Một lần về thăm con, tôi đã bật khóc khi nghe đứa con gái lớn bảo em nó rằng “tóc của em giống hệt như tóc của ba”.
|
Anh Ngô Minh Uy |
Không phải riêng tôi, con người sau đổ vỡ đều đau khổ, chỉ có biểu hiện khác nhau theo giới tính. Đàn ông sau ly hôn số đông cảm nhận nỗi đau chậm hơn, đến một lúc nào đó họ mới thấm. Xã hội và dư luận thường “thương” và thấy tội cho người đàn bà phải chọn giải pháp chia tay. Nhưng một điều rõ ràng rằng, chỉ có hai người không còn muốn ở với nhau mới biết ai tội hơn ai.
Đàn bà thường muốn và đòi được nuôi con. Lựa chọn đó mang đến nhiều lợi ích cho cô ấy, chứ không hẳn là cô ấy bị thiệt thòi. Còn đàn ông có vẻ như là…sướng quá, tự do, tung tẩy nhưng cái đau nhất của đàn ông là anh ta vừa mất đi mối quan hệ thân tình với một người thân là vợ, vừa không được sống với con cái của mình.
Bị tước đi quyền làm cha đối với giọt máu của mình là một đòn khủng khiếp đối với đàn ông. Vì thế, các bà vợ đừng cố tình chia cắt tình phụ tử nếu không muốn đối mặt với một kẻ liều mạng hoặc có thể sẽ gây hại cho con cái sau này.
Đàn ông dù có đau khổ đến đâu, họ cũng không muốn đính chính những thông tin sai lệch về phía người đàn bà đã từng sống với họ. Phần lớn đàn ông bị vợ bỏ là vì anh ta ngoại tình, nhưng vì sao anh ta phải ngoại tình, thì bà vợ không nói một cách công bằng. Sự an ủi từ một người đàn bà khác rất dễ làm xiêu lòng người đàn ông có gia đình nhưng không có tổ ấm.
Trong công việc của mình, tôi hay nói với các cặp vợ chồng trẻ rằng, hãy cùng nhau tạo một cuộc sống thú vị. Sự gắn bó yêu thương đến từ cách cư xử, lời nói với nhau. Một khi đã chán nói, hết chuyện nói, thì tình dục cũng chẳng còn, chỉ còn muốn tìm gặp người khác.
Ngô Minh Uy
Chuyên viên tham vấn tâm lý
Trung tâm tâm lý chuyên nghiệp WELink
Đã qua 20 năm rồi, nhưng nhắc lại chuyện cũ mà nước mắt tôi cứ muốn rơi, rất thương 2 con nhưng tôi phải cố vượt qua cảm xúc lúc đó, rồi cứ cố gắng như vậy suốt 1 năm trời.
|
Đối với tôi, ly hôn là điều tồi tệ nhất |
Trong suốt thời gian chung sống với nhau, vợ chồng tôi không có điểm chung nào cả. Cuộc sống chung trong thời gian đó chỉ vì con cái, cả hai đều không muốn các con tổn thương vì thiếu sự chăm sóc của cha mẹ.
Tôi đau vì tôi đã làm cho cô ấy mất hết niềm tin và hy vọng vào chồng, vì mình không mang hạnh phúc cho cô ấy theo bản năng và tư duy của tôi cho dù tôi đã cố gắng hòa hợp (từ tâm tính đến mọi sinh hoạt hàng ngày) cùng cô ấy sau khi kết hôn. Suốt gần 3 năm cố gắng “yêu người mà sống”, nhưng tình cảm của tôi dành cho cô ấy không còn nữa.
Trước khi chia tay, cô ấy cũng cố níu kéo tình cảm, nhưng tôi muốn dứt khoát để cả hai không phải gượng gạo trong cuộc sống hàng ngày trước mặt con cái dù lúc đó 2 cháu còn rát bé (lớn 7 tuổi, nhỏ 2 tuổi).
Đâu phải nói ly hôn là đưa đơn ra tòa ngay, mà mãi đến 5 năm kể từ khi muốn chia tay, tôi mới đưa đơn ra tòa. Qua 3 lần hòa giải không thành, cuối cùng tòa cũng quyết định vợ chồng ly hôn.
Tôi cố tình trì hoãn việc ly hôn là vì 2 đứa con tôi. Rất nhiều lần tôi cố mở lòng với vợ nhưng sao mà khó quá, tình cảm của tôi dành do cô ấy bị đóng băng mất rồi. Tôi không đổ lỗi cho ai cả... vì cuộc sống nó vốn thế, không thể ở ngả 3 đường mãi, vì vậy tôi phải chọn 1 đường khác để đi tiếp mà thôi.
Thời gian đầu sau ly hôn, tôi khủng hoảng thật sự. Tôi ra riêng để lại ngôi nhà cho mẹ con cô ấy, cứ mỗi sáng tôi về đón bé lớn đi học và chiều thì đưa về. Bé nhỏ thấy tôi thì cứ ôm chân không cho Ba đi, trong lòng tôi lúc đó như có dao cắt...
Để bớt đi những cảm xúc đau buồn này, tôi rời nơi làm việc, nhận công tác ở Đà Nẵng, gần 3 năm mới quay về lại TP. Công việc và đi xa là phương thuốc giúp mình bớt đi nỗi đau buồn.
Vài năm sau ly hôn, cô ấy cũng nguôi ngoai, con thì cũng đã lớn. Cô ấy có người yêu và đi đến hôn nhân. Tôi luôn chúc phúc cho cô ấy.
Gia đình mới của tôi hiện nay cũng rất hạnh phúc. Hai đứa con lớn của tôi rất hiểu và biết cảm thông với Ba mẹ, rất thương cậu em trai nhỏ cùng cha khác mẹ. Đó là điều an ủi tôi nhiều nhất.
Nguyễn Ngọc Việt Thanh
Kỹ sư xây dựng
Từ góc nhìn của phụ nữ:
Tôi đã từng ly hôn, chấp nhận cuộc chia tay như một định mệnh, và cũng đủ hiểu đàn ông sẽ ra sao sau ly hôn.
|
Nhà biên kịch Châu Thổ |
Không ít đàn ông sau ly hôn như được “trở lại thiên đường”, cảm thấy tự do, thoát ra khỏi ràng buộc. Tuy nhiên, con số đàn ông đông hơn cảm thấy ân hận (trong số này có cả các ông ban đầu cảm thấy khỏe khi được ly hôn), vì những điều mình chưa phấn đấu cho cuộc hôn nhân hạnh phúc, vì họ nhận ra người đàn bà của họ là người họ cần.
Đàn ông vốn không thích nghi nhanh với sự thay đổi, họ thường ngậm ngùi “tự nhiên ly hôn làm gì”. So với người đàn bà ly hôn, đàn ông “còn lại một mình”, dễ tìm được người mới và nhanh chóng kết hôn. Nhưng hạnh phúc họ có được ở tập hai, không phải do người vợ mới mang đến, mà ở tư duy mới, cái nhìn mới của họ về hạnh phúc, về hôn nhân. Nếu họ không muốn đau một lần nữa, thì họ phải thay đổi.
Nhiều người đã ngộ ra rằng, hạnh phúc là những điều thật giản dị, là chấp nhận những thứ như nó là. Thường đàn ông không muốn nhắc lại quá khứ đổ vỡ, sai lầm, bởi đó là thất bại của anh ta, trừ khi anh ta đã học được bài học quý giá để làm lại cuộc đời hạnh phúc.
Nhà biên kịch Châu Thổ
Trường Sơn ( thực hiện)