Đã xác định được cơ chế phá hủy hệ thần kinh của vi-rút Zika

15/12/2017 - 17:00

PNO - Nghiên cứu mới công bố ngày 13/12, tại Mỹ chỉ rõ phương thức ảnh hưởng của vi-rút Zika lên hệ thần kinh ở người và đưa ra lời cảnh báo về tác dụng phụ của các loại vắc-xin ngừa Zika.

Trong công bố mới này, tiến sĩ Tyler Sharp, công tác tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, cùng các cộng sự ở Puerto Rico đã kiểm tra trường hợp hiếm gặp ở một người đàn ông 78 tuổi đến từ San Juan. Nạn nhân nhiễm Zika vào năm 2016, sau đó phát triển chứng Guillain-Barre (rối loạn tự miễn, tế bào tự phá hủy sau khi nhiễm trùng) và tử vong.

Da xac dinh duoc co che pha huy he than kinh cua vi-rut Zika
 

Kết quả khám nghiệm cho thấy các phản ứng viêm đã làm xói mòn vỏ bảo vệ myelin giữa hai dây thần kinh, nhưng không có bằng chứng nào về sự hiện diện của vi-rút trong các tế bào. Điều đó chứng tỏ chính phản ứng miễn dịch của cơ thể là nguyên nhân khiến hệ thần kinh tổn thương.

Tiến sĩ Sharp nói thêm, cơ chế gây ra Guillain-Barre sau khi nhiễm trùng Zika cũng giống như những trường hợp rối loạn thần kinh khác. Đồng thời, nhóm nghiên cứu đưa ra lời cảnh báo cho các công ty thử nghiệm vắc-xin Zika. Mặc dù Guillain-Barre thường xảy ra sau khi nhiễm trùng nhưng nó rất có thể sẽ hiện diện trong phản ứng phụ của vắc-xin.

Một số công ty phát triển vắc-xin Zika cho biết, họ đang trong giai đoạn thử nghiệm độ an toàn ở người. Kết quả dự kiến sẽ được công bố trong năm 2018. Vi-rút Zika bắt đầu xuất hiện nhiều tại các nước Nam Mỹ từ giữa năm 2015 và nhanh chóng bùng phát thành dịch với quy mô mạnh nhất từ trước tới nay trên thế giới. 

Da xac dinh duoc co che pha huy he than kinh cua vi-rut Zika
 

Trước khi nghiên cứu mới này được công bố, sự bùng phát dịch Zika khắp châu Mỹ và nhiều quốc gia khác trên thế giới, giai đoạn 2015 - 2016, cho thấy vi-rút này có thể gây ra Guillain-Barre. Ở phụ nữ mang thai, vi-rút còn tấn công vào các tế bào não của bào thai, dẫn đến dị tật bẩm sinh mà mọi người thường gọi là hội chứng đầu nhỏ.

Sau khi xâm nhập cơ thể, vi-rút Zika sẽ tấn công ngay lập tức đến các tế bào thần kinh. Do đó, giới y học không thể xác định chắc những trường hợp Guillain-Barre tìm thấy ở bệnh nhân là do phản ứng tự miễn với nhiễm trùng Zika, hay là hậu quả của những đợi tấn công trực tiếp từ vi-rút. Do đó, nghiên cứu mới đã tiến tới một bước quan trọng khi xác định được cơ chế phá hủy hệ thần kinh của vi-rút Zika

Da xac dinh duoc co che pha huy he than kinh cua vi-rut Zika
 

Tính đến năm 2017, Zika đã xuất hiện tại 75 quốc gia. Hiện vẫn chưa có vắc-xin phòng ngừa hay thuốc đặc trị loại vi-rút này. Triệu chứng phổ biến nhất khi nhiễm vi-rút là sốt, viêm kết mạc, nhức đầu, đau cơ khớp và phát ban. Trong đợt bùng phát dịch Zika vào năm 2016, Việt Nam đã có 212 trường hợp dương tính với vi-rút tại 11 tỉnh, thành phố, với 28 bệnh nhân là phụ nữ mang thai. Nhưng may mắn, chỉ duy nhất một trường hợp bé gái ở Đắk Lắk sinh ra với hội chứng đầu nhỏ do Zika. 

Ngoài con đường lây nhiễm chính thông qua muỗi, vi-rút còn có thể truyền từ người sang người thông qua hoạt động tình dục, vật chủ trung gian như nhóm động vật linh trưởng. Vì vậy, theo các chuyên gia y tế trên thế giới, tuy số ca bệnh Zika trong năm nay giảm đáng kể ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch, nhưng vẫn còn quá sớm để chúng ta lơ là cảnh giác trước loại vi-rút nguy hiểm này. 

 Tấn Vĩ (tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI