Đã tính chuyện kết hôn, mà người yêu tôi không muốn làm trụ cột kinh tế của gia đình

02/10/2022 - 14:55

PNO - Việc đóng góp kinh tế gia đình thường là nên theo khả năng của mỗi người trong đời sống bình thường.

Chị Hạnh Dung thân mến,

Em và anh ấy yêu nhau được hai năm và đã tính chuyện sang năm sẽ cưới. Nhưng giờ đây, vì vài câu nói của anh ấy mà em thấy cần phải suy nghĩ lại. Xin chị cho em ý kiến ạ.

Vì đọc được những lời khuyên về việc chuẩn bị mọi điều trước khi cưới, nên em cũng bàn với anh ấy về chuyện tài chính kinh tế của gia đình luôn. Em hỏi anh ấy xem thu nhập của anh ấy bao nhiêu, và cũng nói thu nhập của em bao nhiêu, tụi em sẽ đóng góp như thế nào, tiền lo cho cha mẹ hai bên ra sao? 

Anh ấy nghe em trả lời thế thì thản nhiên bảo rằng mỗi tháng hai đứa sẽ bỏ tiền chung bằng nhau, cùng lo cho gia đình chung. Tất cả mọi khoản chi tiêu trong nhà sẽ được tính toán và chia đôi hết, đứa nào cũng phải thực hiện nghĩa vụ của mình. Còn gia đình hai bên thì tự đứa nào đứa nấy lo.

Em nghe mà phát chán, chị ạ. Mà nghĩ lại, từ hồi quen nhau tới giờ, làm gì, đi đâu mà cần chi tiêu số tiền lớn, anh cũng cương quyết share phần tiền của em. Chỉ khi nào có dịp gì đó anh ấy mới trả cho em. Em đã cảm thấy rằng anh ấy không ga lăng, nhưng em cũng ráng bỏ qua, vì bạn bè em ai cũng nói cách sống của Tây là như thế. Bây giờ người trẻ nào cũng đều như thế.

Nhưng nếu đã là vợ chồng thì em hy vọng anh ấy phải hiểu rằng anh ấy là trụ cột kinh tế của gia đình. Anh ấy phải lo những phần chính, còn em sẽ chỉ phụ vào. Thu nhập của em, em muốn dành để mua sắm, làm đẹp, tích lũy riêng, vì đàn bà con gái lấy chồng mà nếu có gì, thì ai cũng sẽ thiệt thòi hơn đàn ông. Bây giờ góp chung công bằng thế, thì khác gì em tự lo cho em, có được nhờ gì chồng đâu.

Em suy nghĩ vậy có đúng không ạ? Và em có nên thảo luận lại với anh ấy những điều em mong muốn không?

Thiên Hà

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Em Thiên Hà thân mến,

Đã gọi là nói ra để bàn bạc, thì em nên nói thật, nói thẳng hết mọi ý kiến của mình, những điều em muốn và những gì em thấy chưa thể chấp nhận được trong ý kiến đề xuất của người yêu. Mục đích của việc thẳng thắn nói với nhau là như vậy mà em.

Tất nhiên là không phải ngay lập tức hai người sẽ có thể thống nhất được với nhau, cũng không nên e ngại hay chiều chuộng mà đồng ý đại với nhau, hay nhường đại rồi sau này lại ôm một nỗi ấm ức lâu dài, có khi phá hỏng  cả cuộc hôn nhân.

Lắng nghe nhau, bàn bạc với nhau xem cái nào hợp lý, cách nào hợp lý, điều gì chưa được thì bàn lại, tranh luận lại, cho đến khi thống nhất thì thôi. Còn nếu thấy không thể thống nhất với nhau được, thì cần phải xem xét lại xem liệu có thể có cuộc sống chung hạnh phúc hay không, vì kinh tế là vấn đề rất lớn của gia đình.

Tuy nhiên, theo chị nghĩ thì em hơi lẫn lộn vấn đề trụ cột gia đình của người đàn ông. Khi hai người kết hôn, không có nghĩa là người chồng phải gánh hết những sức nặng của kinh tế, nhất là trong thời buổi hiện đại này, việc người vợ chung vai gánh gánh nặng kinh tế với chồng là điều bình thường.

Việc đóng góp kinh tế gia đình thường là nên theo khả năng của mỗi người trong đời sống bình thường. Nó là nghĩa vụ, trách nhiệm nhưng cũng là tự nguyện. Sự tự nguyện chia sẻ, chăm lo cho nhau. 

Vai trò trụ cột của người chồng, theo Hạnh Dung, trước tiên là sự vững vàng, mạnh mẽ, che chở, bảo vệ gia đình về tinh thần. Là người lèo lái, hướng dẫn, đưa con thuyền gia đình vượt qua thử thách sóng gió cuộc đời. 

Tất nhiên, trong những sóng gió đó thì cũng có cả những cơn sóng gió kinh tế, tài chính mà người chồng sẽ phải là người có trách nhiệm, nghĩa vụ chống đỡ lo lắng cho gia đình nhiều hơn.

Giờ đây, nếu em cảm thấy ấm ức, thì hãy nên bàn bạc với người yêu thật nhiều, thậm chí nói thẳng với bạn trai, để xem bạn ấy và gia đình nghĩ thế nào nhé.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • NhungTran 04-10-2022 05:57:38

    Không bao giờ nên chấp nhận việc chia đôi chi phí gia đình. Vì khi người vợ mang thai, sinh nở thì tiền đâu mà chia đôi? Lúc đó chồng lại bất mãn khi phải bỏ ra nhiều hơn. Theo tôi, những người đàn ông chưa gì đã suy nghĩ chia đôi chi phí gia đình là những người ích kỷ.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI