Đều tốt nghiệp trường cao đẳng Múa Việt Nam và có thời gian làm việc tại các nhà hát, đoàn múa ở nhiều quốc gia châu Âu, Bùi Ngọc Quân (đoàn múa Les Ballets C de la B - Bỉ), Nguyễn Việt Hà (từng giảng dạy tại trường Múa TP.HCM) và Tạ Hồng Hoàng Anh (nhà hát Tanzania der Pfalztheater Kaiserslautern - Đức) đã gặp nhau không chỉ cùng chung đam mê với nghệ thuật múa.
Ba thành viên đồng sáng lập H2Q Art, mang theo cả khát vọng đưa nghệ thuật múa đương đại đến gần hơn với công chúng, kết nối nghệ sĩ Việt Nam với các vũ công đương đại thế giới.
Báo Phụ Nữ TP.HCM đã có cuộc trò chuyện với Nguyễn Việt Hà và Bùi Ngọc Quân để nghe những chia sẻ của họ về múa đương đại.
|
Biên đạo Ross và các diễn viên trong một buổi làm việc về ý tưởng và các chuyển động của cơ thể - Ảnh: Phan Kenny |
Phóng viên: H2Q Art ra đời trong thời điểm nghệ thuật biểu diễn đang được đánh giá là cực kỳ khó khăn khiến không ít người ngạc nhiên…
Nguyễn Việt Hà: Múa đương đại là loại hình biểu diễn rất quen thuộc ở các nước phát triển, nhưng vẫn còn khá mới ở Việt Nam. Có điều kiện tiếp cận và làm việc với các nghệ sĩ, biên đạo múa đương đại ở các nước châu Âu, tôi ấp ủ ước mơ gầy dựng và phát triển nghệ thuật múa đương đại chính thống ở Việt Nam, bằng chính kinh nghiệm và những gì mình đã học được.
Về nước từ năm 2014, sau nhiều khó khăn, cuối cùng tôi cũng trở lại với nghệ thuật múa ở nhiều công việc, vị trí khác nhau. Tôi nhận ra chỉ có thể làm được điều mình mong muốn khi có một công ty của riêng mình. May mắn, tôi tìm được những người cùng quan điểm, anh Bùi Ngọc Quân và bạn Tạ Hồng Hoàng Anh.
* Như anh Việt Hà vừa nói, múa đương đại ở Việt Nam còn khá mới, việc tiếp cận khán giả đang là bài toán khó của các nhà tổ chức. Bỏ tiền túi, tập hợp diễn viên, mời biên đạo, nhạc sĩ nổi tiếng từ nước ngoài, điều gì có thể khiến các anh “làm lơ” với khó khăn?
Bùi Ngọc Quân: Gần đây, ở Việt Nam đã có những tác phẩm múa độc lập, tuy nhiên vẫn chưa nhiều. Múa vẫn chưa có chỗ đứng của riêng mình, và vẫn chỉ được công chúng nhìn nhận là một loại hình kết hợp với âm nhạc, thậm chí nhiều người còn cho rằng múa chỉ là phần phụ họa cho ca sĩ trong các chương trình ca nhạc.
Việt Nam có rất nhiều tài năng ở lĩnh vực múa đương đại, nhưng các bạn lại chưa có nhiều cơ hội để phát triển và tỏa sáng. Qua những tác phẩm múa được dàn dựng độc lập, chúng tôi mong muốn góp phần tạo sự chú ý cho khán giả đối với nghệ thuật múa, để từ đó múa có thêm cơ hội được nhìn nhận khác hơn.
|
Đa thức- trải nghiệm thú vị của các diễn viên tham gia |
* Cả ba anh đều có thời gian làm việc khá dài ở châu Âu, Bùi Ngọc Quân và Tạ Hồng Hoàng Anh đều từng tham gia biên đạo, giảng dạy múa đương đại ở Bỉ, Thụy Sĩ, Đức… thế nhưng ở tác phẩm ra mắt H2Q Art, vì sao các anh vẫn “nhường quyền” cho Ross McCormack - biên đạo người New Zealand?
Nguyễn Việt Hà: Dự tính tác phẩm đầu tiên của H2Q Art sẽ do anh Bùi Ngọc Quân dàn dựng, nhưng Quân chưa thể sắp xếp công việc tại Bỉ thời điểm này nên chúng tôi quyết định mời Ross McCormack. Một phần cũng do chúng tôi nóng lòng muốn giới thiệu với khán giả đứa con tinh thần đầu tiên của H2Q Art.
Bùi Ngọc Quân: Ross là bạn rất thân của tôi, là một trong những tên tuổi nổi tiếng lĩnh vực biên đạo ở New Zealand. Với mười năm kinh nghiệm trình diễn tại công ty danh tiếng Les Ballets C de la B, Ross biên đạo và thiết kế nhiều tác phẩm cho các công ty tại Úc và New Zealand cũng như trình diễn quốc tế. Anh được nhận học bổng biên đạo sáng tạo uy tín của New Zealand, và là người đoạt giải thưởng nghệ thuật New Zealand năm 2017. Mời anh sang Việt Nam dàn dựng lần này, chúng tôi cũng mong muốn các bạn diễn viên múa được tiếp cận với cách làm việc, tư duy sáng tạo mới lạ, khác biệt hơn so với những gì đã quen thuộc trước đó.
* Nghệ thuật đương đại vẫn khá mới mẻ với công chúng. Với ê-kíp sáng tạo đều là người nước ngoài, liệu tác phẩm có đáp ứng được tâm lý, nhu cầu thưởng thức của khán giả Việt Nam?
Nguyễn Việt Hà: Ross từng làm tác phẩm cho một số nước châu Á, nơi anh đến nhiều nhất là Hàn Quốc. Anh có những am hiểu, trải nghiệm nhất định về văn hóa, tâm lý, suy nghĩ… của người châu Á. Lên ý tưởng cho Đa thức dựa trên những hiểu biết về sự khác biệt giữa hai nền văn hóa Á - Âu, khi sang Việt Nam, trước khi bắt tay dàn dựng, anh cũng dành nhiều thời gian quan sát, tìm hiểu văn hóa, con người Việt Nam.
Ý tưởng, cách thể hiện… của Ross đã có những thay đổi so với ban đầu. Trong suốt thời gian dàn dựng, chúng tôi cũng trao đổi với nhau, anh cũng rất cởi mở khi được góp ý để thay đổi một số chi tiết phù hợp với khán giả Việt Nam.
Bùi Ngọc Quân: Khác với múa ballet, múa đương đại sẽ không có một câu chuyện, nội dung có sẵn. Từ điểm bắt đầu, một cánh cửa sẽ mở ra cho người xem cùng hòa nhập với tác phẩm. Dựa trên trải nghiệm, cảm xúc… của bản thân mà mỗi người sẽ tự sắp xếp thông tin và có kịch bản của riêng mình.
Theo quan điểm của tôi, mỗi tác phẩm nghệ thuật không đơn giản chỉ là kể một câu chuyện cụ thể với khán giả, mà phải cho khán giả một không gian để họ tự diễn giải, suy luận và cảm nhận tác phẩm theo ý mình. Mỗi người xem sẽ có một phiên bản khác nhau của một tác phẩm theo cách hiểu và cách cảm của họ. Điều quan trọng ở một tác phẩm múa đương đại không phải là nội dung câu chuyện mà là những cảm xúc, sự rung cảm tác phẩm đó để lại trong lòng người xem.
* Jason Wright cũng là một người đến từ New Zealand, âm nhạc của anh làm cho Đa thức cũng là điều được nhiều người quan tâm?
Nguyễn Việt Hà: Để thực hiện phần âm nhạc cho Đa thức, Jason đã đến Đắk Nông và Đắk Lắk, gặp gỡ các nghệ nhân, nghe sáng tác của họ và tìm hiểu thêm về âm nhạc Tây Nguyên. Ở đây, anh đã thu âm một số bản nhạc do chính các nghệ nhân sáng tác và biểu diễn. Trên chất liệu cơ bản đó, Jason đã sáng tác thêm và kết nối phần âm nhạc đã thu âm để hoàn chỉnh phần âm nhạc cho Đa thức.
* Các anh có thể chia sẻ thêm một chút về Đa thức?
Nguyễn Việt Hà: Mỗi người chúng ta ai cũng có một giấc mơ. Nhưng không phải mọi giấc mơ đều trở thành sự thật. Bằng cách này hay cách khác, những mộng mơ ấy luôn bị ngăn cản. Có người cuối cùng vẫn mãi dừng chân ở đầu bên kia của giấc mộng son trẻ.
Có lẽ người được đứng ở đầu bên này của ước vọng, là người dám vượt qua mọi khuôn khổ. Đa thức tái hiện những bức bối trong cuộc sống, những dằn vặt nội tâm, những giấc mơ bị vần vũ trong vòng xoáy cuộc đời. Các diễn viên tham gia Đa thức là những tài năng được đánh giá cao từ những bộ môn hoàn toàn khác nhau như ballet, đương đại, hip hop, popping...: Lâm Tố Như, Vũ Ngọc Khải, Nguyễn Duy Thành, Nguyễn Thạch Sang, Nguyễn Quang Tư và Lâm Duy Phương.
* Kỳ vọng lớn nhất của H2Q Art sau Đa thức?
Nguyễn Việt Hà: Mong muốn lớn nhất là Đa thức được khán giả đón nhận. Chúng tôi đã tự đưa ra những vấn đề khán giả có thể thắc mắc về Đa thức, và cố gắng chuẩn bị một cách tốt nhất những câu trả lời thỏa đáng. Đa thức được đón nhận theo cách nào thì chúng tôi vẫn muốn được nghe ý kiến phản hồi từ phía khán giả, để biết mình có bắt kịp nhu cầu thưởng thức của khán giả, và để biết mình nên làm gì ở những tác phẩm tiếp theo.
Dự kiến sau hai suất diễn ở TP.HCM, khoảng cuối tháng 3, đầu tháng 4/2020, chúng tôi sẽ tổ chức ở Hà Nội. Chúng tôi cũng kỳ vọng có thể thực hiện được khoảng bốn tác phẩm trong thời gian từ hai đến ba năm.
Bùi Ngọc Quân: Trước khi bắt đầu gầy dựng H2Q Art, tôi từng ấp ủ ước mơ phát triển một nhóm múa đương đại có chất lượng nghệ thuật và tính chuyên nghiệp cao ở Việt Nam. Xa hơn nữa, tôi mong muốn có thể đưa một chương trình múa đương đại Việt Nam đi biểu diễn khắp thế giới.
Ngay thời điểm này, tôi lại có thêm một mối quan tâm, có vẻ hơi “thực dụng”: liệu sau hai đêm diễn chúng tôi có thu lại được ít tiền? Không phải là tiền lãi từ việc tổ chức chương trình, mà liệu có thu lại được ít vốn để tiếp tục làm tiếp chương trình sau hay không.
Với chúng tôi, H2Q Art là công việc tay trái, mỗi người đều có công việc tay phải để nuôi nghề tay trái, nên ít nhiều cũng có những lo lắng. Trong tình huống xấu nhất, nếu không thể tiếp tục tồn tại, thì với chúng tôi đây cũng là những trải nghiệm quý.
* Cám ơn hai anh, chúc Đa thức sẽ chinh phục được công chúng và là khởi đầu ấn tượng của H2Q Art.
Hoa Hiền (thực hiện)