Đã tắt rồi giọng 'nhựa' của quái kiệt Thanh Hoài

22/12/2014 - 20:07

PNO - PNO - Nghệ sĩ hài Thanh Hoài, một trong bảy quái kiệt nổi tiếng của sân khấu Sài Gòn trước 1975 đã qua đời lúc 3g sáng nay 22/12, hưởng thọ 83 tuổi.

edf40wrjww2tblPage:Content

Nghệ sĩ Thanh Hoài tên thật là Đinh Tiến Hoài, sinh ra trong gia đình trí thức có cha là giáo viên ở Hà Nội. Thời đi học ở Hưng Yên, cậu học trò Đinh Tiến Hoài đã sớm bộc lộ năng khiếu hài khi giả làm các nhân vật Lý Toét, Xã Xệ để chọc cười các bạn. Với năng khiếu hài của mình, Đinh Tiến Hoài được giao cho phụ trách nhóm văn nghệ, tập múa hát, diễn kịch… trong trường học.

Da tat roi giong 'nhua' cua quai kiet Thanh Hoai

Danh hài Thanh Hoài được xem là một trong bảy "quái kiệt" của Sài Gòn trước 1975

Năm 1952, sau khi cha qua đời, ông theo mẹ và gia đình người cô vào Sài Gòn. Duyên may tình cờ cho ông gặp được nghệ sĩ Ba Vân và trở thành đệ tử ruột của nghệ sĩ hài tài hoa này. Năm 1955, ông chính thức gia nhập sân khấu chuyên nghiệp với nghệ danh Thanh Hoài và nhanh chóng khẳng định tên tuổi của mình.

Một trong những vai diễn để đời, đưa tên danh hài Thanh Hoài vào hàng quái kiệt phải kể đến vai Cả Keo trong vở kịch Lão hà tiện do soạn giả Ngọc Ngân phóng tác theo vở kịch L’Avare của Molière, được phát sóng trên đài truyền hình Sài Gòn năm 1967. Kể từ đó,Thanh Hoài trở thành tên tuổi đầu tiên được các hãng làm phim hài nhắm tới. Ông đã tham gia rất nhiều bộ phim hài nổi tiếng: Tứ quái Sài Gòn, Năm hiệp sĩ bất đắc dĩ, Bốn thủy thủ sợ ma, Triệu phú bất đắc dĩ, Anh hùng sợ vợ, Con ma nhà họ Hứa, Năm vua hề về làng

Trước năm 1975 Thanh Hoài được khán giả xếp hạng “quái kiệt” trong đội ngũ “thất quái” của Sài Gòn lúc bấy giờ gồm: Thanh Việt, La Thoại Tân, Phi Thoàn, Thanh Hoài, Tùng Lâm, Xuân Phát và Khả Năng.

Có người gọi danh hài Thanh Hoài là quái kiệt, nhưng có người lại thích gọi ông là “hề nhựa” bởi ông có giọng nói nhừa nhựa rất đặc biệt, tạo nên nét độc đáo cho mình. Chính vì điểm đặc biệt này mà khi tham gia đóng phim, ông phải tự lồng tiếng cho mình chứ không ai có thể thay thế được.

Da tat roi giong 'nhua' cua quai kiet Thanh Hoai
Nghệ sĩ hài Thanh Hoài (phải) và người bạn diễn thân thiết - danh hài Tùng Lâm

Sau năm 1975, ông về Long An và được giao phụ trách chương trình Gia đình bác Tám trên Đài phát thanh Long An. Năm 1990, danh hài Thanh Hoài làm cán bộ thuộc Sở VHTT Bà Rịa - Vũng Tàu. Thời phim truyện video, chỉ trong 5 năm, từ 1990 - 1995 danh hài Thanh Hoài đã tham gia khoảng 200 bộ phim video trước khi ngừng hẳn các hoạt động nghệ thuật.

Con đường đưa nghệ sĩ Thanh Hoài trở lại với sân khấu và khán giả Sài Gòn cũng rất tình cờ. Năm 2001, khi sân khấu Hồng Vân dựng vở Số đỏ, “bà bầu” Hồng Vân đã nhớ ngay đến chất giọng Bắc đặc biệt, không lẫn lộn với bất kỳ ai của danh hài Thanh Hoài để mời ông tham gia vai diễn cụ cố Hồng. Sau đó ông lại tiếp tục có mặt ở sân khấu này qua vở Bỉ vỏNgao Sò Ốc Hến.

Khi trở lại TP.HCM, ông cũng tham gia một số chương trình, vở diễn ở Nhà hát kịch TP.HCM, đồng thời tự gầy dựng một nhóm nghệ sĩ để tổ chức những buổi biểu diễn phục vụ trẻ em mồ côi, khuyết tật, mái ấm tình thương... hoặc biểu diễn gây quỹ từ thiện ủng hộ quỹ giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.

Tang lễ nghệ sĩ Thanh Hoài tổ chức tại nhà riêng, số 811 Đoàn Văn Bơ, P.18, Q.4, TP.HCM. Lễ động quan lúc 6 giờ ngày 25/12, sau đó đưa đi hỏa táng tại Bình Hưng Hòa.

THẢO VÂN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI