Đã xác định nguyên nhân tôm, cá biển chết ở Phú Yên

03/07/2024 - 09:17

PNO - Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III vừa có báo cáo kết quả khảo sát, quan trắc đột xuất tình hình thủy sản chết trên đầm Cù Mông, khu vực xã Xuân Cảnh, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên.

Trước đó, ngày 24/6, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III (gọi tắt Viện III) đã khảo sát, quan trắc đột xuất vùng nuôi tôm hùm, cá biển tại xã Xuân Cảnh.

Các nhà khoa học của Viện III đo các thông số môi trường nước cơ bản như nhiệt độ, pH, độ mặn và ô xy hòa tan. Đồng thời thu 2 mẫu nước (1 mẫu nước tầng mặt và 1 mẫu nước tầng đáy) để phân tích.

Người nuôi vớt cá biển chết trên đầm Cù Mông
Người nuôi vớt cá biển chết trên đầm Cù Mông

Từ các kết quả khảo sát, đo đạc hiện trường và phân tích mẫu, các nhà khoa học Viện III cho thấy: Hàm lượng ô xy hòa tan (DO) thấp tại điểm khảo sát, chưa phù hợp cho nuôi hùm và cá biển nuôi lồng. Nước ở khu vực khảo sát ô nhiễm các chất dinh dưỡng và chất hữu cơ (COD).

Bên cạnh đó, lồng nuôi được đặt gần bờ, có độ sâu mực nước thấp (2,5 - 3,5m lúc nước ròng) so với quy định. Hơn nữa mật độ lồng thả nuôi dày, khu vực nuôi nằm ở vị trí nút thắt cổ chai, dễ khiến việc đối lưu và trao đổi nước kém. Đây rất có thể là những nguyên nhân làm cá biển, tôm hùm nuôi bị chết.

Trước tình hình này, Viện III khuyến cáo người nuôi chuyển lồng bè nuôi đến nơi có độ sâu mực nước tối thiểu khi triều thấp lớn hơn 4m (nếu có thể). Đồng thời sử dụng viên ô xy, máy sục khẩn cấp để tăng ô xy hòa tan. Tổ chức thu gom cá chết đưa vào bờ tiêu hủy theo quy định, tuyệt đối không để cá chết trên đầm, ven bờ làm gia tăng ô nhiễm nước và nguy cơ dịch bệnh.

Cá biển nuôi chết trên đầm Cù Mông
Cá biển nuôi chết trên đầm Cù Mông

Người nuôi nhanh chóng thu hoạch cá đã đạt kích cỡ thương phẩm nhằm giảm thiệt hại, cũng như đưa các lồng, lưới lồng không còn cá, tôm hùm lên mặt nước nhằm tạo sự thông thoáng ở khu vực nuôi.

Ngoài ra, người nuôi cần thường xuyên cập nhật diễn biến màu nước, thời tiết và lặn theo dõi cá, tôm nuôi để có hướng xử lý kịp thời, đặc biệt là lúc nước ròng (triều thấp).

Viện III cũng lưu ý địa phương cần thực hiện việc sắp xếp, bố trí lại vùng nuôi lồng bè hiệu quả hơn, cũng như lựa chọn đối tượng nuôi, mật độ nuôi, vị trí đặt lồng, khoảng cách giữa các lồng bè phù hợp.

Lồng bè nuôi cá biển trên đầm Cù Mông
Lồng bè nuôi cá biển trên đầm Cù Mông

Theo UBND thị xã Sông Cầu, những ngày qua, khu vực đầm Cù Mông xảy ra tình trạng thủy sản nuôi chết đột ngột với số lượng lớn. Trên địa bàn xã Xuân Cảnh có 88 hộ nuôi bị thiệt hại, trong đó có khoảng 40 lồng tôm hùm thịt bị thiệt hại, với số lượng tôm chết khoảng 1,7 tấn; tôm hùm con từ 1 - 2 tháng tuổi chết hơn 6.000 con; cá các loại chết gần 45 tấn; cá con từ 1 - 2 tháng tuổi chết khoảng 6.000 con… ước thiệt hại hơn 7,3 tỉ đồng. Địa phương đang triển khai các giải pháp khắc phục sự cố tôm, cá chết và tiếp tục thống kê thiệt hại.

Nhận được thông tin trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Yên đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tiến hành kiểm tra tình hình thực tế tại địa phương và nhận thấy nước tại khu vực có cá chết có mùi hôi, màu nước trắng đục.

Mạnh Hoài Nam

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI