“Đặc sản” chợ phiên ở Mường Khương

02/04/2025 - 08:07

PNO - Mường Khương - 1 trong 2 huyện giáp biên của tỉnh Lào Cai - mỗi tuần lại rộn ràng bởi những phiên chợ mang đậm hơi thở núi rừng.

Người ta không chỉ đến chợ để mua bán, mà còn để gặp gỡ, hàn huyên, để hít hà cái không khí rộn ràng, tươi mới. Với tôi, một lần lạc vào chợ phiên nơi đây là một lần thấy lòng mình rộng ra, trong trẻo và ngập tràn sắc màu.

Mỗi ngày chợ phiên đều nô nức như ngày hội
Mỗi ngày chợ phiên đều nô nức như ngày hội

Ngay từ sáng tinh mơ, những con đường dẫn về chợ đã nhộn nhịp bóng người. Đồng bào H’Mông, Dao, Nùng… xúng xính trong xiêm y sặc sỡ, gùi trên lưng những bó rau rừng, nải chuối rừng hay đôi ba con gà đen. Từng tốp phụ nữ váy áo rực rỡ, bước chân thoăn thoắt, những chiếc vòng bạc leng keng theo nhịp bước. Các ông, các anh khoác chéo một chiếc áo chàm, miệng ngậm điếu thuốc lá cuốn, cười nói vang cả góc trời.

Mường Khương không chỉ có một chợ phiên. Mỗi chợ lại có một sắc thái riêng. Chợ Pha Long (họp ngày thứ Bảy hằng tuần) bên những thửa ruộng bậc thang thơm mùi ngô, lúa. Đặc biệt, chợ có một khu bán rất nhiều chim họa mi - một thú chơi tao nhã, hòa cùng thiên nhiên mà mọi người chỉ có thể cùng nhau thưởng thức vào mỗi chợ phiên.

Chợ phiên - nơi bà con trao đổi nông sản cây nhà lá vườn
Chợ phiên - nơi bà con trao đổi nông sản "cây nhà lá vườn"

Chợ Lùng Khấu Nhin (họp ngày thứ Năm hằng tuần) nghiêng mình bên dòng suối trong vắt, nơi người ta vẫn trao đổi hàng hóa bằng những món đồ giản dị - đôi dép cao su, con dao quắm hay chiếc gùi mây. Còn chợ trung tâm Mường Khương (họp ngày Chủ nhật hằng tuần) lại đông đúc nhất, nơi giao thoa của đủ loại sản vật: những thúng mèn mén vàng ruộm, những tảng thắng cố nghi ngút khói, chảo phở chua cay thơm nồng, níu chân người qua kẻ lại.

Tiếng chào mời xen lẫn tiếng cười. Những đứa trẻ má ửng hồng theo mẹ xuống chợ, mắt sáng rỡ khi được cầm trong tay chiếc kẹo đường hay quả táo mèo chua chua. Các bà, các mẹ tụ lại bên gian hàng vải vóc, tấm áo lanh thêu hoa tinh xảo chuyền từ tay này sang tay kia, vừa xuýt xoa vừa tấm tắc. Cánh đàn ông ghé bên hàng rượu ngô, chạm môi vào chén rượu cay nồng rồi gật gù, những câu chuyện bỗng dài hơn, giọng nói bỗng trầm ấm hơn giữa bầu không khí se lạnh vùng cao.

Em bé xuống chợ trên lưng mẹ...
Em bé xuống chợ trên lưng mẹ...

...ngủ ngoan trên lưng bà
... ngủ ngoan trên lưng bà

Khu ẩm thực của chợ phiên là nơi níu chân bao thực khách. Khói bốc lên từ những chảo thắng cố sôi sùng sục, tỏa ra mùi thơm nồng nàn của thịt ngựa, thảo quả và các loại gia vị vùng cao. Những quầy hàng bánh rán nóng hổi, vàng ruộm, giòn rụm trong miệng. Bát phở vùng cao nghi ngút khói, sợi phở dày, nước dùng trong nhưng đậm đà, không tinh tế như phở Hà Nội nhưng lại mang một phong vị riêng, giản dị mà khó quên. Người ta vừa ăn, vừa chuyện trò, thi thoảng lại chạm nhau ánh mắt, nở nụ cười thân thiện giữa không khí náo nhiệt.

Đi chợ phiên là phải sà vào hàng phở chua
Đi chợ phiên là phải sà vào hàng phở chua

Tôi nhớ mãi những bước chân chộn rộn của các gia đình H’Mông trong phiên chợ Mường Khương. Mấy anh chồng có khi ngồi cả ngày trước cửa hiệu, nhẫn nại chờ vợ làm tóc và trông chừng đàn con. Mấy chị ở cửa hàng làm tóc bảo: “Công sức lao động trong một tháng của cả gia đình sẽ được trao đổi trong ngày chợ phiên. Họ sửa soạn áo quần từ hôm trước để sớm mai dắt nhau xuống chợ. Mỗi ngày chợ phiên là một ngày hội của vợ chồng, con cái họ”.

Niềm vui gặp gỡ ở chợ phiên
Niềm vui gặp gỡ ở chợ phiên

Mường Khương những ngày chợ phiên rộn rã nhưng không vội vã. Dường như ai cũng dành cho nhau sự trìu mến. Một đôi vợ chồng già nâng niu từng quả trứng gà để trao tận tay người mua. Cô gái H’Mông lặng lẽ thử một đôi vòng bạc, đôi má ửng đỏ khi được chàng trai bên cạnh khẽ hỏi: “Có thích không?”. Những câu chuyện cũ được kể lại, những nụ cười mới được trao đi. Chợ tan, ai cũng mang về thứ gì đó - có thể là một món hàng, có thể là một niềm vui nhỏ nhoi.

Lạc vào chợ phiên Mường Khương, tôi thấy mình vui trong niềm vui của người bản địa, bước giữa những sắc màu, hít căng lồng ngực cái trong trẻo của vùng cao. Và tôi biết, nơi đây không chỉ có một phiên chợ, mà có cả những niềm vui, những câu chuyện đẹp đẽ được dệt nên từ nhịp sống bình dị của con người.

Uông Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI