Tối 18/5, chương trình nghệ thuật kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020) mang tên Hồ Chí Minh - Sáng ngời ý chí Việt Nam đã diễn ra trực tiếp tại 5 điểm cầu trên cả nước: Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (Hà Nội); Khu Di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên (Nghệ An); Bến Nhà Rồng (Thành phố Hồ Chí Minh); Khu Di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào (Tuyên Quang); Công viên Văn Miếu - Thành phố Cao Lãnh (Đồng Tháp). Đây là những địa danh gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
|
Tiết mục "Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ" do thiếu nhi TPHCM trình bày |
|
Các cựu chiến binh tham gia chương trình tại điểm cầu truyền hình TPHCM |
|
Tiết mục "Người mẹ làng Sen" tại đầu cầu truyền hình Nghệ An như lời tri ân đấng sinh thành của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tình yêu nước của mẹ cùng suy nghĩ tân tiến của người cha đã hun đúc nên tinh thần thép cho chàng thanh niên tuổi đôi mươi ra đi tìm đường cứu nước. |
|
Phần múa minh họa cho ca khúc "Người mẹ làng Sen" nhiều cảm xúc ở đầu cầu truyền hình Đồng Tháp |
Chương trình gồm 5 chương: Người trai chí lớn, Đi tìm mùa Xuân độc lập, Một nhà thống nhất, Âm thanh ngày mới và Rạng rỡ Việt Nam. Ý chí và sự nghiệp cách mạng của Bác được nhắc nhớ như một dấu son. Trên nền tảng đó, nhân dân tiếp tục dựng xây đất nước dưới ngọn cờ hoà bình, độc lập cùng những bài học quý báu từ Bác như đoàn kết, cần kiệm... Sự nghiệp cách mạng của Bác không chỉ mang lại những điều tốt đẹp cho người dân Việt Nam mà còn có ý nghĩa lớn với cộng đồng quốc tế trong quá trình giành độc lập, tự do.
Xen kẽ với chương trình âm nhạc, những phóng sự được trình chiếu cho người xem hình dung rõ nét hơn về con đường cứu nước gian lao của Bác. Đó là những bước chân đầu tiên của người thanh niên Nguyễn Tất Thành lên tàu ra đi với bao gian lao, thử thách; những ngày tháng phải chịu gông cùm hay những lúc Người đứng giữa lằn ranh của sự sống, cái chết...
Hành trình dẫn dắt người xem đi cùng những cung bậc cảm xúc với câu chuyện về thân sinh, thân phụ của Bác; tình cảm của các cháu thanh niên xung phong, thiếu nhi dành cho Bác. Xúc động hơn khi có người chưa có cơ duyên gặp Bác nhưng vẫn thấm nhuần những bài học từ Người để quyết tâm chiến đấu đến cùng, góp phần giải phóng đất nước, giành độc lập cho dân tộc. Có những người may mắn chờ được đến ngày đất nước hoà bình, thống nhất.
Câu chuyện của cựu thanh niên xung phong Trần Thị Thông - người duy nhất sống sót trong trận bom ngày 31/10/1968 khiến khán giả không khỏi xúc động. Người xem chợt nghe lòng mình rưng rưng khi nghe kể về câu chuyện nắm đất miền Nam được mang từ mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc trao tận tay Bác Hồ.
|
Hoạt cảnh "Bước chân thế kỷ" tại đầu cầu TPHCM phác họa lại những bước chân gian nan đầu tiên của Bác trên đường cứu nước |
|
Tiết mục đọc thơ "Nhật ký trong tù" tại đầu cầu Tuyên Quang nhắc nhớ quãng thời gian khó khăn của Bác khi bị chính quyền Tưởng Giới Thạch giam giữ |
|
Những giai điệu hùng hồn, sâu lắng của 2 ca khúc "Biết ơn Cụ Hồ Chí Minh" và "Ca ngợi Hồ Chủ Tịch" ở đầu cầu truyền hình Tuyên Quang |
|
Ca sĩ Đào Mác và tốp ca thể hiện ca khúc "Đêm Trường Sơn nhớ Bác" (nhạc: Trần Chung, thơ: Nguyễn Trung Thu) khơi gợi lại khí thế hào hùng một thuở, cùng những tình cảm thiêng liêng dành cho vị lãnh tụ kính yêu. |
|
Ca sĩ Nam Khánh thể hiện ca khúc "Mùa xuân trên quê hương" thay lời mừng vui trước những thành tựu của đất nước sau khi giành độc lập, thống nhất |
|
Ca sĩ Lan Anh gửi gắm tình cảm của những người con miền Nam với Bác nói riêng và cả nước nói chung qua ca khúc "Viếng lăng Bác" do nhạc sĩ Hoàng Hiệp sáng tác |
|
Tuổi trẻ thế hệ Bác Hồ với sự kết hợp của 4 điểm cầu truyền hình Tuyên Quang, Nghệ An, Đồng Tháp và Hà Nội. |
|
Nhóm nghệ sĩ tại TPHCM chào kết thúc chương trình với tiết mục "Giai điệu tổ quốc" |
Dự tại điểm cầu Hà Nội có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó trưởng Tiểu ban văn kiện Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam Hoàng Trung Hải; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Văn Nên; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình; Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ...
Tại điểm cầu TPHCM có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình; Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Ngô Xuân Lịch; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú…
Dự chương trình tại điểm cầu Nghệ An có Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm; Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu…
Tại điểm cầu Đồng Tháp có Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam…
Tại điểm cầu Tuyên Quang có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn,Bí thư tỉnh uỷ Tuyên Quang - ông Chẩu Văn Lâm...
|
Diễm Mi - Trung Sơn