Văn là người. Đọc văn có thể biết người. Biết tư tưởng tình cảm của người viết. Biết hoàn cảnh xuất thân. Biết cái yêu cái ghét, thậm chí biết cả sở thích ngôn ngữ và quê quán gốc gác của tác giả.
Như thế này là biết đến cả gốc gác của người viết: nhà văn Tô Hoài kể, có lần ông băn khoăn với chữ “áy” trong câu Kiều: Một vùng cỏ áy bóng tà/Gió hiu hiu thổi một và bông lau. Ông không hiểu chữ áy, nhiều bài viết thì cho rằng đó là tên một loại cỏ, cho đến ngày đi thực tế ở một vùng quê Thái Bình. Dân ở đấy gọi cái gì úa héo là áy, cỏ úa gọi là cỏ áy. Thế mới nhớ ra, quê ngoại Nguyễn Du ở Thái Bình. Quê nội thi hào ở Hà Tĩnh thì đã biết rồi, trong Truyện Kiều cũng có một số từ gốc Nghệ Tĩnh đã được giải mã.
Chữ áy này có nghệ sĩ không hiểu, khi lẩy Kiều, vẫn phát âm chệch sang thành cỏ ái.
Chữ áy của Thái Bình thời xưa cho thấy rằng quê hương bản quán của nhà văn có khi in dấu trong chữ nghĩa. Nhà văn nào có ngôn ngữ ấy, nhà văn vùng nào có ngôn ngữ vùng ấy, tất nhiên là nên dùng đủ độ. Cũng như nhân vật nào có ngôn ngữ ấy, tùy thuộc vào thế hệ, tuổi tác, quê quán, học vấn, hoàn cảnh xuất thân… Không thể trong một tiểu thuyết mà già trẻ trai gái trí thức dân cày đều nói cùng một ngôn ngữ.
2. Khó có khả năng một thi hào như Nguyễn Du dùng chữ áy một cách vô tình. Rất có thể ông cài chữ áy vào đấy như một tín hiệu với người đọc cùng thời, và gửi thông điệp cho đời sau. Toàn văn tác phẩm ông dùng giọng chuẩn, nhưng vẫn muốn hé lộ cho người đọc biết rằng quê nội ông ở Hà Tĩnh và quê ngoại Thái Bình. Đôi ba chữ cài cắm như vô tình vậy thôi, cũng là tạo không khí văn chương xứ bắc và xứ Nghệ, chứ quyết không đặc sệt thổ ngữ mô tê răng rứa. Phương ngữ khi bị sử dụng quá mức độ thì chỉ gây mệt mỏi chán ngán.
Nói vậy thì thấy thời bây giờ rất khó giải mã xuất xứ của các tác giả. Một tác giả gốc miền Trung ra sinh sống ở Hà Nội. Một tác giả sinh ở Hà Nội nhưng theo cha mẹ vào làm việc ở Vũng Tàu. Khi trở thành tác giả, phải có ý thức lắm thì họ mới có thể giữ cho ngôn ngữ của mình không bị “lai”. Hầu như ngôn ngữ của họ là một thứ con lai không được miền nào thừa nhận. Khi biên tập tác phẩm của bạn văn, tôi thường không thoải mái gặp phải những câu như thế này: “Đi đến ngã tư Giảng Võ, anh quẹo phải”. Đúng ra một người Hà Nội, một người Bắc, lại đang đi trên đường phố Hà Nội, thì không có chữ “quẹo phải”, mà phải viết là “rẽ phải”. Nhân vật trong truyện cũng không phải người Nam để tác giả có thể tạo không khí bằng chữ quẹo. Tôi hỏi, tác giả ngụy biện: Thấy cái chữ thích thì dùng thôi.
Nhà văn không phải cứ thấy thích là dùng. Mặc dù ngồi trước trang giấy thì không còn quy phạm và anh có quyền tự do sáng tác.
Cũng trong cuốn sách của tác giả người Bắc này, tôi nhặt ra vô số phương ngữ Nam Bộ mà tôi phải chú giải, gợi ý để bạn ấy chọn cách dùng cho thuần Bắc:
Càm ràm: cằn nhằn, càu nhàu, kèo nhèo.
Ròm: còm, còm nhom, gầy còm.
Gạo cội: cứng cựa, già giơ, có đẳng cấp.
Lãng xẹt: nhạt nhẽo, loãng toẹt.
Bắt mắt: đẹp mắt, được mắt, vừa mắt.
Mãn nhãn: no mắt, ngon mắt, đẹp mắt, ưa nhìn.
Te tua: tơi tả, rách tướp, tan tác, tan tành.
Bự chảng: to tướng, to đùng.
Tầm mười tám: khoảng mười tám, độ mười tám.
Tiệp với: hợp với, hài hòa với, phù hợp.
Ngược chiều với các tác giả Bắc, nhiều tác giả quê Nam mà trong tác phẩm họ lại dùng ngôn ngữ theo kiểu: hay nhỉ, thế đấy, cánh phụ nữ chúng tôi, có phải không ạ?...
Thấy rõ ràng là phần lớn người viết văn viết báo hiện nay không biết gốc gác của từ ngữ mình sử dụng, không biết từ này gốc Nam từ kia gốc Bắc. Thích thì dùng. Tức là dùng mà không ý thức được, dùng một cách bản năng, tiện thì dùng, nghe ngồ ngộ lạ tai lạ mắt thì dùng.
Không loại trừ khả năng có một số rất ít thách thức người đọc: tôi dứt khoát không tiết lộ tôi là người vùng nào, tôi xóa mờ gốc gác, tôi thách độc giả nhận ra giọng tôi. Họ chủ ý đánh lạc hướng của độc giả.
3. Bao lâu băn khoăn về ngôn ngữ vùng miền như vậy, rồi bất chợt gặp được những trăn trở của nghệ sĩ Thành Lộc trong bài đối thoại 61 & 91 ngồi “đếm” Sài Gòn:
“Người Việt mình rất phong phú về lời ăn tiếng nói; mỗi vùng miền đều có cái đặc sắc của ngôn ngữ địa phương, cái đó mình phải giữ và phát huy… Các em diễn viên trẻ bây giờ nói chuyện, từ ngữ và cả giọng điệu bị lai miền Bắc rất nhiều. Có nhiều vở chuyện kịch diễn ra tại Sài Gòn từ trước 1975 nhưng các diễn viên lại dùng từ ngữ và văn phong của Sài Gòn sau ‘75, có khi dùng cả từ địa phương miền Bắc rất nhiều nên nó bị “nhiễu” về văn hóa. Ðây thuộc về kiến thức của đội ngũ biên kịch và các em diễn viên trẻ ngày nay không chuyên cần đào sâu một tác phẩm về mọi phương diện. Người dẫn chương trình giải trí trên truyền hình ở Sài Gòn mà cứ “vâng ạ!”, “có được không ạ?” nghe mất hẳn bản sắc vùng miền vốn không hề dở thì thật là uổng, uổng lắm! Trong các vở kịch mà anh làm, bao giờ anh cũng chú ý uốn nắn phương diện này, uốn nắn rất nghiêm chỉnh cho các diễn viên của mình” (báo Phụ Nữ Tp.HCM xuân Canh Tý).
Lắng nghe ý kiến của Thành Lộc, mới thấy băn khoăn về ngôn ngữ lai tạp không chỉ là chuyện của người viết văn viết báo. Đấy là mối quan tâm chung của những nghệ sĩ ưu tư và có ý thức về nghề. Nữa, trước cuộc tạo sinh ra thứ ngôn ngữ con lai thì Sài Gòn cởi mở lẫn Hà Nội thâm trầm đều bối rối tìm cách chống đỡ.
|
|
4. Nhưng tôi cũng cho rằng nỗi ưu tư của Thành Lộc lẫn của chính mình rốt cuộc chỉ là giữ cho bản thân mình và giữ gìn cho vòng ảnh hưởng của mình mà thôi. Trong rất nhiều quyền con người mà ta đang phấn đấu thực hiện, có quyền tự do đi lại và quyền tự do cư trú. Cuộc di dân thường xuyên giữa các quốc gia giữa các vùng miền có tác động lớn đến ngôn ngữ. Nỗi ưu tư dường như đã dẫn đến một nhận thức rằng đang hưng thịnh một thứ ngôn ngữ không phân biệt vùng miền. Ngôn ngữ của báo chí phương Nam có ảnh hưởng mạnh đến ngôn ngữ miền Bắc. Ngôn ngữ thuyết minh phim trên truyền hình phía Bắc có tác động đến lời ăn tiếng nói phương Nam. Người Nam sẽ quen và sẽ dùng thế đấy, vâng ạ… Người Bắc sẽ thấy thuận tai những từ như mãn nhãn, bắt mắt… Người ta sẽ không thể dùng ngôn ngữ làm phương tiện để giải mã được gốc gác quê quán của nghệ sĩ. Mà hình như nhiều nghệ sĩ cũng muốn xóa nhòa những thứ đó.
Sẽ chỉ còn lại rất ít nhà văn mà đọc ngôn ngữ của họ, người ta biết được tác giả sinh ra ở vùng miền này, hoặc trưởng thành ở xứ sở nọ. Rất ít, nhưng độc giả tinh tế sẽ tìm đến họ như một thứ của hiếm.
Hồ Anh Thái