Chị Hạnh Dung ạ,
Tôi về hưu được 5 năm. Chồng tôi mất, tôi chỉ có một con trai, cháu đã cưới vợ và ở với tôi. 5 năm qua, tôi vẫn tiếp tục làm hợp đồng với một nơi khác, thứ nhất là vì lương hưu thấp, không đủ cho mọi nhu cầu của cuộc sống, tôi muốn tích lũy thêm chút tiền cho tuổi già không phải nhờ vả ai. Thứ hai vì ở nhà thì rất buồn.
Cách đây sáu tháng, con dâu tôi sinh con. Ngay khi cháu ra đời, vợ chồng cháu đã thuê người giúp việc giúp con dâu chăm sóc con. Tôi không phải làm gì cả, chỉ có chơi với cháu, góp ý việc này việc kia, cách chăm sóc trẻ con.
Thế nhưng sắp tới, con dâu tôi sẽ phải đi làm. Trong khi cháu còn quá nhỏ, để cháu ở nhà một mình với người giúp việc thì chúng không an tâm. Không biết chúng bàn bạc với nhau thế nào mà con trai tôi nói với tôi rằng chúng muốn tôi đừng đi làm nữa, ở nhà coi chừng người giúp việc giùm chúng nó.
|
Ảnh minh họa |
Tôi thấy việc đó thật ra không cần thiết, vì người giúp việc này vốn là bà con, có thể tin tưởng được. Thứ hai, con trai tôi thu nhập khá cao, nếu muốn chăm sóc con tốt hơn, con dâu tôi có thể ở nhà thêm một thời gian cho con được cứng cáp rồi hãy gửi trẻ.
Khi biết rằng tôi không đồng ý nghỉ việc ở nhà, cả con trai và con dâu đều có vẻ buồn. Chúng nói sẵn sàng biếu tôi số tiền gấp đôi lương tôi đi làm, để tôi ở nhà, vì chúng chỉ tin tưởng vào tôi mà thôi.
Nhưng tôi từ ngày còn trẻ đã không thích trông trẻ con. Giờ tuổi già mà phải cột ở nhà với cháu và giúp việc, tôi thấy rất mất tự do. Nhất là tôi nghe con dâu nói với bạn bè là cũng quá ngán ở nhà, muốn đi làm cho thoải mái đầu óc. Vậy sao các con tôi không nghĩ tới sự thoải mái của tôi?
Bạn bè tôi chia làm hai phe, người bảo tôi không nên biến thành osin, mất tự do, thoải mái. Người thì bảo đó cũng là niềm vui, hạnh phúc khi được giúp đỡ con cháu, huống hồ cháu là cháu mình chứ ai, nếu cháu không được an toàn liệu mình có vui?
Tôi phân vân quá chị Hạnh Dung à. Làm thì tôi không thoải mái tâm trạng. Không làm thì ngại con dâu mất lòng và mọi người bảo tôi ích kỷ. Tôi phải làm sao đây?
Hoàng Nhi
Chị Hoàng Nhi thân mến,
Trước tiên, xin nói cho nhanh gọn: chị hoàn toàn không có nghĩa vụ phài từ chối những niềm vui của chị, cột mình vào những hy sinh, làm những điều mình không thoải mái, chỉ vì e ngại điều tiếng của bạn bè hay sự không vui của dâu, con.
Chị đã nuôi con khôn lớn, nên người. Giờ đây chị hoàn toàn có quyền được nghỉ ngơi hay làm những gì mình thích. Con chị, chị nuôi, giờ con của con chị, con chị cũng phải tự nuôi. Điều đó chẳng có gì phải bàn cãi.
Hiện nay không hiếm các bà ngoại, bà nội hiện đại khi nghĩ hưu vẫn tham gia vào công tác xã hội, đam mê du lịch, hội hè, tiếp tục làm việc cống hiến. Nhiều bà còn tuyên bố thẳng thắn: "Chơi với cháu, chứ không giữ cháu".
Ấy là nói về lý. Còn về tình, xưa nay các bà thường nhận lãnh vào mình nghĩa vụ chăm cháu, lấy đó làm niềm vui tuổi già. Mà thực sự họ cũng vui với điều đó thật, khi cảm thấy mình vẫn còn có ích cho con cháu, mình được tự tay chăm cháu của mình, bảo đảm an toàn và sức khỏe cho cháu.
Thậm chí, với nhiều người, được dạy cháu nói, dạy cháu hát, dạy cháu đọc, kể chuyện cho cháu nghe, chứng kiến từng bước trưởng thành của cháu là một niềm vui lớn.
Chọn sống như thế nào là quyền của mỗi người bà, không ai được phê phán hay trách móc. Cả đời vất vả vì con, giờ họ có quyền được chọn lựa cách sống phù hợp với sở thích, thói quen, say mê, nhu cầu của bản thân.
Về phía các con chị, cũng không nên trách các cháu vô tâm hay ích kỷ. Xưa nay, điều này cũng trở thành một nếp sinh hoạt của gia đình Việt Nam, đến nỗi người ta còn thuộc câu: "Một mẹ già bằng ba mẫu ruộng", là hàm ý những giúp đỡ về mọi mặt của ông bà với con cháu.
Những vụ việc osin ở nhà hành hạ trẻ được đăng tải quá nhiều khiến không cha mẹ nào có thể yên tâm. Bà ngoại, bà nội luôn là một trong những niềm hy vọng của cha mẹ trẻ.
Các con chị cũng không hề ép chị, thậm chí còn có những đề nghị tế nhị như biếu chị tiền để bù vào việc chị không thể đi làm kiếm thêm thu nhập cho chi tiêu. Chị cũng nên nhìn việc này cho thoáng. Và thực chất, chị không phải tự chăm sóc cháu vất vả, mà chỉ là quản lý người giúp việc.
Phân tích mọi mặt như vậy để chị và các cháu có thể có được sự thoải mái khi bàn bạc thu xếp việc nhà cùng nhau.
Từ phía các cháu, phải là sự trân trọng giúp đỡ của mẹ. Không để mẹ làm những việc nặng, mệt mỏi, quá sức. Thu xếp để mẹ vẫn có thời gian nghỉ ngơi, đi chơi, du lịch cùng bạn bè vào những ngày nghỉ, ngày lễ.
Về phía chị, có thể nghĩ tới việc hy sinh một khoảng thời gian giới hạn nào đó, chừng 6 tháng, một năm cho cháu cứng cáp rồi đưa cháu đi học. Cũng là tuổi tốt để cháu bắt đầu quen với xã hội, giao tiếp... và có sự dạy học chuyên nghiệp của các cô giáo mầm non.
Chỉ là vài ý cho chị rộng đường và nhẹ tâm suy nghĩ. Chọn lựa thế nào nhất định cũng phải là của chị, ưu tiên cho sức khỏe và sự thoải mái, vui vẻ của chị. Mong gia đình chị tìm được cách giải quyết vấn đề tốt nhất.
Hạnh Dung
Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn