Đặc khu kinh tế: Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần thận trọng khi bấm nút

08/06/2018 - 09:02

PNO - Dự thảo luật này có rất nhiều điều quan trọng, chứ không chỉ điều khoản về cho thuê đất 70 năm hay 99 năm.

Tiến sĩ Võ Trí Hảo - Trường đại học Kinh tế TP.HCM: 

Tôi thấy mình chưa có đủ bằng chứng để tin vào khả năng vực dậy nền kinh tế Việt Nam của Luật Đặc khu kinh tế đang được Quốc hội xem xét thông qua. Xét ở góc độ kinh tế, luật này không có đột phá gì ngoài những ưu đãi về thuế và phí. Những ưu đãi này chỉ có lợi cho nhà đầu tư chứ phía Việt Nam không được lợi.

Dac khu kinh te: Uy ban Thuong vu Quoc hoi can than trong khi bam nut
Tiến sĩ Võ Trí Hảo

Những “cái mới” trong luật này chỉ giống như những điều kiện mới trong một cuộc kinh doanh bất động sản. Mà với mô hình kinh doanh này, nếu luật không đủ chi tiết để ràng buộc về nhiều mặt thì sau khi nhà đầu tư rút đi, có khi ta phải gánh vác những hậu quả nặng nề khác, giống như những gì đã từng diễn ra với cửa khẩu Lao Bảo vậy.

Tiến sĩ Phạm Sỹ Thành - Giám đốc Chương trình nghiên cứu kinh tế Trung Quốc, thuộc Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách: 

Dự thảo Luật Đặc khu kinh tế chưa thể hiện những nét khả quan với nền kinh tế Việt Nam. Để phân tích những điểm chưa được thì rất dài, nhưng dựa vào những gì thể hiện trong văn bản dự thảo luật thì mọi kỳ vọng về sự phát triển kinh tế đều chỉ là phỏng đoán, thiếu căn cứ.

Theo tôi, Quốc hội không nên thông qua dự thảo luật ở kỳ họp này mà hãy cân nhắc, hoàn thiện thêm rồi tiếp tục bàn bạc ở kỳ họp tới. Ở kỳ họp đó, cái Quốc hội cần bàn không chỉ là luật về 3 đặc khu Vân Đồn, Phú Quốc, Bắc Vân Phong, mà phải bàn bạc và hoàn thiện lại luật về tất cả các khu kinh tế đặc biệt hiện có trên cả nước. 

Đại biểu Quốc hội Phan Nguyễn Như Khuê (TP.HCM): 

Chậm để chắc

Trên tinh thần chung, tôi nghĩ, cần lắng nghe thêm những ý kiến đóng góp, đồng thời cần rà soát lại dự thảo luật, đặt trong bối cảnh, thực trạng, điều kiện hiện nay để chặt chẽ hơn. Chúng ta có thể chậm lại một bước, không nên quyết định vội vã quá, nhiều khi sau này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng. Bản thân một số đại biểu có thể cũng chỉ mới tiếp cận được những điều then chốt, vì dự luật này chịu rất nhiều tác động của các luật khác cần phải đối chiếu, như Luật Đầu tư, Luật Đất đai…

Dac khu kinh te: Uy ban Thuong vu Quoc hoi can than trong khi bam nut
Ông Phan Nguyễn Như Khuê

Do đó, Quốc hội nên tiếp tục cung cấp, lý giải thông tin một cách đa dạng hơn, đầy đủ hơn để từng đại biểu, tập thể đại biểu tiệm cận với nội dung của tờ trình. Trong đó, yếu tố 99 năm chỉ là một vấn đề.

Ví dụ như, có đại biểu nói rằng, chúng tôi muốn được nghe thêm về lĩnh vực an ninh quốc phòng trong dự luật đặc khu với 3 vị trí hết sức nhạy cảm như vậy. Có thể thông tin thêm để đại biểu có cơ sở yên tâm hơn và bấm nút. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên có chủ trương, tham khảo, lấy ý kiến đại biểu về việc bấm nút thông qua dự luật.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu (tỉnh An Giang): 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần thận trọng khi bấm nút 

Dự thảo luật này có rất nhiều điều quan trọng, chứ không chỉ điều khoản về cho thuê đất 70 năm hay 99 năm. Chính vì sự không giải thích, không có thông tin rộng rãi trong dư luận nên người ta chỉ biết đến một vài điều luật và lấy làm thắc mắc về điều luật ấy. Chúng ta cần phải làm cho cử tri cả nước hiểu được mục đích rõ ràng của dự án luật. Đặc biệt, chúng ta phải lắng nghe ý kiến cử tri.

Dac khu kinh te: Uy ban Thuong vu Quoc hoi can than trong khi bam nut
Huyện đảo Vân Đồn, Quảng Ninh

Khi cử tri lo lắng thì phải hiểu vì sao họ lo lắng. Vì vậy, ban soạn thảo, đặc biệt là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phải lắng nghe để sửa chữa nếu thấy ý kiến góp ý là hợp lý. Nếu điều luật nào không nhận được sự tán đồng của cử tri cả nước, cần phải bỏ đi. Việc bỏ đi một điều luật không hợp lý không có nghĩa là chúng ta bỏ đi cả bộ luật. 

Tôi nghĩ, vì thời gian quá gấp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần thận trọng khi quyết định bấm nút thông qua. Và tôi rất mong, nếu được, nên lấy ý kiến của các đại biểu Quốc hội, rằng có nên thông qua dự thảo luật tại kỳ họp này hay không, trước khi Quốc hội chính thức bấm nút vào ngày 15/6 tới. 

Đại biểu Quốc hội, Thượng tướng Nguyễn Văn Được (TP.Hà Nội):

Làm kinh tế nhưng không phải bằng mọi giá

Tôi nghĩ rằng, làm kinh tế thì dứt khoát ta phải làm, nhưng không phải bằng mọi giá. Với các nước phát triển thì đúng rồi, nhưng ở đây, 3 khu đặc khu đều là 3 khu nhạy cảm. Cần cân nhắc kỹ. Ví dụ bây giờ, 70 năm, 99 năm, các nhà đầu tư vào đó sẽ làm gì? Ta đâu thể biết hết khi họ đã vào rồi. 

Hiện ở Đà Nẵng, Ninh Thuận, ta chưa có đặc khu kinh tế nhưng đã có tình trạng người nước ngoài vào mua đất rồi. Thay mặt cho hơn 4 triệu hội viên Hội Cựu chiến binh Việt Nam, tôi đề nghị Đảng, Nhà nước xem xét một cách thận trọng. Nhân dân đang có ý kiến bức xúc về đặc khu, do đó nên nghe cử tri, cựu chiến binh đề xuất. Cần nghiên cứu một cách kỹ lưỡng, chậm một chút cũng không sao.

Huyền Anh - Minh Trâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI