Đấu thầu thuốc tập trung: Hậu quả đau đớn, hệ lụy kéo dài

08/09/2017 - 09:43

PNO - Sở Y tế TP.HCM quá vội vàng thực hiện đấu thầu tập trung khi thực tế chưa phù hợp cả về cơ chế pháp lý, đặc điểm thị trường, đội ngũ nhân lực, sự đón nhận của các BV.

Đưa ra viễn cảnh tươi đẹp “thuốc trúng thầu có chất lượng, đáp ứng điều trị, giá cả phù hợp, tiết kiệm ngân sách”, trong giai đoạn 2014-2015, Sở Y tế TP.HCM gom tất tần tật thuốc, vật tư, trang thiết bị từ các bệnh viện (BV) về tổ chức đấu thầu tại sở, bất chấp cảnh báo rủi ro từ nhiều chuyên gia (“nhãn tiền” qua vụ VN Pharma), rằng không thể có thuốc chất lượng mà giá rẻ được.

Dáu thàu thuóc tạp trung: Hạu quả dau dón, hẹ lụy kéo dài
Đấu thầu thuốc tập trung tại TP.HCM

Trong một cuộc họp, ông Nguyễn Tấn Bỉnh - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM - đã lý giải xung quanh việc thuốc của Công ty CP VN Pharma trúng thầu trong đấu thầu tập trung (ĐTTT) cách đây 3 năm. Nhân tiện, chúng tôi xin điểm lại những “nét chính” trong hoạt động ít nhiều gây tai tiếng này, nhất là hệ lụy kéo dài cho đến hôm nay sau khi tòa tuyên án vụ VN Pharma. Và trong diễn biến mới nhất, Thanh tra Chính phủ đã được yêu cầu vào cuộc, cũng như VKSND Cấp cao tại TP.HCM cho biết sẽ nghiên cứu toàn bộ hồ sơ vụ án.

Năm 2014 thực hiện chỉ đạo của cấp trên, Sở Y tế TP.HCM tiến hành ĐTTT. Ngoài mục tiêu thống nhất giá thuốc trên địa bàn, tiết kiệm chi phí, còn một lý do mà lãnh đạo TP.HCM đưa ra để “quyết tâm” thực hiện ĐTTT: các tỉnh thành khác đã làm, thành phố cũng phải làm. Thực tế, các tỉnh thành khác chỉ 1-2 BV, việc ĐTTT tương đối khả thi. Trong khi đó, tổ chức ĐTTT gồm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế cùng một lúc cho hơn 70 BV công tại TP.HCM là điều “không tưởng”.

“Quyết tâm” cho đến khi bị “điểm huyệt”

Một cách công bằng, cần nhìn thấy ưu điểm của ĐTTT: giúp giảm chi phí giấy tờ, hồ sơ và nhân sự. Thay vì tổ chức hàng chục hội đồng thầu tại các BV, thì tập trung chỉ còn một. Bên cạnh đó, giá trúng thầu thống nhất cho toàn thành phố, thuận lợi khi thanh toán BHYT. Một “ưu điểm” nữa, nhưng có lẽ còn trên lý thuyết, ĐTTT kiểm soát tiêu cực tốt hơn khi quy về một mối (?).

Tuy nhiên, những ưu điểm trên quá nhỏ so với thực tế diễn ra. Chỉ riêng tổng giá trị gói thầu thuốc giai đoạn 2014-2015, mỗi năm hơn 7.000 tỷ đồng. Theo ông Nguyễn Duy Thuận, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế y tế và quản trị BV TP.HCM, rất khó thẩm định khả năng cung ứng của doanh nghiệp trúng thầu, bởi cả doanh nghiệp lẫn cơ quan chức năng chưa có công cụ để kiểm soát. 

Dáu thàu thuóc tạp trung: Hạu quả dau dón, hẹ lụy kéo dài
 

Sau ĐTTT đợt 1, nhiều đơn vị trúng thầu đã phải hoãn thời điểm giao hàng hoặc giao nhỏ giọt cho các BV, dẫn đến tình trạng thiếu thuốc. Chính Sở Y tế TP.HCM cũng nhìn nhận vấn đề này với báo chí: “khó khăn lớn nhất của ĐTTT là việc giao thuốc giai đoạn đầu sau trúng thầu không kịp thời”.

Tương tự, một chuyên gia khác cho rằng: “Thị trường dược còn manh mún, nhỏ lẻ, các công ty không đủ năng lực cung ứng đơn hàng lớn. Gói thầu cho tất cả BV tại TP.HCM rất lớn so với các tỉnh. Đã xảy ra tình huống trong khi chờ kết quả ĐTTT, các BV phải áp thầu theo giá của BV Chợ Rẫy, một số công ty đã từ chối vì không đủ khả năng ung ứng thuốc”.

Theo các chuyên gia, ĐTTT làm giảm khả năng lựa chọn thuốc của bác sĩ vì chỉ có một loại thuốc cho tất cả BV, từ đó hiệu quả điều trị cũng giảm. Đối với người bệnh, dễ tạo tâm lý nghi ngờ chất lượng thuốc BHYT.

Trước đây, khi đấu thầu riêng lẻ, tùy nhu cầu, mỗi BV tự mở thầu, có kết quả riêng, chủ động ký hợp đồng với các công ty trúng thầu. Trong khi đó, ĐTTT lại “phát sinh” thời gian, thủ tục ký kết hoặc điều chỉnh hợp đồng giữa Trung tâm Mua sắm hàng hóa và tài sản công của ngành y tế (gọi tắt TTMS, đơn vị trực thuộc Sở Y tế TP.HCM, được lập ra để tổ chức ĐTTT) với BV và công ty cung ứng. Điều đó làm giảm tính chủ động của BV.

Thực tế, việc thương thảo ký hợp đồng cung ứng với các công ty diễn ra chậm, nhiều BV phập phồng lo thiếu thuốc. Chưa kể, có một số thuốc không chọn được nhà thầu, phải đấu thầu lại hay áp dụng các hình thức khác, mất thời gian.

Số liệu từ Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) tổng hợp kết quả trúng thầu theo báo cáo của một số tỉnh, thành phố năm 2017 cho thấy các địa phương đang tổ chức ĐTTT có quy mô gói thầu nhỏ hơn rất nhiều so với TP.HCM.

Tại tỉnh Bình Dương, tổng trị giá gói thầu thuốc, vật tư tiêu hao… gần 715 tỷ đồng. Con số này ở Long An hơn 458 tỷ đồng và tại Đà Nẵng hơn 622 tỷ đồng. Trong khi đó, với TP.HCM, tổng giá trị ĐTTT giai đoạn 2014-2015 tính riêng cho mặt hàng thuốc đã hơn 7.000 tỷ đồng/năm.

Theo các nhà chuyên môn, về mặt cung ứng, tiếp vận, các doanh nghiệp dược khó lòng bảo đảm đúng yêu cầu.

“Chúng tôi từng cảnh báo, với đấu thầu riêng lẻ, sự cố nếu có cũng chỉ xảy ra ở từng nơi, còn ĐTTT thì sẽ ảnh hưởng lên tất cả các BV. Nếu không kiểm soát được tiêu cực thì mức độ tác hại sẽ lớn hơn nhiều so với đấu thầu riêng từng BV. Hơn nữa, Sở Y tế - nơi tiến hành đấu thầu, nhưng BV là nơi sử dụng sản phẩm trúng thầu, nên khó tránh khỏi tâm lý phó mặc cho BV”, ông Thuận nói.

Với nhiều bất cập gây bao “tai ương” nhưng các BV phải “nín nhịn”, kèm vụ việc “động trời” thuốc kém chất lượng nhập lậu của VN Pharma “trúng thầu”, sau 2 năm thực hiện, chiều 6/3/2016, tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, ông Đinh La Thăng - lúc đó là Bí thư Thành Ủy TP.HCM - đã chỉ đạo phải phân cấp cho các BV tự chủ tối đa, từ đấu thầu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế.

Đến ngày 16/3/2016, ông Thăng tiếp tục có buổi làm việc với Đảng ủy Sở Y tế TP.HCM về các vấn đề dư luận quan tâm, chủ yếu tập trung vào nội dung ĐTTT. Trong báo cáo, Đảng ủy sở thừa nhận, ĐTTT khiến cho các BV giảm tính tự chủ, số lượng hàng hóa quá lớn nên một số công ty trúng thầu không cung ứng kịp thời… Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Tấn Bỉnh đã phải “kiến nghị” giao lại cho các đơn vị tự tổ chức đấu thầu.

Giá rẻ là bình thường?

Sở Y tế TP.HCM quá vội vàng thực hiện ĐTTT khi thực tế chưa phù hợp cả về cơ chế pháp lý, đặc điểm thị trường, đội ngũ nhân lực, sự đón nhận của các BV.

Vào năm 2014, năm đầu tiên tiến hành ĐTTT, cơ chế phối hợp giữa TTMS, tổ chuyên gia, tổ thẩm định rất chệch choạc bởi việc huy động nhân sự từ các BV gặp khó khăn về thời gian, phương thức làm việc và trách nhiệm. Việc giám sát hoạt động của TTMS khó khăn, gây nhiều dư luận vì ông Bỉnh đồng thời cũng chính là giám đốc trung tâm này. 

Tuy khẳng định yếu tố giá chiếm đến 70% trong phương thức ĐTTT, nhưng trả lời báo chí khi đó, Sở Y tế vẫn phản đối ý kiến chuyên gia cho rằng “thuốc có giá thấp thì trúng thầu”. Theo sở, việc các chuyên gia kết luận “không thể có thuốc chất lượng với giá rẻ” là nhận định mang tính cảm quan.

Dáu thàu thuóc tạp trung: Hạu quả dau dón, hẹ lụy kéo dài
Nguyễn Minh Hùng (Chủ tịch HĐQT VN Pharma) lãnh án 12 năm tù trong vụ việc nhập lậu thuốc H-Capita

Ngoài việc cho đơn vị dưới quyền kiểm tra tiêu chuẩn chất lượng của thuốc trúng thầu, Sở Y tế còn yêu cầu các BV ghi nhận bằng chứng lâm sàng về hiệu quả điều trị đối với những thuốc sử dụng lần đầu. Tuy nhiên, về vấn đề này, sở không cho biết cụ thể kết quả báo cáo của các BV. Đến khi vụ việc VN Pharma nổ ra tháng 9/2014, công an điều tra vụ công ty này nhập thuốc H-Capita với hồ sơ giả “qua mặt” Cục Quản lý dược, mới thấy hệ lụy ĐTTT, nguy cơ thuốc giá thấp, kém chất lượng vào BV là rất lớn.

Có một thực tế, các công ty bỏ thầu giá rẻ so với giá kế hoạch và trúng thầu, ngành y tế đã lấy khoảng chênh lệch giữa giá kế hoạch và giá trúng thầu để làm nên thành tích tiết kiệm hàng ngàn tỷ đồng cho ngân sách nhờ ĐTTT. Ngoài H-Capita trôi nổi, hồ sơ giả, nhập lậu bị vạch mặt chỉ tên, VN Pharma còn liên doanh, liên kết với các công ty khác để tham gia thầu mà không có nhà máy và trúng thầu với giá còn rẻ hơn giá của công ty sản xuất. Vậy phải chăng, giảm chi phí kéo theo giảm chất lượng?

VN Pharma đã trúng ĐTTT 64 mặt hàng với trị giá 476 tỷ đồng. Như Báo Phụ Nữ đã đề cập, sau H-Capita, còn có thêm 7 mặt hàng thuốc khác trúng thầu của doanh nghiệp này bị thu hồi.

“Kinh dị” hơn, ngoài vụ VN Pharma, sau đó, Sở Y tế TP.HCM còn phải hủy kết quả trúng ĐTTT của hai loại thuốc Bipando và Heptan vì… chưa có số đăng ký thuốc. Chả hiểu sao, những mặt hàng này vẫn có thể tham gia dự thầu, lọt qua nhiều “cửa ải” để trúng thầu?

Tại buổi họp nêu trên, đại diện Sở Y tế vẫn cho rằng giá thuốc giảm 50% khi trúng thầu là bình thường và ngày càng rẻ (?). Ví dụ thuốc H-Capita do VN Pharma “nhập từ Canada” trúng thầu với giá chỉ có 31.000 đồng/viên, so với giá kế hoạch mời thầu là 66.000 đồng/viên. Qua đây cho thấy, phớt lờ phản biện của các chuyên gia, sở lại mâu thuẫn với “trần tình” của Bộ Y tế. Bộ cho biết, Cục Quản lý dược chỉ “nghi ngờ” thuốc của VN Pharma, khi thấy giá thuốc kê khai thấp hơn các thuốc cùng loại được sản xuất nên đã yêu cầu VN Pharma giải trình và ngừng nhập khẩu (?). 

Đừng quá “kỳ vọng” vào đấu thầu

Trao đổi với chúng tôi ngày 5/9, bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM - nêu quan điểm, đấu thầu thuốc là một phương thức mua thuốc có chất lượng theo yêu cầu của chủ thầu và chọn giá thấp nhất giữa các nhà thầu. Hai bên sẽ được ràng buộc bởi hợp đồng ký kết. Sau đó, giữa chủ thầu và bên trúng thầu quy định rõ về các phương thức giao nhận hàng, thanh toán và xử lý vi phạm.

“Về tổng thể, phải lành mạnh hóa thị trường, dùng hàng rào kỹ thuật để loại bỏ dần những công ty lôm côm, hạn chế nhập khẩu những thuốc chất lượng làng nhàng, hoặc những thuốc mà trong nước đã sản xuất được. Định hướng và sắp xếp lại công nghiệp dược, có cơ chế khuyến khích hỗ trợ các công ty sản xuất thuốc chuyên khoa, đặc trị, dạng bào chế mới”, bà Lan nói.

Bên cạnh đó, cần phải quan tâm xây dựng các chính sách về phân phối, quy định về giới hạn tầng nấc trung gian, chế tài về hoa hồng kê đơn thuốc.

Đối với BV, theo bà Lan, không nên quá tập trung vào công tác đấu thầu. Ở mức độ quốc gia, Bộ Y tế nên đứng ra đàm phán giá nhóm thuốc biệt dược gốc (brand name) với các công ty đa quốc gia, vì đây là nhóm gần như chỉ định thầu. Với các thuốc generic, nên để các BV chủ động trên cơ sở một mức giá trần mà BHYT thỏa thuận thanh toán.

Đấu thầu chưa xét trên tổng chi phí xã hội cho một ca bệnh

Ông Nguyễn Duy Thuận cho rằng ĐTTT vừa thiếu chuyên môn quản lý y tế, vừa chưa quan tâm đến nhu cầu của bác sĩ (BS). Thuốc là hàng hóa đặc biệt. Cùng là 2 viên thuốc trị đau bụng nhưng người này uống thuốc này, người kia uống thuốc kia mới hết. Vai trò của BS là làm sao cho người bệnh hết bệnh trong thời gian ngắn nhất có thể, chứ không phải quan tâm tiêu chí rẻ nhất.

ĐTTT chỉ mới chỉ định được trên tiêu chí giá thuốc, chứ chưa tính trên tổng chi phí xã hội cho một ca bệnh. Chi phí xã hội gồm chi phí khám chữa bệnh, tiền công BS, nhân viên y tế, khấu hao thiết bị, thời gian nằm viện điều trị của người bệnh, bệnh nhân bỏ hết công ăn việc làm trong thời gian điều trị bệnh… So với tổng chi phí điều trị này, tiền thuốc chỉ chiếm 10%.

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI