…; nhưng đa số người bẫy chim ở đây đều giăng trên cao vì đơn giản, lại không mất thời gian canh chừng và không cần mồi.
Giăng lưới dưới đất cũng hiệu quả nhưng phải có chim mồi và tốn nhiều công như phải nhổ rạ, trải rơm ngụy trang, cột chân chim mồi vào chiếc cọc, bỏ ít mồi nhử mới có chim đến. Những người giăng chim mà chúng tôi làm quen đều khẳng định, đây không phải là nghề chính mà chỉ làm cho vui, giải trí lúc nông nhàn.
“Chúng tôi đã thỏa thuận với nhau là không tận diệt chim trời, cũng không nhận mối của các quán nhậu để bán chim, dù giá cao” - ông Vũ Văn Hiền (60 tuổi, ngụ Q.12) bộc bạch.
Hiện ở cửa hàng thực phẩm An (74 Phan Xích Long, Q.Bình Thạnh); cửa hàng đặc sản miền Tây (195 Ngô Tất Tố, Q.Bình Thạnh) đang có nhiều loại cá mùa nước nổi như cá rô to thịt béo, cá lăng hơ hay còn gọi là cá xác kho tiêu kho tộ rất thơm; ếch đồng, lươn đồng con nhỏ nhưng chắc thịt, thơm ngon; tôm sắt…
Giá đặc sản đồng đắt hơn sản phẩm nuôi trồng: lươn đồng 450.000 đồng/kg, ếch đồng 330.000 đồng/kg, cá lăng hơ 200.000 đồng/kg, tôm sắt 300.000 đồng/kg...
|
Phúc Hưng